Ngày xuất bản: 2018-08-28

Khảo sát nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của cao thô chiết xuất từ một số thảo dược đối với Escherichia coli, Salmonella Typhimurium và Staphylococcus aureus

Phạm Trọng Vũ, Nguyễn Trí Tuệ, Trần Thị Thúy Nga, Trần Vũ, Lê Bá Thị Hiền, Trần Thanh Tiến & Võ Thị Trà An
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.8.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu là xác định nồng độ ức chế tối thiểu của cao thô chiết từ 5 loại thảo dược phổ biến ở Việt Nam (chè xanh, cỏ mực, hoàn ngọc, ổi, sầu đâu (neem)) đối với Escherichia coli ATCC 25922, Salmonella Typhimurium, Staphylococcus aureus ATCC 25923 bằng phương pháp pha loãng tới hạn. Những kết quả này sẽ làm cơ sở để ứng dụng các loại dược liệu trên trong phòng và trị bệnh cho vật nuôi. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, MIC của cao chiết từ lá chè xanh đối với E.coli, S. Typhimurium và S. aureus lần lượt là 8 - 16 mg/mL, 8 - 16 mg/mL, 0,5 mg/mL; MIC của cao chiết từ lá cỏ mực đối với E.coli, S. Typhimurium và S. aureus lần lượt là 16 mg/mL, 16 mg/mL, 1 - 2 mg/mL; MIC của cao chiết từ lá hoàn ngọc đối với E.coli, S. Typhimurium và S. aureus lần lượt là 8 mg/mL, 4 - 8 mg/mL, 2 - 4 mg/mL, MIC của cao chiết từ lá ổi đối với E.coli, S. Typhimurium và S. aureus lần lượt là 16 mg/mL, 16 mg/mL, 0,125 – 0,25 mg/mL; MIC của cao chiết từ lá chè xanh đối với E.coli, S. Typhimurium và S. aureus là lớn hơn 16mg/mL.

Đánh giá hiệu quả kiểm soát tỷ lệ chết trên cá rô phi nhiễm Flavobacterium columnare bằng florfenicol

Nguyễn Hữu Thịnh & Truyện Nhã Định Huệ
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.10.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu hiệu quả của florfenicol trong kiểm soát tỷ lệ chết do Flavobacterium columnare được thực hiện trên cá rô phi. Chủng F. columnare T3-8/10 sử dụng cảm nhiễm cá với liều gây chết LD50 cá rô phi thí nghiệm (14 - 16 g/cá) bằng phương pháp tắm là 4,8 × 104 CFU/mL và nhạy cảm với florfenicol. Thí nghiệm kiểm soát bệnh do F. columnare trên cá (18 – 20 g/cá) có bốn nghiệm thức gồm đối chứng âm ĐC(-) không gây nhiễm; đối chứng dương ĐC(+), NT10 và NT15 gây nhiễm với liều LD50. Ngay sau khi gây nhiễm, cá ở ĐC(+), NT10 và NT15 được cấp florfenicol với liều tương ứng 0, 10 và 15 mg/kg thể trọng cá/ngày trong 10 ngày qua việc cho cá ăn thức ăn trộn sẵn kháng sinh. Tỷ lệ cá chết sau 14 ngày gây nhiễm ở ĐC(+) lên đến 54,0 ± 5,47% và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với tỷ lệ chết ở ĐC(-), NT10 và NT15 lần lượt là 0,0, 3,0 ± 4,72 và 2,60 ± 2,51% (P < 0,05). Cá ở NT10 và NT15 được thu mẫu kiểm tra dư lượng florfenicol trong cơ thịt vào các ngày 1, 16, 20 và 24 sau khi ngưng cấp florfenicol. Dư lượng florfenicol trong cơ thịt cá ở tất cả các thời điểm thu mẫu đều thấp hơn rất nhiều so với mức 1000 ppb quy định bởi Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam.

Phân lập và xác định đặc tính sinh học của một số chủng porcine circovirus type 2 (PCV2) từ heo nuôi tại khu vực phía nam Việt Nam

Lê Thị Thu Phương, Nguyễn Ngọc Hải, Nguyễn Thị Thu Hồng, Đặng Hùng, Quách Vô Ngôn, Nguyễn Ngọc Hồng Phúc, Nguyễn Tấn Liêm, Trần Xuân Hạnh & Nguyễn Văn Dung
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.9.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Trong nghiên cứu này các chủng PCV2 lưu hành ở Việt Nam đã được phân lập và khảo sát đặc tính sinh học nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng PMWS trên heo. Nghiên cứu đã phân lập được 18 chủng PCV2 thuộc các genotype PCV2b (9 chủng), PCV2d (6 chủng) và nhóm PCV2 tái tổ hợp (3 chủng) từ các mẫu bệnh phẩm heo dương tính PCV2, có biểu hiện triệu chứng và bệnh tích bệnh do circovirus trên heo (porcine circovirus disease – PCVD). Hiệu giá vi-rút đạt được trên môi trường tế bào PK15A dao động từ 1,67 đến 5,50 log10TCID50/mL ở lần tiếp đời thứ 3. Chọn được 3 chủng thuộc 3 genotype khác nhau có hiệu giá cao ổn định qua các lần tiếp đời (≥5,0 log10TCID50/mL) dùng làm giống gốc để nghiên cứu sản xuất vắc-xin PCV2.

Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mô hình robot leo tường

Nguyễn Tấn Phúc & Trần Dương Hoan
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.2.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Robot leo tường trần nhà có tính ứng dụng cao có thể dùng để kiểm tra, bảo trì và lau chùi kính các tòa nhà cao tầng. Robot leo tường được cấu tạo bởi 3 bộ phận chính: bộ phận bám tường, bộ phận di chuyển và phần điều khiển cho robot. Bài báo này trình bày kết quả thiết kế, chế tạo 1 mô hình robot leo tường và trần nhà theo các yêu cầu về vận tốc tiến trong khoảng từ 0,2 - 0,4 m/giây , với độ bám đủ lớn và 1 bộ điều khiển phù hợp. Để hoạt động được robot , một cơ cấu tạo ra áp suất bên dưới robot được điều khiển bởi vi điều khiển Arduino. Kết quả nghiên cứu cho thấy robot thiết kế đạt yêu cầu đề ra, hoạt động tốt ở phạm vi các tòa nhà cao tầng có chiều cao từ 20 - 30 m.

Xác định một số điều kiện thích hợp cảm ứng tạo rễ tóc đậu nành sử dụng vi khuẩn Agrobacterium rhizogenes

Tôn Bảo Linh, Lê Xuân Vũ, Ngô Thị Tú Trinh & Nguyễn Vũ Phong
Bản điện tử: 28 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.11.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm xác định một số điều kiện thích hợp cho chuyển gen bằng vi khuẩn Agrobacterium rhizogenes ở hai giống đậu nành HLĐN29 và DT84. Ở cả hai giống đậu nành, mẫu lá mầm cảm ứng tạo rễ tốt hơn so với trụ hạ diệp. Ở giống đậu nành HLĐN29, 96 - 100% mẫu tạo rễ khi lây nhiễm với chủng vi khuẩn ATCC11325 và ATCC15834, số rễ trung bình khoảng 8 rễ/mẫu. Đối với giống đậu nành DT84, chỉ có chủng vi khuẩn ATCC15834 cho hiệu quả tạo rễ tốt nhất. Sử dụng lá mầm đậu nành 6 - 8 ngày sau khi gieo cho hiệu quả tạo rễ tốt nhất và thuận tiện trong thao tác. Hai cách lây nhiễm trực tiếp và ngâm mẫu cho tỉ lệ mẫu tạo rễ và số rễ trung bình tương đương nhau trên cả hai giống đậu nành HLĐN29 và DT84. Rễ chuyển gen được xác định thông qua phân tích PCR sử dụng cặp primer đặc hiệu cho gen virD và rolC.

Thu hoạch tảo Chlorella vulgaris nuôi trong hệ thống quang hợp tuần hoàn kín bằng chitosan để ứng dụng trong thực phẩm

Trương Vĩnh, Trương Thảo Vy, Hồ Thị Cẩm Tú, Nguyễn Quốc Đạt & Nguyễn Thị Thanh Thúy
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.13.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Tảo Chlorella vulgaris nuôi trong trạng thái hóa tính và thu hoạch theo qui trình bán liên tục 2 ngày/lần với lượng thu 50% thể tích nuôi, cho năng suất sinh khối cao nhất. Thu hoạch tảo bằng chitosan cho thấy hiệu suất lắng phụ thuộc liều dùng, chất lượng chitosan là độ deacetyl (DD) và độ hòa tan. Ở DD 87% hiệu suất lắng đạt 99% sau 30 phút, và ở DD 89,8% hiệu suất lắng là 95% sau 10 phút. Tảo Chlorella vulgaris nuôi trong thiết bị quang hợp tuần hoàn kiểu ống 500 lít bằng môi trường Basal, được thu hoạch bán liên tục,lắng bằng chitosan và rửa 3 lần bằng dịch acid acetic 2% thu được sinh khối sạch với hàm lượng chitosan dưới 2% (w/w). Phân tích thành phần hóa lý sinh khối tảo cho thấy không có kim loại nặng, đạt chỉ tiêu vi sinh, có chứa các dưỡng chất từ thiên nhiên vượt trội so với một số loại nguyên liệu thực phẩm khác như đạm, béo, chlorophyll... đây là những thành phần rất cần thiết cho cơ thể con người, phù hợp làm thực phẩm chức năng.

Nghiên cứu thủy phân thịt vụn cá tra

Lê Trung Thiên, Bùi Thanh Thùy & Trịnh Ngọc Thảo Ngân
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.14.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này thực hiện nhằm so sánh ảnh hưởng của loại, tỷ lệ và điều kiện thủy phân enzyme đến hiệu quả thủy phân thịt vụn cá tra. Trong vòng bốn enzyme thí nghiệm là protamex, papain, neutrase, và alcalase thì alcalase cho hiệu suất thu hồi protein và độ thủy phân cao nhất. Enzyme alcalase cho hiệu quả thủy phân cực đại trong điều kiện pH 8,0; nhiệt độ thủy phân 55oC và tỷ lệ enzyme/nguyên liệu là 1,0% (w/w), cụ thể hiệu suất thu hồi protein hơn 70% (w/w) và độ thủy phân hơn 18% (w/w). Nghiên cứu thành công với mục tiêu đề ra và kết quả có khả năng ứng dụng vào thực tế sản xuất dịch thủy phân thịt vụn cá tra để làm nguyên liệu cải thiện tính chất công nghệ thực phẩm hay nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng.

Khảo sát hiện trạng sử dụng chất cấm (chloramphenicol) và kháng sinh hạn chế sử dụng (amoxicillin) trong quá trình nuôi cá lóc đầu nhím (Channa maculata) thương phẩm và phân tích dư lượng trong cơ thịt cá

Ngô Vy Thảo, Nguyễn Quốc Phú, Ngô Đăng Lâm & Ngô Văn Ngọc
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.15.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Việc sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngày càng gia tăng đáng kể vì mức độ thâm canh ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, thông tin về nghề nuôi cá lóc hiện nay còn hạn chế. Nắm được nhu cầu trên, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng sử dụng hai loại kháng sinh (KS) cấm (chloramphenicol, CAP) và hạn chế sử dụng (amoxicillin, AMX) và kiểm tra dư lượng tồn động trên cơ thịt cá của hai loại KS này. Nghiên cứu tiến hành phỏng vấn 65 hộ nuôi cá ở Định Quán, Trảng Bom và Biên Hòa, Đồng Nai. Kết quả cho thấy không có việc sử dụng CAP và AMX trong phòng bệnh. Tuy nhiên, CAP vẫn được sử dụng để chữa bệnh ở mức 50,04 và 100,0 g/tấn cá ở Biên Hòa và Trảng Bom. AMX được sử dụng điều trị bệnh ở nồng độ 59,62; 91,49 và 89,58 g/tấn cá ở Định Quán, Biên Hòa và Trảng Bom. Trái ngược với kết quả điều tra thực địa, phân tích hàm lượng kháng sinh trong 3 mẫu cá được thu ở mỗi khu vực khảo sát khoảng 14 ngày trước và ngay ngày thu hoạch cho thấy không có dư lượng KS được phát hiện. Nghiên cứu này cho thấy hiện nay nông dân có sử dụng KS, trong đó có kháng sinh cấm nhưng bước đầu đã nâng cao nhận thức về việc sử dụng kháng sinh, được minh chứng bằng thực tế là chúng chỉ sử dụng khi cần thiết. Do đó cần tăng cường việc quản lí và tăng cường công tác khuyến ngư để cung cấp kiến thức, thông tin cho nông dân sử dụng hợp pháp kháng sinh và các hóa chất khác trong NTTS.

Đánh giá mức độ hài lòng của nông hộ đối với chất lượng dịch vụ chương trình khuyến nông tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

Đỗ Minh Hoàng & Trần Hoài Nam
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.1.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Chất lượng dịch vụ chương trình khuyến nông là chìa khóa cho vấn đề phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả những nguồn lực của Chính phủ dành cho nông dân. Bài viết này đánh giá mức độ hài lòng của nông hộ đối với chất lượng dịch vụ chương trình khuyến nông tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Các công cụ phân tích chính bao gồm: phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM). Số liệu được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 320 nông hộ tham gia khuyến nông trên địa bàn. Kết quả phân tích cho thấy mức độ hài lòng của nông hộ chịu ảnh hưởng khá lớn từ chất lượng dịch vụ chương trình khuyến nông và chất lượng dịch vụ chương trình khuyến nông bị ảnh hưởng bởi các nhân tố như nông hộ an tâm khi áp dụng các tiến bộ trong sản xuất; cán bộ khuyến nông trình bày rõ ràng, hướng dẫn dễ hiểu, có nhiều kinh nghiệm; trao đổi trong lớp học sôi nổi, thoải mái và hoạt động tham quan thực tế phù hợp với nhu cầu của người nông dân.

Thiết kế cảnh quan chung cư Him Lam Phú An tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh theo xu hướng “phủ xanh cao tầng”

Nguyễn Thị Mỹ Duyên & Dương Thị Mỹ Tiên
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.12.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Đề tài được tiến hành tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ 09/2016 đến 01/2017, với mục tiêu cải thiện cảnh quan và mang lại không gian tiện nghi, thoải mái cho người dân trong khu chung cư. Đồ án được thực hiện bằng phương pháp khảo sát và đánh giá hiện trạng khu đất, phân khu chức năng và giao thông nội bộ, thể hiện ý tưởng thiết kế chi tiết bằng việc sử dụng các phần mềm thiết kế cảnh quan và đạt kết quả như sau: phân tích và đánh giá hiện trạng khu đất thiết kế, đề xuất phương án tối ưu, đề xuất danh mục cây xanh, vật liệu, thiết bị sử dụng trong thiết kế, thuyết minh thiết kế chi tiết. Đồ án hoàn thành được các bản vẽ: mặt bằng phân khu chức năng, mặt bằng bố trí giao thông, mặt bằng tổng thể, các mặt bằng cây xanh, vật liệu, cấp thoát nước, thiết bị, bố trí chiếu sáng, mặt đứng, mặt cắt, các chi tiết của công viên và phối cảnh tổng thể cũng như phối cảnh các phân khu, các tiểu cảnh làm điểm nhấn.

Ảnh hưởng của thời điểm bấm ngọn đến sinh trưởng, năng suất của ba giống rau húng quế (Ocimum basilicum L.) trồng trong nhà màng

Phạm Thị Minh Tâm & Nguyễn Thị Huệ
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.3.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu đã được tiến hành từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2014 nhằm tìm ra được thời điểm bấm ngọn thích hợp đối với ba giống húng quế được trồng trong nhà màng tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Một thí nghiệm 2 yếu tố được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần lặp lại. Yếu tố A là 3 giống húng quế (TN12, TN39 và TN33). Yếu tố B là 4 thời điểm bấm ngọn (không bấm ngọn - Đối chứng; Bấm ngọn khi cây được 4 lá thật; Bấm ngọn khi cây được 6 lá thật và Bấm ngọn khi cây được 8 lá thật). Kết quả của thí nghiệm cho thấy giống TN39 thích hợp để chiết xuất tinh dầu với năng suất thực thu cao nhất (3.365,4 kg/1.000 m2), hàm lượng tinh dầu cao (0,25%). Giống TN12 cho năng suất thực thu cao (1.955,4 kg/1.000 m2, hàm lượng tinh dầu (0,20%), có mùi dễ chịu, thích hợp để ăn tươi. Cây húng quế TN12 được bấm ngọn khi cây có 6 lá thật cho năng suất thực thu cao nhất 2.172,3 kg/1.000 m2.

Tuyển chọn giống lúa siêu xanh (GSR) năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng điều kiện khí hậu ở tỉnh Phú Yên (Phần 1)

Nguyễn Trọng Tùng, Nguyễn Đức Thắng, Hoàng Long, Nguyễn Thị Trúc Mai, Phạm Thị Thỏa, Đàm Thanh Tồn, Hoàng Kim, Tian-Qing Zheng & Zhikang Li
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.6.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Chọn giống lúa siêu xanh (GSR) thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam là rất quan trọng và cấp bách. Lúa tại tỉnh Phú Yên là vựa lúa chính của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với diện tích lúa sản xuất hai vụ gần 52.000 ha. Việc sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu để xây dựng thương hiệu lúa hàng hóa chất lượng cao cho tỉnh Phú Yên là rất cấp thiết và quan trọng. Đề tài “Tuyển chọn giống lúa siêu xanh (Green Super Rice–GSR) năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng điều kiện khí hậu ở tỉnh Phú Yên” do Trung tâm Giống và Kỹ thuật Cây trồng Phú Yên chủ trì thực hiện. Nội dung nghiên cứu gồm: khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn sản xuất thử hai giống lúa mới tuyển chọn và thí nghiệm xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác lúa cho vùng đồng bằng Tuy Hòa. Báo cáo này trình bày phần một: Kết quả khảo nghiệm cơ bản bộ giống lúa siêu xanh (GSR) tại tỉnh Phú Yên.  Vật liệu khảo nghiệm cơ bản gồm 12 giống lúa, với 9 giống lúa siêu xanh tuyển chọn GSR36, GSR38, GSR54, GSR63, GSR65, GSR84, GSR89, GSR90, GSR131 với 2 giống lúa triển vọng Nam Ưu 1241, Nam Ưu 1245 và ML 48 là giống lúa đối chứng phổ biến tại địa phương. Nội dung nghiên cứu gồm sáu thí nghiệm chính quy đã được thực hiện trong 3 vụ (ĐX 2014 - 2015, HT2015 và ĐX 2015 - 2016) tại vùng thâm canh, Trại Giống Nông nghiệp Hòa An và Trại Giống Nông nghiệp Hòa Đồng, tỉnh Phú Yên. Phương pháp thí nghiệm theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-55:2011/BNNPTNT Khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống lúa. Kết quả của sáu khảo nghiệm cơ bản trong ba vụ đã tuyển chọn được 4 giống lúa GSR65, GSR90, GSR38, Nam Ưu 1245 có năng suất cao, chất lượng tốt, đặc tính nông sinh học tốt, thời gian sinh trưởng ngắn ngày (A1), ít nhiễm các sâu bệnh hại chính để đưa vào khảo nghiệm sản xuất và xây dựng mô hình trình diễn trên ruộng nông dân tại Phú Yên.

Cấu trúc, chất lượng và đa dạng thực vật thân gỗ giữa các thảm thực vật, vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Nguyễn Văn Triệu & Bùi Mạnh Hưng
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.7.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Cấu trúc rừng đóng một vai trò rất quan trọng trong quản lý tài nguyên rừng bền vững. Nghiên cứu đã tiến hành bố trí 20 ô tiêu chuẩn (OTC) điển hình tạm thời với diện tích 900 m2 (30 m × 30 m) của bốn trạng thái: IIA, IIB, IIIA1 và IIIA3. Kết quả cho thấy rằng đường kính ở 4 trạng thái lần lượt là IIA: 11,25 cm; IIB: 12,81 cm; IIIA1: 15,94 cm và IIIA3: 20,30 cm. Mô hình tuyến tính hỗn hợp chứng minh rằng sinh trưởng cả về đường kính và chiều cao giữa các trạng thái rừng là thực sự khác biệt (P < 0,05). Hai hàm Weibull và khoảng cách có thể mô phỏng tốt cho 75% phân bố thực nghiệm. Hệ số đường ảnh hưởng cho thấy rằng với cả bốn trạng thái thì hệ số ảnh hưởng trực tiếp (AHTT) điều có giá trị tuyệt đối lớn hơn hệ số ảnh hưởng gián tiếp (AHGT). Biểu đồ của phân tích thành phần chính cho thấy rằng với cả bốn loại trạng thái rừng thì chất lượng cây rừng có mối quan hệ khá chặt với đường kính tán, chiều cao dưới cành và đường kính ngang ngực. Sự khác biệt vệ chất lượng cây rừng giữa 4 trạng thái là thực sự rõ rệt, do giá trị P của trắc nghiệm Chi-square là 0,000 (nhỏ hơn 0,05). Ở trạng thái IIA và IIB chủ yếu các loài cây tiên phong ưu sáng mọc nhanh, còn ở trạng thái IIIA1 và IIIA3 xuất hiện thêm nhiều loài cây chịu bóng. Trạng thái trạng thái IIIA3 có mức độ da dạng sinh học loài là cao nhất.

Ảnh hưởng của khoảng cách trồng và tần suất sục khí đến sinh trưởng và năng suất cây rau cần nước (Oenanthe javanica (Blume) DC.) thủy canh

Nguyễn Thị Hoàng, Phạm Thị Minh Tâm, Nguyễn Thị Quỳnh Thuận & Nguyễn Thị Nha Trang
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.4.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Cây cần nước là loại cây thủy sinh trong họ hoa tán và là loài rau mọc hoang có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Á. Cây mọc ở những nơi đất cát ẩm và có chế độ ánh sáng 60-70%. Một thí nghiệm 2 yếu tố được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần lặp lại. Yếu tố A là 4 khoảng cách trồng (4 × 2 cm; 4 × 3 cm; 4 × 4 cm và 4 × 5 cm). Yếu tố B là 3 tần suất sục khí (2 ngày; 4 ngày và 6 ngày). Kết quả thí nghiệm cho thấy rau cần nước được trồng ở các mật độ và tần suất sục khí khác nhau chưa có tác động có ý nghĩa thống kê đến chiều cao cây, số lá trung bình/cây, trọng lượng trung bình cây cũng như các chỉ tiêu về chất lượng cây. Tuy nhiên, rau cần nước được trồng trong dung dịch trồng cải xoong ở khoảng cách trồng 4 × 2 cm cho năng suất lý thuyết, năng suất thực thu và năng suất thương phẩm cao nhất lần lượt là 3.408 kg/1.000 m2; 2.504 kg/1.000 m2 và 1.979 kg/1.000 m2.

Tuyển chọn giống lúa siêu xanh (GSR) năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng điều kiện khí hậu ở tỉnh Phú Yên (Phần 2)

Nguyễn Trọng Tùng, Nguyễn Đức Thắng, Hoàng Long, Nguyễn Thị Trúc Mai, Phạm Thị Thỏa, Đàm Thanh Tồn, Hoàng Kim, Tian-Qing Zheng & Zhikang Li
Bản điện tử: 31 Aug 2018 | DOI: 10.52997/jad.5.04.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Đề tài “Tuyển chọn giống lúa siêu xanh (Green Super Rice –GSR) năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên” do Trung tâm Giống và Kỹ thuật Cây trồng Phú Yên chủ trì thực hiện. Nội dung nghiên cứu bao gồm: thí nghiệm cơ bản, thí nghiệm sản xuất, sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới được lựa chọn và phát triển thí điểm các kỹ thuật canh tác lúa ở đồng bằng Tuy Hòa. Báo cáo này trình bày phần hai: Kết quả thí nghiệm sản xuất, trình diễn thử nghiệm 2 giống lúa mới được chọn ở Phú Yên. Nghiên cứu được thưc hiện trong 4 vụ liên hoàn (Đông Xuân 2015 - 2016, Hè Thu 2016, Đông Xuân 2016-2017 và Hè Thu 2017) ở vùng đất canh tác thâm canh ở thôn Hòa Mỹ, huyện Phú Hòa, và thôn Hòa Thắng huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên. Với 4 giống lúa triển vọng (GSR65, GSR90, GSR38 và Nam Ưu 1245) với ML 48 được sử dụng làm đối chứng. Phương pháp khảo nghiệm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-55:2011/BNNPTNT khảo nghiệm giá trị trồng trọt và giá trị sử dụng của giống lúa. Kết quả của bốn khảo nghiệm sản xuất tại hai điểm hai vụ và bốn mô hình trình diễn sản xuất của hai giống lúa mới được lựa chọn tại hai điểm hai vụ kế tiếp. Hai giống lúa GSR65, GSR90 có năng suất cao, chất lượng tốt, các đặc tính nông học tốt, thời gian sinh trưởng ngắn (A1), sâu bệnh hại thấp, phù hợp xuất khẩu, và xây dựng thành công mô hình trình diễn trên đồng ruộng của nông dân ở tỉnh Phú Yên. Hai giống lúa GSR65, GSR90 đạt năng suất thực thu bình quân tương ứng là 79,8 và 81,7 tạ/ha vượt 11,92% và 14,58% so với đối chứng ML48 đạt 71,3 tạ/ha; lãi thuần vượt 30,5 - 36,7% so với ML48 đạt 15,50 triệu đồng/ha. Quy trình kỹ thuật canh tác lúa GSR65 và GSR90 đã được xây dựng.