Ngày xuất bản: 2019-02-28
Số báo đầy đủ
Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp
Đánh giá khả năng tham gia liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ trong sản xuất khoai tây tại tỉnh Lâm Đồng
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.1.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Nghiên cứu này đã sử dụng mô hình hồi quy Logit đa thức với phương pháp ước lượng MLE nhằm đánh giá khả năng tham gia liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ sản xuất khoai tây. Số liệu được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 245 hộ canh tác khoai tây tại xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt và huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hộ tham gia liên kết đạt hiệu quả sản xuất cao hơn các hộ không tham gia liên kết. Khả năng hộ sẽ tham gia liên kết là14,6% (Y2/Y1) và hộ tham gia liên kết là 63,0% (Y3/Y1). Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ như kinh nghiệm, diện tích đất nông nghiệp, lợi nhuận, chính sách hỗ trợ và giới tính chủ hộ. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, khi giá bán khoai tây tăng thì nông hộ tăng khả năng phá vỡ hợp đồng đã ký kết.
Sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tại Trà Vinh: Thực trạng và giải pháp
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.2.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất nhóm giải pháp tăng cường sự tham gia của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tại Trà Vinh. Nghiên cứu được tiến hành tại 3 huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Càng Long tỉnh Trà Vinh trên 405 hộ bằng phương pháp điều tra xã hội học. Sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phân tích nhân tố khám phá, xây dựng cây vấn đề và cây giải pháp tổng thể để đề xuất giải pháp cải thiện sự tham gia. Kết quả phân tích cho thấy mức tham gia của cộng đồng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của nhóm hộ (khá giàu, trung bình, nghèo và cận nghèo). Hộ có điều kiện kinh tế tốt sẽ có mức tham gia tốt hơn. Có 3 nhóm yếu tố được xem là có ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng (Văn hóa xã hội - tiện ích công cộng; Quy hoạch hạ tầng phát triển tổ chức sản xuất; Đặc điểm cá nhân hộ - Chính quyền ứng với các nguồn vốn: Nhân lực, Xã hội, Tài chính, Vật chất). Trên cơ sở đó, hai nhóm giải giáp tổng thể (nội lực và tác lực) từ 2 nguyên nhân chính: chủ quan và khách quan của vấn đề được đề xuất là (1) Nâng cao năng lực tham gia cá nhân và (2) Nâng cao năng lực thu hút sự tham gia của động đồng.
Cơ khí nông nghiệp
Nghiên cứu, thiết kế chế tạo Robot cắt tỉa tự động viền cây xanh đường phố
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.3.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Ngày nay, cảnh quan đường phố được xây dựng ngày càng hiện đại. Nhân công thường xuyên phải cắt tỉa để giữ cảnh quan không bị phá vỡ cấu trúc thiết kế. Có rất nhiều loại máy cầm tay được thiết kế hỗ trợ công nhân tỉa cây. Tuy nhiên công việc này thường phải thực hiện ngay giữa đường, rất nguy hiểm. Để giảm rũi ro cho con người, đã chế tạo một Robot tự hành tỉa viền cây xanh đường phố, với năng suất cắt tỉa được 1180 m2 bề mặt viền cây khi tốc độ Robot di chuyển 1 km/giờ. Robot tự bám bệ xi măng trên đường và cắt tỉa ba mặt của viền cây xanh một cách tự động.
Nông học, Lâm Nghiệp
Ảnh hưởng của liều lượng và tần suất tưới dinh dưỡng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của dưa leo (Cucumis sativus L.) canh tác không đất
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.6.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (5.2M)
Tóm tắt
Trong canh tác không đất, giá thể và tần suất tưới dinh dưỡng là hai yếu tố ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng nói chung và dưa leo nói riêng. Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm xác định liều lượng và tần suất tưới dinh dưỡng phù hợp để cây dưa leo canh tác không đất sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao khi trồng trong nhà màng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu lô sọc (strip-plot design) và 3 lần lặp lại; yếu tố sọc đứng (A) gồm 3 liều lượng dung dịch dinh dưỡng thay đổi theo giai đoạn sinh trưởng của cây (A1: tưới 226 mL/cây/ngày giai đoạn 3 tuần sau trồng (TST), 280 mL/cây/ngày giai đoạn 3 - 5 TST, 236 mL/cây/ngày giai đoạn sau 5 tuần trồng; A2: tưới 339 mL/cây/ngày giai đoạn 3 TST, 420 mL/cây/ngày giai đoạn 3 - 5 TST, 359 mL/cây/ngày giai đoạn sau 5 tuần trồng; A3: tưới 452 mL/cây/ngày giai đoạn 3 TST, 560 mL/cây/ngày giai đoạn 3 - 5 TST, 472 mL/cây/ngày giai đoạn sau 5 tuần trồng); Yếu tố sọc ngang (B) gồm 4 tần suất tưới (B1: 2 lần/ngày, B2: 3 lần/ngày, B3: 4 lần/ngày, B4: 5 lần/ngày). Kết quả cho thấy cây dưa leo được tưới với lượng dung dịch 452 mL/cây/ngày giai đoạn 3 TST, 560 mL/cây/ngày giai đoạn 3 - 5 TST, 472 mL/cây/ngày giai đoạn sau 5 tuần trồng và tần suất tưới 5 lần/ngày có chiều cao cây cao (333,5 cm), có số lá nhiều nhất (40,9 lá/cây), có năng suất thực thu và năng suất thương phẩm cao nhất (12,65 kg/m2 và 12,52 kg/m2), đồng thời đạt hiệu quả kinh tế cao nhất (lợi nhuận là 64.275.400 đồng/1.000 m2 và tỷ suất lợi nhuận đạt 1,07).
Ảnh hưởng của độ dày giá thể và khoảng cách trồng đến độ sinh trưởng, năng suất quế vị (Limnophila rugosa (Roth) Merr.) canh tác theo hướng hữu cơ
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.5.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Cây quế vị thường mọc hoang dại trong tự nhiên ở những nơi ẩm ướt và được trồng phổ biến để sử dụng như loại rau gia vị. Mặc dù có nhiều nghiên cứu về hàm lượng tinh dầu trong cây rau quế vị, nhưng rất ít nghiên cứu đề cập đến kỹ thuật canh tác như độ dày giá thể và khoảng cách trồng. Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm xác định được độ dày giá thể và khoảng cách trồng thích hợp cho cây rau quế vị sinh trưởng tốt và đạt năng suất cao trong điều kiện canh tác theo hướng hữu cơ. Thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD) với 3 lần lặp lại. Yếu tố thứ nhất gồm 3 độ dày giá thể (25 cm, 20 cm, 15 cm); yếu tố thứ hai gồm 3 khoảng cách trồng (20 x 20 cm, 20 x 15 cm, 20 x 10 cm). Kết quả thí nghiệm cho thấy độ dày giá thể 20 cm kết hợp với khoảng cách trồng 20 x 15 cm cho cây quế vị có số cành (22,6 cành/cây) và trọng lượng cây tươi (66,7 g/cây) cao hơn các tổ hợp còn lại trong thí nghiệm. Tuy nhiên, cây quế vị đạt năng suất thực thu cao nhất 6414,6 kg/1000 m2 tại độ dày giá thể 20 cm với khoảng cách trồng là 20 x 10 cm.
Ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng Naphthaleneacetic acid (NAA) đến khả năng giâm HOM thân tre Tầm vông Nam Bộ (Thyrsostachys siamensis Gamble)
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.7.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Bài báo này giới thiệu kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng (ĐHST) NAA đến tỷ lệ nảy chồi, số lượng chồi trên mỗi hom, tỷ lệ ra rễ và số rễ trên mỗi hom sau khi giâm hom thân tre Tầm vông Nam Bộ. Trong nghiên cứu này, chất điều hòa sinh trưởng NAA được sử dụng với 4 nồng độ và 4 khoảng thời gian ngâm. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối đầy đủ ngẫu nhiên 2 nhân tố với 17 nghiệm thức (trong đó có 1 đối chứng) và 3 lần lặp lại, mỗi nghiệm thức của thí nghiệm có 36 hom. Kết quả cho thấy, các nghiệm thức có xử lý NAA cho tỷ lệ nảy chồi rất cao, trong khi nghiệm thức đối chứng (không xử lý NAA) cho tỷ lệ nảy chồi tương đối thấp. Ảnh hưởng của các yếu tố nồng độ và thời gian ngâm đến tỷ lệ nảy chồi, số lượng chồi, tỷ lệ ra rễ và số rễ trên mỗi hom của hom giâm là rõ rệt. Sự tương tác giữa nồng độ NAA và thời gian ngâm cũng ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ nảy chồi, tỷ lệ ra rễ và số lượng rễ trên mỗi hom nhưng không rõ rệt đối với số lượng chồi trên mỗi hom. Xử lý chất điều hòa sinh trưởng NAA với nồng độ 200 ppm và thời gian ngâm 120 phút là phù hợp nhất cho giâm hom thân tre Tầm vông Nam Bộ.
Đánh giá khả năng chống chịu bệnh chết nhanh (Phytophthora capsici) của một số giống hồ tiêu trong điều kiện thí nghiệm
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.4.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, ngành sản xuất hồ tiêu trong nước đang đứng trước nhiều thách thức do thiên tai, sâu bệnh. Trong đó, bệnh chết nhanh do Phytophthora capsici là bệnh gây thiệt hại nặng cho ngành trồng tiêu. Tại nhiều vùng chuyên canh hồ tiêu, bệnh lây lan nhanh, thường tạo thành ổ dịch, làm giảm đáng kể diện tích canh tác và khó tái canh hồ tiêu trên nền đất cũ. Từ 100 mẫu rễ, thân và lá cây hồ tiêu có biểu hiện bệnh chết nhanh và đất xung quanh cây bệnh, đã phân lập được 08 dòng P. capsici. Tất cả các dòng P. capsici phân lập đều có khả năng gây bệnh chết nhanh trên lá hồ tiêu sau hai ngày lây nhiễm trong điều kiện thí nghiệm. Trong đó, ba dòng thể hiện độc tính gây bệnh mạnh nhất so với các dòng còn lại là BR-L1, ĐN-Đ1 và ĐN-Đ2. Khả năng chống chịu bệnh do P. capsici của các giống hồ tiêu được trồng phổ biến tại Việt Nam gồm Vĩnh Linh, Sẻ, Xanh, Trâu và Kuching được khảo sát trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới. Kết quả, giống tiêu Trâu có khả năng chống chịu P. capsici tốt nhất thể hiện qua tỉ lệ bệnh và chỉ số bệnh thấp hơn (P < 0,01) các giống tiêu còn lại, cụ thể tỉ lệ bệnh và chỉ số bệnh lần lượt là 74,1% và 73,7% sau 6 ngày lây nhiễm trong phòng thí nghiệm và 17,3% và 15,8% sau 12 ngày lây nhiễm trong nhà lưới.
Chăn nuôi, thú y và thủy sản
Ảnh hưởng của pH nước đến sinh lý máu và tăng trưởng của cá chốt bông (Pseudomystus siamensis Regan, 1913)
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.11.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Nghiên cứu ảnh hưởng của pH lên sinh lý máu và tăng trưởng của cá chốt bông (Pseudomystus siamensis) được tiến hành trong điều kiện thực nghiệm. Thí nghiệm được thực hiện trong 8 tuần với các các giá trị pH khác nhau. Cá thí nghiệm có trọng lượng từ 4 - 6 g/con. Kết quả thí nghiệm cho thấy, tỷ lệ chết tích lũy của cá chốt bông trong 24 giờ cao nhất tại pH = 11 (100%), kế đến là pH = 10 (70,83%) và pH = 3 (62,5%). Ở các giá trị pH 4, 5, 6, 7, 8, 9 không có hiện tượng cá chết sau 24 giờ. Hàm lượng glucose trong máu cá tăng cao khi cá tiếp xúc với môi trường có pH thấp (4,02 mmol/L tại pH = 3) và pH cao (3,22 mmol/L tại pH = 10). Sau 8 tuần nuôi, hàm lượng glucose trong máu cá tại pH = 8 đạt cao nhất (1,10 mmol/L). Tăng trưởng tuyệt đối về trọng lượng của cá dao động từ 0,02 - 0,08 g/ngày, tăng trưởng tương đối về trọng lượng dao động từ 0,35 - 0,99 %/ngày. Tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài của cá dao động từ 0,02 - 0,04 cm/ngày, tăng trưởng tương đối về chiều dài dao động từ 0,22 - 0,53%/ngày. Tỷ lệ sống của cá ở nghiệm thức pH = 6 đạt cao nhất (95,96%) và thấp nhất ở pH = 8 (60%).
Đáp ứng miễn dịch tự nhiên của tôm thẻ chân trắng, Penaeus vannamei, cảm nhiễm bởi vi khuẩn gây hoại tử gan tụy cấp Vibbrio parahaemolyticus
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.10.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Nghiên cứu đáp ứng miễn dịch tự nhiên của tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei) cảm nhiễm bởi vi khuẩn V. parahaemolyticus thông qua phương pháp ngâm được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm trong thời gian 120 giờ. Kết quả thí nghiệm cho thấy chủng vi khuẩn V. parahaemolyticus sử dụng gây cảm nhiễm trên tôm thẻ (2 - 3 g) với liều gây chết 50% (LD50) là 4,7 x 106 CFU/mL. Không có sự khác biệt về các chỉ tiêu miễn dịch giữa nghiệm thức đối chứng và nghiệm thức gây nhiễm ở thời điểm 0 h. Tuy nhiên, ở thời điểm 24 và 48 h, tổng tế bào máu, hoạt tính phenoloxidase và hoạt tính của gốc oxy hoá tự do (respiratory burst) ở tôm cảm nhiễm bởi V. parahaemolyticus giảm đáng kể và khác biệt có ý nghĩa so với nhóm đối chứng (P < 0,05). Ở các thời điểm thu mẫu tiếp theo (72, 96 và 120 giờ) thì không có sự khác biệt về tổng tế bào máu, hoạt tính phenoloxidase và hoạt tính của gốc oxy hoá tự do giữa hai nghiệm thức. Từ kết quả này có thể kết luận rằng hệ thống miễn dịch tự nhiên của tôm thẻ bị suy yếu do cảm nhiễm vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tuỵ cấp V. parahaemolyticus.
Nguồn lợi thủy sản tại tiểu vùng dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No và Quản Lộ - Phụng Hiệp ở bán đảo Cà Mau
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.12.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Nguồn lợi thủy sản tại tiểu vùng dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No và Quản Lộ - Phụng Hiệp ở Bán đảo Cà Mau đã được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2016. Số liệu nguồn lợi thủy sản được thu thập qua 6 đợt tại hiện trường kết hợp với phỏng vấn 240 hộ ngư dân bằng bảng câu hỏi soạn sẵn ở bên trong và bên ngoài hệ thống công trình thủy lợi (HTCTTL) ở hệ sinh thái (HST) nước ngọt và HST nước lợ. Kết quả cho thấy thành phần loài cá, tôm ở vùng nghiên cứu rất đa dạng. Sản lượng cá, tôm khai thác năm 2016 đã bị suy giảm 50 - 60% so với năm 2012 và sản lượng bên trong HTCTTL thấp hơn bên ngoài HTCTTL ở cả hai HST. Kích cỡ các loài cá, tôm khai thác tương đối nhỏ. Một số loài cá bản địa rất ít khi xuất hiện ở HST nước ngọt như Channa lucius, Notopterus notopterus, Clarias macrocephalus, Clarias batrachus, Morulius chrysophekadion và Toxotes chatareus, tương tự ở HST nước lợ có Arius maculatus và Otolithoides biauritus. Loài Pterygoplichthys disjunctivus đã thiết lập quần đàn trên nhiều thủy vực gây cạnh tranh, đe dọa tính đa dạng và sự phong phú của các loài cá bản địa. Có nhiều nguyên nhân gây nên sự suy giảm đáng kể nguồn lợi thủy sản (NLTS) ở vùng nghiên cứu như HTCTTL ngăn chặn đường di cư của các loài thủy sản, nhiều ngư dân sử dụng xiệc điện, thuốc độc, bắt cá bố mẹ và cá con trong mùa sinh sản và môi trường nước ô nhiễm bởi các chất thải từ hoạt động cải tạo ao/đầm nuôi trồng thủy sản ở vùng nghiên cứu. Vì thế, cần xây dựng mô hình quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng ở Bán đảo Cà Mau.
Yếu tố ảnh hưởng đến thiệt hại do bệnh trong nuôi Tôm Sú (Penaeus monodon Fabricius, 1798) tại tỉnh Sóc Trăng
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.9.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến thiệt hại do bệnh trong nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Dữ liệu được thu thập thông qua khảo sát 334 hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2017. Thống kê mô tả được sử dụng để đánh giá thực trạng về năng suất, bệnh và thiệt hại trong nuôi tôm sú của nông hộ. Phân tích hồi quy tuyến tính bội được sử dụng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến thiệt hại do bệnh trong nuôi tôm sú. Kết quả phân tích cho thấy rằng năng suất tôm sú nuôi trung bình đạt từ 0,54 đến 3,28 tấn/ha/vụ. Tỷ lệ hộ nuôi tôm sú gặp bệnh tôm trong các mô hình nuôi từ 33,3% đến 90,8%. Tỷ lệ thiệt hại do bệnh từ 34,6% đến 74,2%. Các yếu tố ảnh hưởng đến thiệt hại về năng suất do bệnh là tham gia tổ hợp tác/hợp tác xã nuôi tôm sú, áp dụng kỹ thuật được tập huấn và sử dụng con giống được xét nghiệm (tương quan nghịch trong cả 03 mô hình nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh). Đối với nuôi bán thâm canh và thâm canh, trình độ học vấn của nông hộ, sử dụng ao lắng, tổng diện tích đất nuôi tôm, áp dụng luân canh có mối tương quan nghịch và độ tuổi của nông hộ có mối tương quan thuận với tỷ lệ thiệt hại về năng suất do bệnh.
Phân biệt thịt bò, trâu, heo bằng kỹ thuật multiplex real-time PCR
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.8.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Mục tiêu của bài báo là tối ưu quy trình multiplex real-time PCR nhận diện DNA bò, trâu, heo, từ đó ứng dụng quy trình để phân biệt nhanh, chính xác loại thịt và sản phẩm chế biến từ thịt bò, heo, trâu trong gian lận thượng mại. Quy trình tối ưu có nồng độ mồi 200 nM và đoạn dò 100 nM (bò và trâu), nồng độ mồi 300 nM và đoạn dò 150 nM (heo); chu trình nhiệt 50oC/2 phút, 95oC/2 phút, 45 chu kỳ gồm biến tính ở 95oC/15 giây và bắt cặp - kéo dài ở 60oC/40 giây. Quy trình có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, giới hạn phát hiện của phương pháp đối với hỗn hợp mẫu thịt tươi và thịt đã xử lý nhiệt (80 - 120oC/15 phút) là 0,1% theo khối lượng hoặc 0,005 ng DNA/phản ứng. Áp dụng quy trình để kiểm tra thịt tươi và sản phẩm thịt chế biến trên thị trường đã phát hiện sự gian lận. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy 50% (6/12) mẫu thịt bò tươi không phát hiện được DNA bò. Có 66,67% (8/12) mẫu xúc xích bò chứa thịt trâu trong sản phẩm. Tất cả 12 mẫu bò viên được kiểm tra đều phát hiện có chứa DNA bò, nhưng 66,67% mẫu lẫn thịt trâu và 16,67% mẫu lẫn thịt heo.
Công nghệ sinh học
Xác định gen cry2A trong mẫu vi khuẩn Bacillus thuringiensis phân lập tại các tỉnh thành khu vực miền Nam Việt Nam
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.13.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Trong 27 mẫu phân lập vi khuẩn Bacillus thuringiensis từ một số tỉnh thành phía nam Việt Nam sinh tinh thể hình thoi có 21 mẫu dương tính với nhóm gen cry2A bằng kỹ thuật PCR. Kết quả phân tích trình tự DNA cho thấy các sản phẩm khuếch đại thuộc nhóm gen cry2A của vi khuẩn B. thuringiensis và có độ tương đồng trên 90% với các trình tự gen cry2A được công bố trên cơ sở dữ liệu gen GenBank. Sản phẩm khuếch đại của mẫu BT5 và TN7.1 với cặp primer chung cho nhóm gen cry2A có độ tương đồng lần lượt là 97 và 99%. Sản phẩm PCR của mẫu TN7.1 với cặp primer chuyên biệt cho gen cry2Aa và cry2Ab có giá trị tương đồng đạt 99% với các gen cùng nhóm đã công bố. Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng để dự đoán hoạt tính diệt côn trùng gây hại của các mẫu phân lập B. thuringiensis và phát triển các sản phẩm trừ sâu sinh học mới.
Công nghệ thực phẩm
Xác định chế độ tiệt trùng bằng phương pháp Ball và thời gian bảo quản sản phẩm nước cốt xương cá hồi đóng lon
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.14.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Mục tiêu của đề tài là xác định chế độ tiệt trùng thích hợp sao cho giá trị cảm quan và màu sắc của sản phẩm nước cốt xương cá hồi đóng lon là tốt nhất và đồng thời đảm bảo tiêu diệt được các vi sinh vật có hại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Nghiên cứu cũng được thiết kế nhằm xác định thời gian bảo quản cho sản phẩm. Chế độ tiệt trùng được thiết kế và tính toán bằng phương pháp Ball. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 2 chế độ tiệt trùng đảm bảo giá trị tiệt trùng F0 (2,8 phút) cho sản phẩm là 1210C trong 14 phút và 1160C trong 27 phút. Kết quả đánh giá ảnh hưởng của chế độ tiệt trùng đến chất lượng của sản phẩm cho thấy không có khác biệt về màu sắc và pH, tuy nhiên kết quả chất lượng cảm quan tốt hơn ở 1210C trong 14 phút. Việc xác định thời gian bảo quản sản phẩm bằng phương pháp gia tốc với các chỉ tiêu khảo sát là màu sắc, pH và đánh giá cảm quan. Sản phẩm nước cốt xương cá hồi được bảo quản ở nhiệt độ 300C trong 60 ngày và ở nhiệt độ 450C và 520C trong 20 ngày. Dựa vào các giới hạn cho phép của từng chỉ tiêu, bằng phương trình hồi quy và hệ thức Arrhenius để tính toán các thông số động học của nhiệt độ tham chiếu 300C. Xác định được thời gian bảo quản sản phẩm là 19 tháng.
Đánh giá tình trạng dinh dưỡng sinh viên nội trú Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh
Bản điện tử:
28 Feb 2019
| DOI:
10.52997/jad.15.01.2019
Tóm tắt
|
PDF (260.1K)
Tóm tắt
Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá tình trạng dinh dưỡng của sinh viên nội trú đang theo học (từ cuối năm nhất đến đầu năm tư) tại Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Tình trạng dinh dưỡng được đánh giá dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI), tỷ lệ vòng eo-vòng mông (WHR-Waist-Hip Ratio) và tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể. Kết quả điều tra khẩu phần ăn được thu thập bằng phương pháp gợi nhớ 24 giờ. Việc điều tra các yếu tố kinh tế - văn hóa - xã hội được thực hiện thông qua các phiếu câu hỏi điều tra. Kết quả nghiên cứu trên 240 sinh viên nội trú (136 nữ và 104 nam) cho thấy BMI trung bình của đối tượng là 20,37 ± 2,82 kg/m2, chỉ số vòng eo trên vòng mông trung bình của nam và nữ sinh viên (0,85; 0,80; tương ứng), tỷ lệ mỡ cơ thể trung bình (20,13 ± 6,49). Kết quả thu được cho thấy 66,66\% sinh viên nội trú có tình trạng sức khỏe bình thường, tỷ lệ sinh viên thừa cân – béo phì là 3,75%, trong đó tỷ lệ này ở nam cao hơn so với nữ. Tỷ lệ sinh viên suy dinh dưỡng chung là 29,59%, trong đó tỷ lệ này ở nữ sinh viên cao hơn nam. Kết quả thu được bằng phương pháp điều tra khẩu phần ăn - phương pháp gợi nhớ 24 giờ cho thấy sinh viên nội trú có tần suất sử dụng các thực phẩm giàu carbohydrate cao, kế đến là thịt các loại, các sản phẩm giàu chất béo và ít sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ (trái cây, rau tươi). Như vậy, cần thiết có những biện pháp can thiệp nhằm giáo dục sức khỏe và cải thiện tình trạng dinh dưỡng của sinh viên.