Ngày xuất bản: 2021-08-12

Đánh giá khả năng kết hợp chung của 15 dòng dưa leo (Cucumis sativus L.) thế hệ I5

Hoàng Đắc Hiệt, Nguyễn Thị Bích Phượng, Tô Thị Thùy Trinh, Trần Văn Lâm, Lê Thị Thu Mận, Huỳnh Quang Tuấn, Thái Thị Bích & Võ Thái Dân
Bản điện tử: 12 Aug 2021 | DOI: 10.52997/jad.1.04.2021
Tóm tắt | PDF (9.8M)

Tóm tắt

Nghiên cứu đánh giá khả năng kết hợp chung của 15 dòng dưa leo I5 đã được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định dòng bố mẹ phục vụ công tác tạo giống dưa leo lai F1. Vật liệu thí nghiệm gồm có 15 dòng dưa leo thế hệ I5 làm mẹ (L3, L9, L21, L22, L28, L32, L33, L36, L39, L61, L63, L69, L71, L74 và L78) và 2 dòng thử tester T1 và T2 (T1 là giống TN 456 của Công ty Trang Nông nhập khẩu từ Thái Lan và T2 là giống Cuct 1450 của Công ty Chia Tai - Thái Lan), tạo thành 30 tổ hợp lai bằng phương pháp lai đỉnh. Kết quả chọn được 7 dòng gồm L3, L9, L21, L28, L33, L61 và L71 có khả năng kết hợp chung cao với cả 2 dòng tester T1 và T2 về năng suất với chỉ số KNKHC từ + (0,8) đến + (9,4). Đánh giá 30 tổ hợp lai về các chỉ tiêu về sinh trưởng và năng suất chọn được 2 tổ hợp lai với năng suất cao có ý nghĩa khác biệt so với các tổ hợp lai khác là L28/T1 và L71/T2 có năng suất lần lượt là 43,1 tấn/ha và 41,3 tấn/ha.

Phổ ký chủ, khả năng sinh sản và sống sót của bọ Neochetina eichhorniae (Coleoptera: Curculionidae) – Loài thiên địch tiềm năng trong kiểm soát lục bình (Eichhornia crassipes)

Trần Duy Tân, Đặng Thiên Ân, Nguyễn Tuấn Đạt & Lê Khắc Hoàng
Bản điện tử: 12 Aug 2021 | DOI: 10.52997/jad.2.04.2021
Tóm tắt | PDF (3.6M)

Tóm tắt

Bọ cánh cứng Neochetina eichhorniae (Coleoptera: Curculionidae), thiên địch tiềm năng kiểm soát hiệu quả lục bình trên hệ thống kênh rạch đã được phát hiện và nghiên cứu về các đặc điểm hình thái và sinh học. Trong nghiên cứu này, chúng tôi khảo sát phổ ký chủ của bọ trên 7 nhóm cây trồng gồm: cây họ lục bình (lục bình - Eichhornia crassipes, rau mác - Monochoria hastata; cây lương thực (lúa - Oryza sativa, ngô - Zea mays, khoai lang - Ipomoea batatas, sắn - Manihot esculenta); cây rau (dưa leo - Cucumis sativus, cải xanh - Brassica juncea, củ cải - Raphanus sativus, rau muống - Ipomoea aquatica, rau càng cua - Peperomia pellucida, bắp cải - Brassica oleracea var. capitata); cây thân thảo (cây lẻ bạn - Tradescantia discolor, rau má - Centella asiatica, thài lài - Tradescantia pallida); cây ăn quả (xoài - Mangifera indica, nhãn - Dimocarpus longan, chôm chôm - Nephelium lappaceum); cây sống dưới nước (sen - Nelumbo nucifera, súng - Nymphaea rubra, kèo nèo - Limnocharis flava) và cây công nghiệp (mía - Saccharum spp., đậu phộng - Arachis hypogaea), đồng thời tiến hành khảo sát khả năng sinh sản của bọ N. eichhorniae trên cây lục bình trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, bọ N. eichhorniae chỉ gây hại và hoàn thiện vòng đời duy nhất trên cây lục bình, bọ có khả ăn trên cây rau mác (là loài cỏ dại thuộc họ lục bình) nhưng sức ăn phá rất yếu và không thể hoàn thiện vòng đời trên loài cây này. Khi ăn phá trên lục bình, thời gian đẻ trứng của con cái kéo dài trong 16 tuần với số trứng đẻ trung bình là 358,9 trứng. Từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 8 sau vũ hóa bọ cái đẻ trứng nhiều nhất (đạt 43% tổng số trứng đẻ). Tỷ lệ trứng nở của bọ N. eichhorniae trung bình là 75,2%; tỷ lệ hóa nhộng là 66,8%; tỷ lệ vũ hóa đạt 79,1%; tỷ lệ con cái là 48,7%. Những thông tin về phổ ký chủ và khả năng đẻ trứng của bọ N. eichhorniae là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục nghiên cứu phát triển loài này thành thiên địch nhằm kiểm soát hiệu quả lục bình một cách bền vững.

Nghiên cứu sự tích lũy của một số kim loại nặng ở vịt bị phơi nhiễm với kim loại nặng trong nước nuôi

Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Hàm Uyên, Nguyễn Hải Thuyền, Nguyễn Văn Đông & Nguyễn Phúc Cẩm Tú
Bản điện tử: 12 Aug 2021 | DOI: 10.52997/jad.4.04.2021
Tóm tắt | PDF (413.7K)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định sự tích lũy sinh học của các kim loại nặng (KLN) (Cu, Zn, Hg, Pb và Cd) trong 15 mô và cơ quan nội tạng khác nhau (não, cơ ức, xương ức, cơ đùi, xương đùi, máu, tim, phổi, mề, gan, ruột, lách, tụy, mật và thận) của vịt nhà được phơi nhiễm với các KLN trong nước nuôi với nồng độ tương đương giới hạn qui định trong Cột B của QCVN 40:2011/BTNMT. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên gồm hai nghiệm thức (NT): đối chứng (không phơi nhiễm, ĐC) và phơi nhiễm (PN), mỗi NT được lặp lại ba lần. Vịt được phân phối ngẫu nhiên với mật độ 10 con vào chuồng nuôi và nuôi trong 8 tuần. Kết quả cho thấy hàm lượng của các KLN, nhất là Hg, Pb và Cd, trong các mô và cơ quan của vịt ở nghiệm thức đối chứng thấp hơn nghiệm thức phơi nhiễm. Mức độ tích lũy KLN cao nhất tìm thấy trong gan và thận. Ở nghiệm thức PN, hàm lượng Pb trong thận và xương và Cd trong gan và thận cao hơn giới hạn ô nhiễm của các KLN này trong thực phẩm theo quy chuẩn của Bộ Y tế Việt Nam và Cộng đồng châu Âu. Nghiên cứu này chứng minh rằng đã có sự tích lũy KLN trong vịt mặc dù chúng được phơi nhiễm với nồng độ tương đối thấp trong nước nuôi. Do đó, cần có những nghiên cứu tiếp theo về tích lũy sinh học của KLN trong vịt nuôi cũng như các loài chim thủy sinh.

Ảnh hưởng bổ sung vitamin E trong khẩu phần lên năng suất sinh sản của chim cút Nhật

Nguyễn Thị Kim Khang, Nguyễn Thảo Nguyên, Ngô Thị Minh Sương & Võ Thành Minh
Bản điện tử: 12 Aug 2021 | DOI: 10.52997/jad.3.04.2021
Tóm tắt | PDF (9.8M)

Tóm tắt

Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của bổ sung vitamin E (VitE) trong khẩu phần lên năng suất sinh sản của chim cút Nhật giai đoạn 49 - 132 ngày tuổi. Tổng số 40 chim cút mái ở 49 ngày tuổi được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức (NT) tương ứng với khẩu phần là đối chứng (ĐC): khẩu phần cơ sở (KPCS), E75: KPCS có bổ sung 75 mg VitE/kg thức ăn (TA), E100: KPCS bổ sung 100 mg VitE/kg TA và E125: KPCS bổ sung 125 mg VitE/kg TA và được lặp lại 10 lần, mỗi lần lặp lại là 1 chim cút mái. Thí nghiệm được thực hiện trong 12 tuần từ ngày 23/12/2019 đến 15/03/2020. Kết quả phân tích cho thấy giai đoạn 105 - 132 ngày tuổi, cút có tỷ lệ đẻ và KL trứng cao nhất ở E100 (93,57% và 11,91 g), ĐC (90% và 11,58 g) và E75 (89,29% và 11,86 g) và thấp nhất ở E125 (79,44% và 10,33 g) (P < 0,05). Không có sự khác biệt về TTTA và HSCHTA giữa các NT qua các giai đoạn tuổi (P > 0,05). Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các NT về KL vỏ, tỷ lệ vỏ, tỷ lệ lòng trắng và độ dày vỏ trứng (P < 0,05). Kết quả phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy E75 và E100 có lợi nhuận cao hơn so với ĐC là 18,13% và 11,46%. Từ kết quả nghiên cứu trên có thể đề nghị khẩu phần có bổ sung 75 mg hoặc 100 mg VitE/kg TA giúp cải thiện năng suất trứng ở chim cút Nhật.

Ảnh hưởng của độ ẩm tương đối và nhiệt độ đến sự biến đổi thành phần hóa lý của bột thanh long ruột đỏ hòa tan trong quá trình bảo quản

Hoàng Quang Bình, Nguyễn Hồng Ngoan, Đỗ Anh Quân, Phạm Ngọc Trâm, Đỗ Lê Hạnh Trang & Dương Thị Ngọc Diệp
Bản điện tử: 12 Aug 2021 | DOI: 10.52997/jad.5.04.2021
Tóm tắt | PDF (9.8M)

Tóm tắt

Nghiên cứu này đã được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ bảo quản (5 - 7oC, 29 - 31oC và 50oC) và độ ẩm tương đối của môi trường (RH 10 - 84%) đến sự biến đổi các hợp chất chống oxy hóa như betacyanin, polyphenol cũng như màu sắc, độ ẩm và hoạt độ nước của sản phẩm bột thanh long ruột đỏ trong quá trình bảo quản. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 40 ngày bảo quản tại nhiệt độ 5 - 7oC, mẫu có hàm lượng betacyanin là 3,76 mg/100 g vật chất khô (vck) và polyphenol tổng là 28,31 mg/100 g vck; các giá trị này cao hơn so với mẫu được bảo quản tại nhiệt độ môi trường (29 - 31oC) và 50oC. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng đã ghi nhận được độ ẩm môi trường từ 10% - 23% cho sản phẩm có hàm lượng betacyanin (4,16 - 3,61 mg/100 g vck) và polyphenol tổng (27,29 - 25,66 mg/100 g vck), cũng như hoạt độ nước độ nước (0,28 - 0,3) tốt hơn so với vùng độ ẩm 57 - 84%.

Khảo sát, định danh cây họ cau dừa tại các vựa kiểng ở Thành phố Hồ Chí Minh và ứng dụng trong thiết kế sân vườn

Trần Thị Kim Chi, Nguyễn Văn Quân & Dương Thị Mỹ Tiên
Bản điện tử: 12 Aug 2021 | DOI: 10.52997/jad.6.04.2021
Tóm tắt | PDF (2M)

Tóm tắt

Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 06 đến tháng 09 năm 2020 tại các vựa kiểng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu được thực hiện bằng các phương pháp như điều tra, chụp ảnh, so sánh hình thái, tổng hợp số liệu, thiết kế. Nghiên cứu đã định danh, thống kê và phân tích được cây họ Cau dừa tại các vựa kiểng ở Thành phố Hồ Chí Minh và ứng dụng phối kết vào trong thiết kế sân vườn. Kết quả nghiên cứu định danh được 25 loài thuộc 22 chi của họ Cau dừa (Arecaceae). Trong 25 loài điều tra có 22 loài có nguồn gốc nhập nội, 3 loài có nguồn gốc bản địa. Đa số là cây họ Cau dừa có thân mọc đơn độc (68%) còn lại là 8 loài có thân mọc cụm thành dạng bụi (32%). Sử dụng phần mềm Sketch-up, Lumion, Photoshop thiết kế ứng dụng cây họ Cau dừa vào thiết kế cảnh quan.

Tích hợp GIS và chuỗi Markov trong phân tích động thái thay đổi sử dụng đất: Trường hợp nghiên cứu tại thượng nguồn lưu vực sông Ba, tỉnh Gia Lai

Le Minh Hải, Lê Hoàng Tú, Hồ Minh Dũng, Nguyễn Thành Nghĩa, Phan Thị Hà, Đặng Nguyễn Đông Phương, Nguyễn Kim Lợi & Nguyễn Thị Huyền
Bản điện tử: 12 Aug 2021 | DOI: 10.52997/jad.8.04.2021
Tóm tắt | PDF (924.8K)

Tóm tắt

Sông Ba là hệ thống sông lớn nhất của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Những năm gần đây, thay đổi sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai có sự chuyển biến mạnh mẽ. Do đó, để có cơ sở cho việc quy hoạch và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất, đánh giá thay đổi sử dụng đất ở thượng nguồn lưu vực sông Ba là rất cần thiết. Nghiên cứu sử dụng chuỗi Markov kết hợp với GIS để xem xét sự thay đổi của các loại hình sử dụng đất khác nhau trong giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 - 2020. Kết quả cho thấy giai đoạn 2010 - 2015, đất sản xuất nông nghiệp và rừng đặc dụng không có sự thay đổi đáng kể. Trong khi đó, một tỷ lệ lớn đất chưa sử dụng (86%), nước mặt và nuôi trồng thủy sản (57,5%) được chuyển sang các loại hình sử dụng đất khác. Giai đoạn 2020 - 2015, diện tích đất chưa sử dụng tiếp tục giảm trong khi mặt nước và nuôi trồng thủy sản tăng lên. Đất lâm nghiệp chiếm diện tích đáng kể (51,16%) trong giai đoạn 2015 - 2020. Ngoài ra, động lực dẫn đến những thay đổi cũng được phân tích, cung cấp cái nhìn toàn diện về thay đổi sử dụng đất tại khu vực nghiên cứu. Nhìn chung, GIS và chuỗi Markov phù hợp cho đánh giá thay đổi sử dụng đất và kết quả của đề tài hữu ích trong việc cung cấp cơ sở cho việc quy hoạch sử dụng đất tỉnh Gia Lai.

Nghiên cứu thiết kế mô hình cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có đề cập đến yếu tố tham vấn cộng đồng tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trương Đỗ Thùy Linh & Võ Thị Ngọc Thủy
Bản điện tử: 12 Aug 2021 | DOI: 10.52997/jad.7.04.2021
Tóm tắt | PDF (9.8M)

Tóm tắt

Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai nói chung và CSDL quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) nói riêng là một yêu cầu tất yếu, nhất là đối với một thành phố cảng biển có mức độ biến động đất đai phức tạp như thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, một CSDL QHSDĐ hoàn chỉnh và nhận được sự tham gia góp ý của cộng đồng sẽ góp phần kết nối nhà quy hoạch, nhà quản lý và người dân, giúp tăng tính công khai, minh bạch và tính khả thi của phương án QHSDĐ. Nghiên cứu đã thiết kế được mô hình CSDL QHSDĐ (có đề cập đến yếu tố tham vấn cộng đồng (TVCĐ)) cho TP. Vũng Tàu theo đúng quy chuẩn dữ liệu đất đai của Thông tư 75/2015/TT-BTNMT; từ đó, xây dựng thành công bộ cấu trúc CSDL QHSDĐ có độ chính xác cao, phù hợp với quy chuẩn của ngành và mô hình CSDL đã thiết kế, với 22 bảng dữ liệu không gian trên ArcGIS và 8 bảng dữ liệu thuộc tính (có đề cập đến yếu tố TVCĐ) trên Microsoft SQL Server. Cuối cùng, đề tài đã thử nghiệm xây dựng thành công CSDL QHSDĐ giai đoạn 2010 - 2020 bằng phần mềm VBDLIS cho TP. Vũng Tàu với 6 lớp dữ liệu gồm: 15.060 bản ghi thuộc lớp QHSDĐ; 163 bản ghi thuộc lớp Công trình dự án; 12.002 bản ghi thuộc lớp Điều chỉnh QHSDĐ; 570 bản ghi thuộc lớp Điều chỉnh công trình dự án và 2 lớp dữ liệu thuộc tính về TVCĐ. Kết quả đạt được cho thấy mô hình và bộ cấu trúc CSDL hoàn chỉnh, đúng quy định chính là cơ sở giúp xây dựng thành công và khai thác hiệu quả CSDL QHSDĐ, góp phần cho việc quản lý đất đai theo quy hoạch và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.