Ngày xuất bản: 2019-08-30

Nghiên cứu tận dụng xương cá thác lác còm (Chitala chitala) để sản xuất bột đạm và bột khoáng bằng phương pháp thủy phân enzyme

Lê Thị Minh Thủy & Trần Thanh Trúc
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.5.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Tận dụng xương cá thác lác như nguồn nguyên liệu mới để sản xuất bột đạm và bột khoáng nhằm nâng cao giá trị nguồn phụ phẩm này là cần thiết. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm khảo sát ảnh hưởng của nồng độ enzyme Tegalase, thời gian nâng nhiệt và quá trình sấy đến chất lượng sản phẩm. Kết quả cho thấy khi thủy phân mẫu ở nhiệt độ 50oC trong 24 giờ ở nồng độ enzyme Tegalase 0,3% thì tạo ra dịch đạm có sự hình thành peptit (3602 liên kết peptit) và hàm lượng axít amin (16,4 g/L) nhiều nhất cung như hàm lượng khoáng trong xương (38,8%) cao nhất. Mẫu sau khi thủy phân được lọc để thu phần xương và dịch đạm. Dịch đạm được nâng nhiệt ở nhiệt độ 90 - 100oC trong khoảng 2 phút cho hàm lượng axit amin là cao nhất (18,1 g/L)). Sau đó, dịch đạm được sấy ở 60oC trong 24 giờ thu được bột đạm với độ ẩm là 9,11%, hàm lượng protein là 68,1% và hiệu suất thu hồi là 2,19%. Bột khoáng thu được có độ ẩm thích hợp là 11,4%, hàm lượng khoáng là 78,9%, hàm lượng canxi đạt 21,9% khi sấy mẫu xương sau thủy phân ở 60oC trong 3 giờ.

Nghiên cứu ảnh hưởng của loại và lượng thức ăn sống lên tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng cá bớp (Rachycentron canadum)

Lê Thế Lương, Đinh Thế Nhân, Nguyễn Thị Bích Hòa, Nguyễn Thị Thu Quyên, Phạm Thị Ngọc Trang & Nguyễn Thị Ngọc Phú
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.6.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của 3 loại thức ăn và 3 mật độ thức ăn khác nhau đến việc ương ấu trùng cá bớp trong hệ thống bể composite tại Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận giai đoạn từ 6 - 25 ngày tuổi. Thí nghiệm được thực hiện theo kiểu 2 nhân tố 3 x 3 [loại thức ăn: 100% Copepoda (Cop), 100% Nauplius của Artemia (Art) và 50% Copepoda + 50% Nauplius của Artemia; mật độ thức ăn: 5 - 10 con/mL, 10 - 15 con/mL và 15 - 20 con/mL]. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 5 lần.Kết quả sau đợt ương cho thấy các chỉ tiêu về môi trường trong các nghiệm thức đều được giữ ổn định trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng cá bớp. Không có sự khác biệt tăng trưởng về chiều dài khi ấu trùng cá bớp ăn các loại thức ăn với các mật độ thức ăn khác nhau (P 

Tổng hợp vector mang cấu trúc microRNA nhân tạo sử dụng ức chế sự biểu hiện gene Minc16281 của tuyến trùng sung rễ Meloidogyne incognita

Nguyễn Vũ Phong, Nguyễn Thị Ngọc Loan, Trần Bảo Thắng & Tôn Bảo Linh
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.8.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Các effector được nhận định có vai trò rất quan trọng trong quá trình ký sinh của tuyến trùng sưng rễ gây hại cây trồng. Để kiểm soát sinh vật gây hại này, nhiều phương pháp kìm hãm sự biểu hiện các gene mã hóa effector được tập trung nghiên cứu và có tiềm năng trở thành công cụ hữu hiệu tạo ra giống cây trồng kháng tuyến trùng ký sinh thực vật. Trong nghiên cứu này, gene Minc16281 mã hóa cho một effector chưa hiểu rõ chức năng được phân lập từ loài tuyến trùng Meloidogyne incognita ký sinh cây đậu nành ở Việt Nam (ID: MH315945.1). Trình tự của gene này tương đồng 97% với trình tự hiện diện trên GenBank (ID: JK287445.1). Từ trình tự cDNA của gene này, hai cấu trúc microRNA nhân tạo có khả năng làm câm lặng gene này được tổng hợp nhờ phân tử tiền thân miR319a của cây Arabidopsis thaliana. Các miRNA nhân tạo được chèn vào vector biểu hiện ở cây đậu nành để nghiên cứu vai trò và chức năng của effector MINC16281 của tuyến trùng sưng rễ.

Phân lập và tuyển chọn vi sinh vật trong lên men cacao

Huỳnh Xuân Phong, Hồ Huỳnh Thị Phương Thúy & Nguyễn Ngọc Thạnh
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.7.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu xác định sự thay đổi của vi sinh vật trong quá trình lên men ca cao (Theobroma cacao) thông qua việc xác định, phân lập, nhận diện và tuyển chọn vi sinh vật hữu ích trong lên men ca cao. Kết quả cho thấy mật số vi sinh vật thay đổi trong quá trình lên men và chiếm ưu thế ở các giai đoạn lên men khác nhau, bao gồm nấm men (8,03 log cfu/g), nấm mốc (6,34 log cfu/g), vi khuẩn lactic (7,77 log cfu/g), vi khuẩn acetic (7,87 log cfu/g), vi khuẩn Bacillus (7,25 log cfu/g) và tổng số vi khuẩn hiếu khí (10,93 log cfu/g). Phân lập được 9 dòng nấm men thuộc 5 chi Saccharomyces, Kluyveromyces, Brettanomyces, Candida và Cystofilobasidium; 9 dòng nấm mốc thuộc hai chi Rhizopus và Aspergillus; 11 dòng vi khuẩn Acetobacter và 13 dòng vi khuẩn có khả năng hình thành bào tử thuộc chi Bacillus. Tuyển chọn được 3 dòng nấm men CY-1a, CY-1b, CY-2a thuộc chi Kluyveromyces có khả năng lên men mạnh và 4 dòng vi khuẩn Acetobacter CAAB-1d, CAAB-1a, CAAB-1e và CAAB-2d tạo ra lượng acid acetic cao.

Nghiên cứu tách chiết Chlorophyll từ lá mướp (Egyptian Luffa)

Mai Huỳnh Cang, Nguyễn Hồng Nguyên, Huynh Thi Giao & Le Thi Nhu y
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.12.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chiết chlorophyll từ lá mướp nhằm ứng dụng tạo màu trong thực phẩm. Điều kiện tối ưu để tách chiết chlorophyll trong lá mướp là chiết ngâm dầm với ethanol 96%, thời gian chiết là 97 phút, nhiệt độ chiết là 49oC, tốc độ khuấy là 123 vòng/phút. Chế phẩm màu được xác định chỉ tiêu vi sinh vật, kim loại nặng và khả năng kháng oxi hóa bằng phương pháp DPPH (2-2-diphenyl-1-picrylhydrazyl). Khả năng bắt gốc tự do của chlorophyll thể hiện qua giá trị IC50 là 261,7 µg/mL.

Tối ưu hóa quá trình sấy sản phẩm thịt cừu sấy dẻo

Nguyễn Anh Trinh, Nguyễn Thị Thanh Thảo & Lê Trúc Linh
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.11.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Máy sấy khay theo nguyên tắc đối lưu là dùng tác nhân sấy làm ẩm trong sản phẩm bay hơi và thoát ra ngoài. Mỗi sản phẩm thực phẩm có thành phần nguyên vật liệu, cấu trúc,... khác nhau nên phải có chế độ sấy phù hợp. Ngoài ra, sorbitol, glycerin và muối ăn là những thành phần ngoài tính chất tạo vị, còn có khả năng giữ ẩm cho sản phẩm. Bổ sung sorbitol, glycerin và muối ăn trong các sản phẩm sấy có vai trò quan trọng trong việc hạ hoạt độ nước (aw) của sản phẩm, rút ngắn được thời gian sấy. Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm xác định thông số kỹ thuật tối ưu của quá trình sấy cho qui trình sản xuất sản phẩm thịt cừu sấy dẻo (jerky). Kết quả nghiên cứu đã xác định được chế độ sấy tối ưu ở nhiệt độ 56oC trong 210 phút với tốc độ gió là 0,24 m/giây. Tỷ lệ tối ưu của sorbitol, glycerin, muối ăn trong sản phẩm là 4,37% sorbitol, 1,93% glycerin và 3,4% muối ăn, sản phẩm có aw là 0,67.

Ảnh hưởng của dầu dừa, sữa bột đến độ nhớt và độ cứng của hỗn hợp bột cacao/bơ cacao

Trương Nữ Hà Uyên, Trần Thanh Giang & Nguyễn Trọng Bách
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.9.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Trạng thái và tính chất lưu biến của hỗn hợp bột cacao/bơ cacao được khảo sát khi thay đổi thành phần và tỉ lệ của hỗn hợp bằng cách bổ sung dầu dừa hoặc sữa bột vào hỗn hợp làm cơ sở cho việc chọn tỉ lệ dầu dừa hoặc sữa bột bổ sung vào sản phẩm sôcôla, hướng đến việc giữ chất lượng sản phẩm ở điều kiện nhiệt độ phù hợp, đem sản phẩm đến gần với người tiêu dùng hơn. Độ nhớt, độ cứng và nhiệt độ kết tinh hóa rắn của hỗn hợp bột cacao/bơ cacao giảm khi tăng tỉ lệ bơ cacao hoặc dùng dầu dừa thay thế bơ cacao hoặc dùng sữa bột thay thế bột cacao. Độ nhớt (ở 31oC và 50oC) giảm mạnh khi tỉ lệ bơ cacao tăng từ 40% đến 50% khối lượng hỗn hợp, hoặc khi dùng dầu dừa từ 10% đến 20% khối lượng hỗn hợp hoặc dùng sữa bột từ 5% đến 10% khối lượng hỗn hợp. Độ cứng cắt và độ cứng vỡ của hỗn hợp (ở 10oC và 20oC) giảm mạnh khi tỉ lệ bơ cacao tăng hơn 50% khối lượng hỗn hợp. Nếu thay thế quá nhiều bột cacao bằng sữa bột (40 - 60% khối lượng hỗn hợp) sẽ làm cấu trúc của sôcôla không chặt chẽ, khi cắt hoặc làm vỡ xuất hiện nhiều vụn nhỏ do chất rắn không được áo ngoài tốt bởi bơ cacao. Nhiệt độ kết tinh hóa rắn của hỗn hợp giảm từ 24oC xuống 20oC khi tăng tỷ lệ dầu dừa từ 20% đến 40% khối lượng hỗn hợp.

Nghiên cứu biến tính Cellulose từ lục bình định hướng làm pha gia cường cho vật liệu nanocomposite

Nguyễn Văn Hiền, Lê Thị Thanh Thủy & Trần Quang Duy
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.4.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Quá trình tách lignin, hemicellulose để thu được cellulose từ lục bình (Eichhornia crassipes) bằng phương pháp xử lý kiềm dưới ảnh hưởng của các yếu tố: nhiệt độ, thời gian, nồng độ kiềm và tỉ lệ rắn/lỏng. Vi sợi cellulose được khảo sát cấu trúc bằng kính hiển vi và phổ hồng ngoại IR. Kết quả thu được cho thấy chỉ cần qua một bước xử lý kiềm đã hoàn toàn loại bỏ được lignin và hemicellulose. Sợi cellulose tiếp tục được thử nghiệm biến tính bằng phản ứng ester hóa với tác nhân anhydride acetic trong dung môi acid acetic, xúc tác H2SO4 đặc, có sự hỗ trợ của sóng siêu âm. Sản phẩm cellulose acetate được đánh giá kích thước, hình thái và tính chất bằng kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM), phổ hồng ngoại (IR). Kết quả cho thấy vi sợi celullose acetate có kích thước khoảng 50 nm, phân bố khá đồng đều. Đồng thời trên phổ IR cho thấy nhóm –OH đã được thay thế bằng nhóm –OCOCH3, từ đó làm giảm độ phân cực và tính hút ẩm của cellulose, phù hợp định hướng làm pha gia cường cho vật liệu composite phân hủy sinh học.

Nghiên cứu quy trình chế biến bột mầm tỏi từ tỏi Phan Rang

Lê Thị Thanh, Lê Nhã Phong, Lê Hồng Phước, Lê Trần Minh Trí & Nguyễn Thị Thanh Trang
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.10.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Đề tài được thực hiện nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị sử dụng của tỏi Phan Rang. Đầu tiên, ba phương pháp làm mầm tỏi là trồng trên đất, ngâm nước và ủ ở nhiệt độ 10oC đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy phương pháp trồng trên đất tốt hơn hai phương pháp còn lại với chiều dài mầm tỏi 39,6 ± 2,4 mm, tổng hàm lượng chất rắn hòa tan 17,1 ± 0,8oBx, axít tổng 0,56 ± 0,06\%, ẩm độ 74,51 ± 3,51% và tỉ lệ thu hồi mầm đạt 28,2 ± 1,1%. Tiếp theo, hiệu lực kháng nấm Colletotrichum gloeosporioides của mầm tỏi tươi trong điều kiện in vitro đã được khảo sát; kết quả cho thấy chiết xuất tỏi tươi nảy mầm ở nồng độ 5,5% ức chế hoàn toàn nấm C. gloeosporioides. Để tạo bột mầm tỏi, ba phương pháp sấy là bơm nhiệt, sấy nóng và sấy thăng hoa đã được khảo sát; kết quả cho thấy sấy thăng hoa là phương pháp thích hợp nhất, tạo sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao hơn, thành phần hóa lý trong tỏi nảy mầm giảm ít nhất trong ba phương pháp sấy. Cuối cùng, việc đánh giá hiệu lực kháng nấm C. gloeosporioides của bột mầm tỏi cho thấy nồng độ bột mầm tỏi 1,5% trở lên có khả năng kháng nấm cao với tỉ lệ là 88%, từ nồng độ 2% trở lên kháng nấm 100%.

Đánh giá tính ổn định và thích nghi của các dòng lúa chịu nóng tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Trần Văn Lợt, Nguyễn Thị Lang, Nguyễn Trọng Phước & Bùi Chí Bửu
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.1.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Cùng với yếu tố năng suất cao và đặc tính nông học tốt, một giống mới được chọn phải có tính ổn định và có tính thích nghi cao trong các điều kiện môi trường khác nhau để gia tăng độ tin cậy về các đặc tính tốt của giống. Bởi vì, khi được trồng tại nhiều địa điểm khác nhau, một số tính trạng về nông học và năng suất có thể sẽ thay đổi do sự tương tác giữa gen và môi trường. Trong hai vụ trồng Đông - Xuân 2017 - 2018 và vụ Hè - Thu 2018 tại các tỉnh Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang và Trà Vinh đã tiến hành đánh giá tính thích nghi và ổn định của các dòng lúa chịu nóng. Các thí nghiệm được bố trí theo khối đầy đủ ngẫu nhiên (RCBD) với ba lần lặp lại. Nền phân bón được áp dụng là 100 kg N, 40 kg P2O5 và 30 kg K2O/ha. Kết quả đã xác định có 5 dòng đẳng gen (NIL) triển vọng, ngắn ngày, năng suất cao, chịu nóng là HTL1, HTL2, HTL5, HTL7 và HTL8. Các dòng đẳng gen này thích nghi cả hai vụ Đông - Xuân và Hè - Thu thông qua kết quả phân tích tương tác giữa giống với môi trường.

Ảnh hưởng của mức bón phân đạm lên năng suất, màu sắc lá và hàm lượng các hợp chất có hoạt tính sinh học của cây thuốc dòi (Pouzolzia zeylanica L. Benn)

Võ Thị Xuân Tuyền, Nguyễn Duy Tân & Nguyễn Minh Thủy
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.2.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát ảnh hưởng của 4 mức độ bón phân đạm (10, 15, 20 và 25 kg urea/1000 m2) lên màu sắc lá (chỉ số diệp lục tố SPAD và giá trị a* trong hệ màu Hunter), năng suất và hàm lượng các hợp chất sinh học (anthocyanin, flavonoid, polyphenol và tannin) của cây thuốc dòi. Kết quả cho thấy khi thay đổi các mức độ bón phân đạm khác nhau có ảnh hưởng rõ rệt lên màu sắc lá, năng suất và hàm lượng các hợp chất có hoạt tính sinh học của cây thuốc dòi (P

Ảnh hưởng của bón vôi và mùn cưa đến sự giảm thiểu asen trên cây bắp trồng trong đê bao tại xã Quốc Thái – An Phú – An Giang

Nguyễn Trung Chính & Nguyễn Văn Chương
Bản điện tử: 30 Aug 2019 | DOI: 10.52997/jad.3.04.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy đất và cây trồng tại xã Quốc Thái - huyện An Phú - tỉnh An Giang bị nhiễm asen (As) nghiêm trọng. Mục tiêu của thí nghiệm là 1) đánh giá ảnh hưởng của bón vôi và mùn cưa đến pH nước và hàm lượng As trong đất và 2) xác định ảnh hưởng của bón vôi và mùn cưa lên sự hút thu As trên cây bắp. Thí nghiệm được thực hiện tại đồng ruộng trong đê bao với 4 nghiệm thức và 4 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, nghiệm thức bón vôi kết hợp mùn cưa làm tăng pH nước và hàm lượng As trong đất. Hàm lượng As trong thân lá (95,3 mg/kg) và hạt (6,33 mg/kg) thấp hơn nghiệm thức đối chứng lần lượt là 31,9% và 49,4%. Tóm lại, sử dụng vôi kết hợp mùn cưa để bón cho cây đã làm tăng pH nước và hàm lượng As trong đất, đồng thời giúp giảm hàm lượng As trong cây trồng.