Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển (TCNN&PT) là một tạp chí có bình duyệt, xuất bản các nghiên cứu quan trọng và mới trong nhiều lĩnh vực như Chăn nuôi, Công nghệ sinh học, Cơ khí nông nghiệp, Khoa học và Công nghệ thực phẩm, Kinh tế và Kinh doanh nông nghiệp, Lâm nghiệp, Nông học, Tài nguyên và Môi trường, Thú y và Thủy sản. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển là một tạp chí truy cập mở, xuất bản các nghiên cứu gốc, các bài tổng quan, các bài nghiên cứu ngắn và các bài báo mời đặc biệt. Chúng tôi cũng xuất bản các số báo đặc biệt, tập trung vào các chủ đề mới nổi hiện thời trong khoa học nông nghiệp.

●Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển (trước đây có tên là Tạp chí KHKT Nông Lâm Nghiệp) xuất bản 6 số/năm và đã xuất bản hơn 19 tập từ năm 2002. Từ tháng 06/2018, Tạp chí đã bắt đầu xuất bản các số báo trực tuyến bằng 2 ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt).

●Thời gian xuất bản: Số 1 (tháng 2), Số 2 (tháng 4), Số 3 (tháng 6, tiếng Anh), Số 4 (tháng 8), Số 5 (tháng 10), Số 6 (tháng 12, tiếng Anh).

●Số bài báo được xuất bản trong mỗi số của tạp chí dao động từ 6 đến 12 bài.

●Trụ sở tòa soạn

-Phòng 404, Tòa nhà Thiên Lý

-Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM, KP. 6, P. Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP.HCM

-Điện thoại: (028) 37245670

-Website: http://jad.hcmuaf.edu.vn

-Email: jad@hcmuaf.edu.vn

●Tôn chỉ, mục đích

-Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục, đào tạo và phát triển kinh tế trong lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, khoa học và công nghệ.

-Công bố các công trình nghiên cứu về khoa học kỹ thuật – công nghệ và phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu và giảng dạy.

●Định kỳ xuất bản và phát hành

-Thể thức xuất bản: bản in và trực tuyến

-Ngôn ngữ thể hiện: tiếng Việt và tiếng Anh

-Kỳ hạn xuất bản: 06 kỳ/01 năm (trong đó, có 02 kỳ xuất bản bằng tiếng Anh)

-Khuôn khổ: 19 cm x 27 cm

-Phương thức phát hành: Qua bưu điện và tự phát hành

●Nguyên tắc hoạt động

-Tạp chí hoạt động theo quy định của Luật Báo chí và các quy định có liên quan.

-Các thành viên của Ban Biên tập, Thư ký, Trị sự Toà soạn chịu trách nhiệm về kết quả công việc theo sự phân công, bố trí công tác và làm việc tuân thủ theo quy định chung của Trường.

Ảnh hưởng của bột vỏ trứng và phân lân đến sinh trưởng và năng suất của giống lạc MD7 trong vụ xuân tại Phú Xuyên, Hà Nội

Dương Huyền Trang, Vũ Ngọc Lan, Nguyễn Thu Huyền, Tống Văn Giang & Vũ Ngọc Thắng
Bản điện tử: 25 Apr 2024 | DOI: 10.52997/jad.2.01.2024
Tóm tắt | PDF (143.8K)

Tóm tắt

Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của bột vỏ trứng và phân lân đến sinh trưởng và năng suất của giống lạc MD7 trong điều kiện vụ xuân tại Phú Xuyên, Hà Nội. Thí nghiệm 2 nhân tố được bố trí theo kiểu lô chính - lô phụ (Split-plot design) với 3 lần lặp lại. Nhân tố thứ nhất là 3 lượng bón bột vỏ trứng (0, 300 và 500 kg/ha), nhân tố thứ hai là 3 lượng lân bón (30, 60 và 90 kg/ha). Kết quả nghiên cứu cho thấy cây trồng ở nghiệm thức được bón bột vỏ trứng sinh trưởng và cho năng suất cao hơn so với nghiệm thức không bón. Ngoài ra trên cùng một điều kiện có bón hoặc không bón bột vỏ trứng, các chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất của giống lạc MD7 tăng với lượng lân bón tăng dần từ 30 kg/ha đến 90 kg/ha. Tóm lại, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng bón bột vỏ trứng 500 kg/ha kết hợp với 90 kg P2O5/ha là phù hợp để giống lạc MD7 sinh trưởng, phát triển và mang lại năng suất cao nhất trong vụ xuân tại Phú Xuyên, Hà Nội.

Đặc điểm hình thái loài ong Bracon hebetor (Hymenoptera: Braconidae) ký sinh ấu trùng sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker (Lepidoptera: Xyloryctidae)

Lê Khắc Hoàng
Bản điện tử: 25 Apr 2024 | DOI: 10.52997/jad.2.03.2024
Tóm tắt | PDF (431.5K)

Tóm tắt

Loài ong Bracon hebetor là thiên địch quan trọng trong kiểm soát sâu đầu đen Opisina arenosella hại dừa, có tần suất xuất hiện cao ở các vườn dừa tại Bến Tre. Ở điều kiện phòng thí nghiệm, trên ký chủ là ấu trùng sâu đầu đen tuổi 6, cơ thể thành trùng ong B. hebetor có màu vàng nâu, thành trùng đực có râu đầu dài hơn thành trùng cái, roi râu của thành trùng đực hình chữ nhật thuôn dài có từ 17 - 20 đốt, thành trùng cái roi râu có hình vuông có từ 11 - 14 đốt. Bụng ong có màu vàng nhạt, đốt cuối bụng màu nâu thẫm. Thành trùng ong B. hebetor cái có kích thước lớn hơn thành trùng ong B. hebetor đực, chiều dài thành trung bình của thành trùng cái và thành trùng đực lần lượt là 3,2 ± 0,17 mm và 3,0 ± 0,18 mm. Nhộng 2 ngày tuổi dài trùng bình là 3,0 ± 0,20 mm và ấu trùng 3 ngày tuổi dài trung bình 3,5 ± 0,21 mm. Trứng dài trung bình 0,7 ± 0,07. Kết quả nghiên cứu này đã góp phần cung cấp thông tin về nhận dạng ong ký sinh ấu trùng B. hebetor trên ký chủ sâu đầu đen trong quá trình điều tra phát hiện thiên địch sâu đầu đen trong vườn dừa và hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu đặc điểm sinh học và sinh thái loài thiên địch này tại Việt Nam.

Ảnh hưởng của độ cứng lên sự phát triển phôi và ấu trùng của cá mè trắng (Hypophthalmychthis molitrix)

Tiền Hải Lý & Nguyễn Thị Kiều
Bản điện tử: 25 Apr 2024 | DOI: 10.52997/jad.2.05.2024
Tóm tắt | PDF (122.6K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng độ cứng của nước lên tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở, tỷ lệ sống và tỷ lệ dị hình của ấu trùng cá mè trắng. Thí nghiệm ấp trứng cá mè trắng từ trứng thụ tinh đến ấu trùng tiêu hết noãn hoàng được thực hiện với các nghiệm thức có độ cứng của nước khác nhau, gồm: 70, 100, 130, 160 & 190 mg CaCO3/L với mật số ấp là 400 trứng/L. Kết quả thí nghiệm cho thấy trứng có tỷ lệ thụ tinh cao và tương đương nhau giữa các nghiệm thức (78,0 - 79,3%); Tỷ lệ nở của trứng cá nằm trong khoảng 41,0 - 54,0%, cao nhất ở nghiệm thức 70 mg CaCO3/L (54,0%); Ở giai đoạn cá tiêu hết noãn hoàng thì tỷ lệ sống đạt kết quả tốt hơn khi ấp ở 70 mg/L so với các nghiệm thức còn lại (P < 0,05). Tỷ lệ dị hình của ấu trùng cá mè trắng cao từ 5,7 - 74,3%, thấp nhất ở nghiệm thức 70 mg CaCO3/L (5,7%). Từ kết quả nghiên cứu này có thể cho rằng trứng cá mè trắng ấp phù hợp ở trong môi trường nước có độ cứng 70 mg CaCO3/L.

Ứng dụng phẫu thuật ghép cuống kết mạc trong điều trị viêm loét giác mạc trên chó

Nguyễn Nhật Tân, Phan Quang Bá & Nguyễn Thị Thương
Bản điện tử: 25 Apr 2024 | DOI: 10.52997/jad.2.06.2024
Tóm tắt | PDF (771.7K)

Tóm tắt

Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật ghép cuống kết mạc trong điều trị viêm loét giác mạc trên chó được tiến hành tại Phòng khám Thú y Alpha Pet và Bệnh viện Thú y Bằng Phạm từ tháng 08 năm 2021 đến tháng 08 năm 2022. Chó bị viêm loét giác mạc, thủng giác mạc được khám lâm sàng, kiểm tra phản xạ giác mạc và dùng thuốc thử fluorescein 2% để kiểm tra và đo kích thước vùng tổn thương giác mạc bằng thước cặp Castroviejo. Phương pháp phẫu thuật ghép cuống kết mạc được áp dụng và đánh giá hiệu quả điều trị viêm loét giác mạc trên chó. Tổng cộng 3.024 chó được mang đến khám và điều trị, có 195 chó bị bệnh về mắt, chiếm tỷ lệ 6,45%. Tỷ lệ chó bị viêm loét giác mạc chiếm 15,90% (31/195 ca). Trong các ca bị viêm loét giác mạc này có 14 ca sử dụng phương pháp phẫu thuật ghép cuống kết mạc. Tỷ lệ thành công với phương pháp ghép cuống kết mạc là 71,43%. Tỷ lệ xuất hiện biến chứng là 42,86%, trong đó có 2 ca biến chứng nhẹ được xử lý thành công. Thời gian lành vết thương trung bình là 39,45 ngày. Thời gian xuất hiện biến chứng tùy thuộc vào loại biến chứng. Những biến chứng nhẹ xuất hiện từ 2,5 đến 5,5 ngày là bung chỉ và phù giác mạc. U nang biểu mô giác mạc và phù thủng nhãn cầu xảy ra từ 22 đến 42 ngày sau phẫu thuật. Do đó, phương pháp này có thể được sử dụng trong điều trị viêm loét giác mạc và được chỉ định trong các trường hợp vết loét sâu hoặc thủng giác mạc cần mạch máu nuôi trực tiếp.

Xác định khả năng kháng khuẩn dịch đạm thuỷ phân của nhộng ruồi lính đen (Hermetia illucens) lên một số chủng vi khuẩn gây bệnh trên cá nuôi nước ngọt

Nguyễn Lam Kim Như, Trần Thị Mỹ Duyên, Nguyễn Phạm Băng Tâm & Hồ Thị Trường Thy
Bản điện tử: 25 Apr 2024 | DOI: 10.52997/jad.2.04.2024
Tóm tắt | PDF (275.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định khả năng kháng khuẩn của dịch đạm thuỷ phân từ nhộng ruồi lính đen (Hermetia illucens) (ĐTPNRLĐ) lên một số chủng vi khuẩn gây bệnh trên cá nuôi nước ngọt bao gồm E. ictaluri, A. hydrophila, A. verroni, và S. agalactiae. Kết quả cho thấy các chủng vi khuẩn trên nhạy cảm với dịch ĐTPBSF với đường kính vòng kháng khuẩn khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,05) so với đối chứng âm ở các nồng độ thử nghiệm là 20, 35, và 70 mg/100 µL. Cụ thể, E. ictaluri nhạy cảm ở cả ba nồng độ thử nghiệm với vòng kháng khuẩn lần lượt là 14,0 ± 1, 18,7 ± 0,7, và 20,7 ± 0,7 mm. A. veronii và S. agalactiae nhạy ở nồng độ 35 và 70 mg/100 µL, và A. hydrophila với vòng kháng khuẩn 14,3 ± 0,3 mm ở nồng độ 70 mg/100 µL. Dịch đạm thuỷ phân từ nhộng ruồi lính đen có khả năng diệt được A. veronii và S. agalactiae với giá trị MIC (minimum inhibitory concentration) = MBC (minimum bactericidal concentration) = 44 mg/mL, trong khi đó E. ictaluri và A. hydrophila bị ức chế ở MIC 44 mg/mL và MBC là 88 mg/mL. Kết quả này chứng tỏ rằng ĐTPNRLĐ có khả năng được sử dụng để phòng và trị bệnh trên cá do các chủng vi khuẩn E. ictaluri, A. hydrophila, A. verroni, và S. agalactiae gây ra.
Danh sách bài báo được xem nhiều nhất
  • Ảnh hưởng của pH nước lên sinh lý máu và màu sắc của cá Chốt Bông (Pseudomystus siamensis Regan, 1913)
    Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.10.02.2019
    Tóm tắt | PDF (260.1K)

    Tóm tắt

    Nghiên cứu ảnh hưởng của pH nước lên sinh lý máu và màu sắc của cá chốt bông (Pseudomystus siamensis) với trọng lượng từ 4 - 6 g/con được tiến hành trong điều kiện thực nghiệm. Thí nghiệm được thực hiện trong 8 tuần với các giá trị pH khác nhau (pH = 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11). Kết quả thí nghiệm cho thấy, tỷ lệ chết tích lũy của cá chốt bông sau 24 giờ cao nhất tại pH = 11 (100%), kế đến là pH = 10 (70,83%) và pH = 3 (62,5%). Ở các giá trị pH = 4, 5, 6, 7, 8, 9 không có hiện tượng cá chết sau 24 giờ. Ngưỡng pH thấp nhất và cao nhất gây chết 50% cá chốt bông trong 24 giờ là 3,04 và 9,95. Sau 24 giờ tiếp xúc, số lượng hồng cầu và bạch cầu tổng của cá tăng cao tại nghiệm thức pH = 3, 9 và 10, đạt cao nhất tại nghiệm thức pH = 3 (1,87 x106 tb/mm3 và 1,59 x 105 tb/mm3). Sau 8 tuần nuôi thì số lượng hồng cầu và bạch cầu tổng tăng cao nhất tại pH = 8 (2 ± 0,23 x 106 tb/mm3 và 1,27 ± 0,26 x 105 tb/mm3). Trong môi trường pH càng cao thì màu sắc cá càng sáng.
  • Hành vi của người tiêu dùng đối với thực phẩm hữu cơ: Trường hợp nghiên cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh
    Bản điện tử: 29 Apr 2020 | DOI: 10.52997/jad.2.02.2020
    Tóm tắt | PDF (260.1K)

    Tóm tắt

    Nghiên cứu này nhằm mục đích xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng đối với thực phẩm hữu cơ (TPHC). Mô hình cấu trúc (SEM) được sử dụng để kiểm định các mối quan hệ thông qua dữ liệu thu thập từ 450 người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy ý định tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất đến hành vi tiêu dùng. Yếu tố chuẩn chủ quan ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định tiêu dùng, tiếp đến là yếu tố thái độ đối với TPHC. Bên cạnh đó, mức giá TPHC là rào cản trong việc thúc đẩy ý định tiêu thụ loại thực phẩm này. Đồng thời, kết quả phân tích đa nhóm cho thấy các mối quan hệ trong mô hình không có sự khác biệt giữa nam và nữ nhưng khác biệt theo các nhóm người tiêu dùng có thu nhập khác nhau.
  • Khảo sát nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của cao thô chiết xuất từ một số thảo dược đối với Escherichia coli, Salmonella Typhimurium và Staphylococcus aureus
    Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.8.04.2018
    Tóm tắt | PDF (260.1K)

    Tóm tắt

    Mục tiêu của nghiên cứu là xác định nồng độ ức chế tối thiểu của cao thô chiết từ 5 loại thảo dược phổ biến ở Việt Nam (chè xanh, cỏ mực, hoàn ngọc, ổi, sầu đâu (neem)) đối với Escherichia coli ATCC 25922, Salmonella Typhimurium, Staphylococcus aureus ATCC 25923 bằng phương pháp pha loãng tới hạn. Những kết quả này sẽ làm cơ sở để ứng dụng các loại dược liệu trên trong phòng và trị bệnh cho vật nuôi. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, MIC của cao chiết từ lá chè xanh đối với E.coli, S. Typhimurium và S. aureus lần lượt là 8 - 16 mg/mL, 8 - 16 mg/mL, 0,5 mg/mL; MIC của cao chiết từ lá cỏ mực đối với E.coli, S. Typhimurium và S. aureus lần lượt là 16 mg/mL, 16 mg/mL, 1 - 2 mg/mL; MIC của cao chiết từ lá hoàn ngọc đối với E.coli, S. Typhimurium và S. aureus lần lượt là 8 mg/mL, 4 - 8 mg/mL, 2 - 4 mg/mL, MIC của cao chiết từ lá ổi đối với E.coli, S. Typhimurium và S. aureus lần lượt là 16 mg/mL, 16 mg/mL, 0,125 – 0,25 mg/mL; MIC của cao chiết từ lá chè xanh đối với E.coli, S. Typhimurium và S. aureus là lớn hơn 16mg/mL.
  • Ảnh hưởng của điều kiện ngâm và ủ đến hàm lượng gamma - aminobutyric acid và polyphenol trong hạt đậu xanh nẩy mầm
    Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.14.02.2019
    Tóm tắt | PDF (260.1K)

    Tóm tắt

    Hạt đậu xanh nẩy mầm được biết đến như nguồn thực phẩm giàu các hợp chất sinh học như gamma aminobutyric acid và polyphenol. Nghiên cứu này thực hiện nhằm đánh giá tác động của điều kiện ngâm và ủ đến hàm lượng gamma - aminobutyric acid (GABA) và polyphenol trong mầm hạt đậu xanh. Kết quả đạt được điều kiện ngâm hạt ở 300C trong vòng 8 giờ cho hàm lượng GABA cao nhất (4,51 mg/g). Trong khi đó, hàm lượng polyphenol tổng cao nhất (1,25 mg GAE/g) đạt được khi ngâm ở 350C trong 8 giờ. Điều kiện ủ hạt ở 350C trong vòng 24 giờ cho thấy hàm lượng GABA và polyphenol đều đạt giá trị cao nhất, lần lượt tương ứng với 4,46 mg/g và 1,30 mg GAE/g.
  • Hiệu quả của propylene glycol trong phòng và trị bệnh xeton huyết ở bò sữa trong giai đoạn khai thác sữa
    Bản điện tử: 29 Apr 2020 | DOI: 10.52997/jad.4.02.2020
    Tóm tắt | PDF (260.1K)

    Tóm tắt

    Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của propylene glycol (PG) trong phòng và trị bệnh xeton huyết ở bò sữa trong giai đoạn khai thác sữa từ 9/2018 đến 3/2019. Nghiên cứu gồm 2 thí nghiệm với tổng số 126 bò sữa đang khai thác sữa trong đàn bò lai HF. Cả 2 thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên 1 yếu tố. Ở thí nghiệm 1, 96 bò không bệnh xeton huyết (BHBA < 1,4 mmol/L) được phân vào 2 lô (48 bò/lô), gồm (1) lô đối chứng không phòng bệnh (không PG) và (2) lô phòng bệnh (cho uống PG liên tục trong 3 ngày sau sinh). Ở thí nghiệm 2, 30 bò bệnh xeton huyết (BHBA < 1,4 mmol/L) được phân vào 3 lô (10 bò/lô), gồm (1) bò được cấp glucose + vitamin B12 + Dexamethason (PĐĐT1), (2) bò được uống PG trong 3 ngày (PĐĐT2), và (3) kết hợp PĐĐT1 + PĐĐT2 (PĐĐT3). Kết quả thí nghiệm 1 cho thấy tỷ lệ bò bệnh xeton huyết ở lô phòng bệnh bằng PG (18,75%) thấp hơn (P < 0,01) lô đối chứng không phòng bệnh bằng PG (47,92%). Lô phòng bệnh bằng PG cũng đã làm giảm (P < 0,01) nồng độ xeton huyết so với lô đối chứng (0,89 so với 1,22 mmol/L). Thí nghiệm 2 cho thấy lượng xeton huyết giảm sau điều trị tốt hơn (P < 0,01) ở PĐĐT3 (1,97 mmol/L) so với PĐĐT2 (1,30 mmol/L) và PĐĐT1 (1,23 mmol/L). Tỷ lệ bò khỏi bệnh xeton huyết cao nhất ở PĐĐT3 (90%), kế đến PĐĐT2 (60%), và thấp nhất PĐĐT1 (50\%) (P > 0,05).