Ngày xuất bản: 2024-10-30

Hoàn thiện quy trình nhân giống in vitro cây hoa Dạ yến thảo (Petunia hybrida)

Nguyễn Thị Thanh Duyên & Hỷ Nhật Hào
Bản điện tử: 30 Oct 2024 | DOI: 10.52997/jad.5.01.2024
Tóm tắt | PDF (544.1K)

Tóm tắt

Hoa Dạ yến thảo (Petunia hybrida) là một trong những loại hoa trồng chậu trang trí đang được ưa chuộng hiện nay. Nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô mang lại hiệu quả về hệ số nhân giống và chất lượng cây giống đồng đều, đáp ứng được nhu cầu giống hoa Dạ yến thảo. Trong nghiên cứu này, Natri hypoclorit (NaOCl) với các nồng độ khác nhau và chất điều hoà sinh trưởng [6-benzyladenine (BA), Indole 3-butyric acid (IBA), and Naphthaleneacetic acid (NAA)] đã được sử dụng để xác định được nồng độ và thời gian phù hợp cho quá trình vào mẫu, nhân chồi và tạo rễ cây hoa Dạ yến thảo. Các chỉ tiêu về tỷ lệ mẫu sống, mẫu nhiễm, mẫu chết, số chồi, chiều cao chồi, số rễ và chiều dài rễ của cây hoa Dạ yến thảo in vitro đã được đánh giá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khử trùng mẫu thân ở nồng độ 5% NaOCl và thời gian 10 phút đã cho tỉ lệ mẫu sống cao nhất (70,7%) ở 14 ngày sau cấy và mẫu thân cây hoa Dạ yến thảo khi được cấy vào môi trường MS (Murashige and Skoog) có bổ sung 0,5 mg/L BA kết hợp với 0,1 mg/L IBA cho kết quả nhân nhanh tốt nhất với hệ số nhân chồi đạt 26,9 lần, trọng lượng chồi đạt 3,6 g, số lá/chồi đạt 4,6 lá, chiều cao chồi đạt 3,0 cm. Môi trường MS có bổ sung 0,1 mg/L NAA cho kết quả hình thành rễ tốt nhất với số rễ đạt 32,1 rễ/cây, chiều dài rễ đạt 7,0 cm.

Đánh giá hiệu quả sử dụng phân đạm và khả năng cung cấp đạm của đất phù sa trồng bưởi (Citrus grandis L. Osbeck) ở đồng bằng sông Cửu Long

Trần Hoàng Em, Lê Ngọc Quỳnh, Ngô Phương Ngọc, Lê Thị Hằng Mơ & Ngô Ngọc Hưng
Bản điện tử: 30 Oct 2024 | DOI: 10.52997/jad.5.02.2024
Tóm tắt | PDF (731.9K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định hiệu quả sử dụng phân đạm và khả năng cung cấp N từ đất phù sa trồng bưởi Năm Roi (Citrus grandis L. Osbeck) tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm hai nghiệm thức (nghiệm thức NPK: 673 N - 385 P2O5 - 192 K2O g/cây và nghiệm thức PK: 0 N - 385 P2O5 - 192 K2O g/cây), ba lần lặp lại (3 cây/mỗi lần lặp lại). Kết quả cho thấy năng suất trái đạt cao nhất (39,1 kg/cây) ở nghiệm thức bón đầy đủ NPK, hiệu quả thu hồi đạm đạt 53,8%; thấp nhất ở nghiệm thức bón PK (18,5 kg/cây). Kết quả tính toán khả năng cung cấp đạm cho cây bưởi Năm Roi tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho thấy đất phù sa có khả năng cung cấp 49,6% N và lượng N còn lại 50,4% từ nguồn phân bón bổ sung để cho năng suất tối đa.

Nghiên cứu ứng dụng công thái học trong thiết kế bàn ghế học sinh cấp tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh

Lê Quang Nghĩa, Hoàng Thị Thanh Hương, Đặng Minh Hải & Nguyễn Văn Tiến
Bản điện tử: 30 Oct 2024 | DOI: 10.52997/jad.5.03.2024
Tóm tắt | PDF (828K)

Tóm tắt

Ứng dụng công thái học trong thiết kế sản phẩm hiện nay đang rất được quan tâm, đặc biệt là dùng cho các sản phẩm trong trường học, nhằm giảm các bệnh lý học đường. Trong bài báo này, tác giả đã đưa thống kê kích thước cơ thể của học sinh tiểu học của cả nam và nữ từ 8 - 9 tuổi tại TP.HCM về kích thước trung bình cơ thể, kích thước ở tư thế đứng và ở tư thế ngồi. Bên cạnh đó, bài báo cũng đưa ra các chỉ tiêu của gỗ tràm bông vàng xẻ và gỗ ghép thanh tràm bông vàng dùng cho sản xuất bàn ghế học sinh. Từ các kích thước cơ thể học sinh đã đưa ra, kết hợp với các thông số tiêu chuẩn công thái học và thông tư liên tịch số: 26/2011 của Bộ Y tế kết hợp với việc lựa chọn nguyên liệu gỗ tràm bông vàng, tác giả đã thiết kế được bộ sản phẩm bàn ghế dùng cho học sinh tiểu học - lớp 3. Kích thước chiều cao bàn 570 mm, chiều rộng bàn 450 mm, chiều dài bàn 600 mm; chiều cao ghế 650 mm, chiều cao mặt ngồi 340 mm, chiều rộng mặt ngồi 310 mm, chiều sâu ngồi 264 mm. Góc nghiêng giữa lưng tựa và mặt ghế là góc 95°. Kết quả đã thiết kế bộ bàn ghế và tiến hành sản xuất thử, cùng với đề xuất quy trình gia công bàn ghế học sinh tiểu học.

Ảnh hưởng của mật độ artemia và cá rô phi tới khả năng xử lý chất hữu cơ có trong nước thải của nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) công nghiệp

Trương Thị Bích Hồng & Nguyễn Đình Huy
Bản điện tử: 30 Oct 2024 | DOI: 10.52997/jad.5.04.2024
Tóm tắt | PDF (899.1K)

Tóm tắt

Nước thải nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) chứa các chất có thể gây ô nhiễm môi trường như hàm lượng chất rắn lơ lừng (TSS), nhu cầu oxy hóa học (COD) và các chất kích thích tăng trưởng ở mức cao. Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng sử dụng artemia để lọc chất thải rắn lơ lửng và cá rô phi (Oreochromis niloticus) sử dụng chất thải hữu cơ của tôm, thức ăn thừa ở tầng đáy trong bể nước thải của nuôi tôm công nghiệp trong bể. Điều này góp phần làm giảm hàm lượng hữu cơ trong nước thải khi xả nước ra môi trường. Cả artemia và cá rô phi đều có khả năng làm giảm nhanh chất thải rắn ở tầng mặt và tầng đáy trong bể nước thải từ nuôi tôm công nghiệp trong bể. Kết thúc thí nghiệm, nhu cầu oxy hóa sinh học (BOD₅), nhu cầu oxy hóa hóa học (COD), tổng chất rắn lơ lửng (TSS) trong nước đầu ra của tất cả các nghiệm thức đều đạt quy chuẩn cho phép của nước thải theo quy định Thông tư 44/2010/TT-BNNPTNT và QCVN 11-MT: 2015/BTNMT. Đối với thí nghiệm xử lý hàm lượng chất rắn lơ lửng ở nước thải bề mặt của bể nước thải từ nuôi tôm công nghiệp trong bể, hàm lượng TSS, BOD₅, COD còn lại là thấp nhất 6,2 ± 1,1 mg/L, 3,9 ± 0,5 mg/L và 8,6 ± 1,4 mg/L, tương ứng, ở nghiệm thức thả với mật độ 300 con artemia/L. Đối với thí nghiệm xử lý nước thải tầng đáy của bể nước thải từ nuôi tôm công nghiệp trong bể, hàm lượng TSS, BOD₅ và COD còn lại là thấp nhất 21,4 ± 5,1 mg/L, 8,5 ± 1,5 mg/L và 11,6 ± 3,6 mg/L, tương ứng, ở nghiệm thức thả với mật độ 16 con cá rô phi/m3.

Đánh giá hoạt tính lên men của các mẫu nấm men phân lập từ quả ổi (Psidium guajava L.)

Lâm Quỳnh Như, Lê Quốc Đạt, Nguyễn Đông Thiên, Lê Nhật Minh, Nguyễn Vũ Phong & Biện Thị Lan Thanh
Bản điện tử: 30 Oct 2024 | DOI: 10.52997/jad.5.05.2024
Tóm tắt | PDF (5.7M)

Tóm tắt

Nghiên cứu được tiến hành nhằm phân lập và tuyển chọn các mẫu nấm men có các hoạt tính lên men tốt để phục vụ cho nghiên cứu rượu vang ổi (Psidium guajava L.). Nấm men được phân lập từ 22 mẫu ổi chín (gồm 4 giống: Sẻ, Đài Loan, Trân châu ruột đỏ và Nữ hoàng) được thu thập tại 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Các mẫu nấm men phân lập được khảo sát đặc điểm sinh học bao gồm đặc điểm khuẩn lạc và tế bào sau 48 giờ nuôi cấy; và khảo sát đặc điểm lên men gồm: khả năng sinh khí H₂S, khả năng kết lắng, khả năng chịu nhiệt và chịu ethanol, khả năng sinh enzyme ngoại bào và khả năng lên men các nguồn đường khác nhau. Kết quả đã phân lập được tổng số 33 mẫu nấm men dựa theo những đặc điểm về khuẩn lạc và tế bào. Trong đó, 9 mẫu từ giống ổi Đài Loan, 13 mẫu từ giống ổi Nữ hoàng, 7 mẫu từ giống ổi Sẻ và 4 mẫu từ giống ổi Trân châu ruột đỏ. Sau quá trình khảo sát các đặc điểm lên men đã tuyển chọn được 10/33 mẫu không sinh khí H2S và có khả năng kết lắng tốt trong dịch lên men sau 7 ngày. Trong đó, năm mẫu nấm men kí hiệu NHCB1, NHCL4, NHCB4, DLCL1 và NHCB2 có khả năng chịu nhiệt tốt ở 39°C - 43°C và chịu ethanol với nồng độ cao 6% - 8% trong 24 giờ. Qua khảo sát khả năng lên men các nguồn đường, ba mẫu NHCL4, NHCB2 và NHCB4 có khả năng lên men với đường glucose và fructose được tuyển chọn để giải trình tự định danh. Kết quả giải trình tự cho thấy cả 3 mẫu đều tương đồng cao (> 99%) với Hanseniaspora opuntiae. Đây là loài nấm men có khả năng chịu ethanol, lên men và tạo mùi hương tốt mang đến tiềm năng cho việc sản xuất rượu vang hoặc các sản phẩm lên men khác.

Tối ưu hóa quá trình trích ly polyphenol từ vỏ lụa hạt điều với sự hỗ trợ của hỗn hợp enzyme cellulase và pectinase

Phan Tại Huân, Đạo Thị Mộng Tuyền & Nguyễn Thị Phượng
Bản điện tử: 30 Oct 2024 | DOI: 10.52997/jad.5.07.2024
Tóm tắt | PDF (510.2K)

Tóm tắt

Một lượng lớn vỏ lụa hạt điều bị loại bỏ trong quá trình chế biến nhân hạt điều, gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho vỏ lụa hạt điều bằng phương pháp chiết xuất dung dịch giàu polyphenol với sự hỗ trợ của hỗn hợp enzyme cellulase và pectinase. Phương pháp quy hoạch thực nghiệm kiểu thí nghiệm phối hợp có tâm được sử dụng để bố trí nghiên cứu nhiệt độ trích ly từ 41,6⁰C đến 58,4⁰C; pH trích ly từ pH 3,2 đến pH 4,8; nồng độ enzyme từ 0,03% đến 0,37% (v/w). Mô hình bề mặt đáp ứng bậc 2 được xây dựng để phân tích tác động của các yếu tố thí nghiệm đối với hàm lượng phenolic tổng (TPC), hoạt tính khử gốc tự do DPPH (2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl) và ABTS (2,2'-azinobis-3-ethylbenzothiazoline-6-sulfonic acid). Kết quả phân tích hồi quy cho thấy 91%, 88% và 92% sự biến thiên dữ liệu tương ứng hàm mục tiêu TPC, khả năng khử gốc tự do DPPH và ABTS có thể được giải thích bởi các mô hình. Ở điều kiện tối ưu, giá trị dự đoán của TPC là 164,26 (mg GAE/g vật chất khô), năng khử gốc tự do DPPH và ABTS lần lượt là 936,52 (µmol TE/g vật chất khô) và 1591,47 (µmol TE/g vật chất khô). Kết quả thực nghiệm tương đồng với các giá trị dự đoán, cho thấy tính phù hợp của mô hình cũng như sự thành công của phương pháp bề mặt đáp ứng trong việc tối ưu hóa điều kiện trích ly polyphenol từ vỏ lụa hạt điều với hỗn hợp enzyme.

Nghiên cứu quy trình sản xuất trà oolong từ ngọn chanh dây Passiflora edulis

Trần Thị Ngọc Mai & Nguyễn Thị Mai Huyền
Bản điện tử: 30 Oct 2024 | DOI: 10.52997/jad.5.06.2024
Tóm tắt | PDF (1.7M)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm tạo sản phẩm trà oolong từ ngọn chanh dây, làm đa dạng hóa dòng sản phẩm này đồng thời giúp nâng cao giá trị sử dụng của nguồn nguyên liệu có hoạt tính sinh học. Quá trình lên men trà được tiến hành ở nhiệt độ 25 ± 2°C trong 4 giờ, sấy dẻo và sấy thành phẩm được tiến hành ở nhiệt độ và thời gian tương ứng là 50 ± 2°C trong 4 giờ và 90 ± 2°C trong 4 giờ. Sản phẩm trà có hàm ẩm 5,45%; hàm lượng đường khử 1,21 mg/g; hàm lượng polyphenol tổng 22,38 mg/g. Trà được pha theo tỷ lệ trà:nước là 2,5% thời gian pha trà 3 phút ở nhiệt độ khoảng 95°C. Điểm đánh giá cảm quan về màu nước là 4,93; độ trong là 3,91; mùi 4,81 và vị 4,89, và do vậy sản phẩm đạt loại khá theo TCVN 12713:2019.