Ngày xuất bản: 2024-02-26
Số báo đầy đủ
Nông học, Lâm Nghiệp
Kết quả chọn tạo và khảo nghiệm các giống sắn triển vọng KM568, KM539, KM537 tại tỉnh Phú Yên
Bản điện tử:
26 Feb 2024
| DOI:
10.52997/jad.1.01.2024
Tóm tắt
|
PDF (217.7K)
Tóm tắt
Nghiên cứu chọn tạo giống sắn năng suất tinh bột cao, kháng được sâu bệnh chính, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh Phú Yên là quan trọng và cấp bách. Mục tiêu nhằm chọn tạo được giống sắn có năng suất tinh bột cao (vượt hơn đối chứng KM419 và KM94 tối thiểu 10%), kháng được sâu bệnh chính, điểm bệnh cấp 1 - 2 đối với bệnh khảm lá (CMD) và bệnh chồi rồng (CWBD). Phương pháp nghiên cứu thực hiện theo chuẩn của Chương trình sắn Việt Nam và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT) về quy trình công nghệ chọn tạo và nhân giống sắn lai. Kết quả đã tuyển chọn được ba giống sắn triển vọng KM568, KM539 và KM537. Giống sắn KM568 con lai của KM440 x (KM419 x KM539), có năng suất củ tươi 54 tấn/ha với hàm lượng tinh bột 28,4% lúc 10 tháng sau trồng. Giống sắn KM539 là C39* chọn lọc của C39 nhập nội từ CIAT và có năng suất củ tươi 45,9 tấn/ha với hàm lượng tinh bột 27,9%. Giống sắn KM537 là con lai của (KM419 x KM539) x KM440, có năng suất củ tươi 51,3 tấn/ha với hàm lượng tinh bột 28,5%. Cả 3 giống này đều kháng bệnh CMD cấp 1,5 và kháng bệnh CWBD cấp 1. KM568, KM539 và KM537 lần lượt có 8 - 14 củ/bụi, 7 - 12 củ/bụi và 7 - 12 củ/bụi. Tất cả các giống này đều đạt kiểu hình cây lý tưởng, thịt củ trắng, cây thẳng, tán gọn, lóng ngắn và ít phân cành. Ngoài ra, chiều cao cây của KM568, KM539 và KM537 lần lượt là 2,3 - 2,7 m, 2,7 - 3,0 m và 2,5 - 2,9 m.
Chăn nuôi, thú y và thủy sản
Sự lưu hành và đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Pasteurella multocida phân lập từ dê nuôi tại thành phố Cần Thơ
Bản điện tử:
26 Feb 2024
| DOI:
10.52997/jad.1.02.2024
Tóm tắt
|
PDF (199.9K)
Tóm tắt
Tổng số 289 mẫu dịch mũi được thu thập từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023 để xác định tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Pasteurella multocida trên đàn dê nuôi tại một số trại chăn nuôi quy mô vừa ở Thành phố Cần Thơ. Có 143 mẫu, chiếm 49,48%, dương tính với P. multocida. Từ 143 mẫu dương tính, có 64 chủng được chọn để kiểm tra tính nhạy cảm với kháng sinh bằng phương pháp khuyếch tán đĩa thạch. Kết quả cho thấy vi khuẩn còn nhạy cảm với 6/7 loại kháng sinh được khảo sát, đặc biệt là doxycycline (100%); tuy nhiên, các chủng này đã đề kháng cao với ampicillin chiếm 53,13%. Có 9 kiểu hình kháng thuốc được ghi nhận (60,94%), phổ biến nhất là ampicillin và ampicillin + amoxicillin/clavulanic acid chiếm 23,44%. Sử dụng kỹ thuật PCR để phát hiện gene đề kháng kháng sinh, kết quả cho thấy sulII được phát hiện nhiều nhất chiếm 67,19%. Tổng số 11 kiểu gene đề kháng được phát hiện ở 54 chủng chiếm 84,38%, và aadB + sulII là kiểu ghép gene phổ biến nhất chiếm 23,44%. Do đó, sự hiện diện và tính nhạy cảm với kháng sinh của P. multocida ở dê cần được kiểm soát nhằm để bảo vệ sức khỏe của dê và ngăn ngừa sự lây lan mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi.
Khảo sát sự tiêu thụ lá rụng và hiện diện của còng Parasesarma plicatum (Latreille, 1803) trong các sinh cảnh của rừng ngập mặn Cần Giờ
Bản điện tử:
26 Feb 2024
| DOI:
10.52997/jad.1.05.2024
Tóm tắt
|
PDF (421.7K)
Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện từ 09/2012 đến 12/2022 nhằm xác định sự tiêu thụ lá rụng của Parasesarma plicatum (Latreille, 1803) trên các điều kiện khác nhau của lá Rhizophora apiculata (lá già: màu vàng, lá đang phân hủy: màu nâu đỏ và nâu đen) trong 72 giờ thí nghiệm ở 2 kích cỡ còng khác nhau. Thí nghiệm được bố trí kiểu ngẫu nhiên với 6 nghiệm thức (NT) và 5 lần lặp lại. Mỗi NT gồm 5 con còng và 1 loại lá làm thức ăn. Các NT gồm NT1: 5 còng lớn + lá vàng, NT2: 5 còng lớn + lá nâu đỏ, NT3: 5 còng lớn + lá nâu đen, NT4: 5 còng nhỏ + lá vàng, NT5: 5 còng nhỏ + lá nâu đỏ, NT6: 5 còng nhỏ + lá nâu đen. Kết quả cho thấy còng lớn ăn lá đang phân hủy (lá nâu đen) nhiều nhất và sai khác có ý nghĩa thống kê so với các NT còn lại. Còng Parasesarma plicatum cũng không thích lá già (màu vàng) ở cả 2 cỡ còng. Ngoài ra, sự tiêu thụ các loại lá khác nhau của còng nhỏ cũng không có sự khác biệt. Sự hiện diện của còng Parasesarma plicatum ở rừng ngập mặn (RNM) Cần Giờ đã cho thấy có 2 nơi cư trú thích hợp của còng Parasesarma plicatum theo độ cao triều, loại RNM và các yếu tố môi trường. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến xuất hiện của Parasesarma plicatum trong các sinh cảnh là độ che phủ của cây che bóng và loại cây RNM (đước, dà quánh, mấm đen, mấm trắng, cóc trắng). Như vậy, Parasesarma plicatum có vai trò quan trọng trong chu trình thức ăn đang phân hủy ở RNM Cần Giờ.
Đánh giá hiệu quả bảo vệ vắc xin bất hoạt từ Streptococcus agalactiae (GBS) hoang dại trên cá rô phi ( Oreochromis sp.)
Bản điện tử:
26 Feb 2024
| DOI:
10.52997/jad.1.03.2024
Tóm tắt
|
PDF (641K)
Tóm tắt
Vi khuẩn Streptococcus agalactiae gây bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá rô phi đỏ đang là vấn đề gây thiệt hại nghiệm trọng cho ngành nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc-xin S. agalactiae AG5 (thuộc nhóm B, GBS) bất hoạt bằng formol trên cá rô phi đỏ (Oreochromis sp.) bằng phương pháp cho ăn. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên và cá được cho ăn thức ăn đã trộn vắc-xin với nồng độ lần lượt là 104; 105; 106; 107; 108 CFU/g. Sau 3 tuần, tiến hành cảm nhiễm với chủng S. agalactiae AG5 bằng phương pháp tiêm 100 µL vào ổ bụng theo liều LD50 = 6,87 × 103 CFU/mL, theo dõi trong 1 tuần sau cảm nhiễm để xác định hiệu quả bảo vệ RPS. Mẫu cá chết được ghi nhận triệu chứng và cấy ria mẫu não trên môi trường TSA, ủ ở 28oC trong 24 giờ. Sau đó, các khuẩn lạc được kiểm tra bằng PCR với cặp primer đặc hiệu F1/IMOD. Kết quả cho thấy vắc-xin bất hoạt S. agalactiae AG5 (GBS) cho hiệu quả bảo vệ trên cá rô phi đỏ cao nhất là 50% ở liều vắc-xin nồng độ 107 CFU/g. Đồng thời, nghiên cứu cho thấy cá rô phi đỏ có đáp ứng miễn dịch với hiệu giá kháng thể trung bình ở các nghiệm thức sử dụng vắcxin từ 2,24 ± 0,20 đến 3,59 ± 0,42 (P < 0,05).
Xây dựng và đánh giá liệu pháp truyền dịch trong điều trị bệnh trên chó
Bản điện tử:
26 Feb 2024
| DOI:
10.52997/jad.1.04.2024
Tóm tắt
|
PDF (199.3K)
Tóm tắt
Mục tiêu nghiên cứu là xây dựng và đánh giá liệu pháp truyền dịch trong điều trị các nhóm bệnh trên chó. Đề tài được thực hiện từ tháng 12/2022 đến tháng 05/2023 tại Bệnh viện Thú y Petcare và Bệnh viện Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Áp dụng phương pháp đánh giá tình trạng mất nước 5%, 7%, 10 - 12% & 15%, tính lượng nước cần bù và đánh giá hiệu quả truyền dịch trong các ca bệnh khảo sát. Tổng số 251 ca bệnh có 95 ca tại Bệnh viện Thú y Petcare và 156 ca tại Bệnh viện Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Kết quả cho thấy nhóm bệnh tiêu hóa có tỉ lệ cao nhất 63,75% trong các ca bệnh có sử dụng liệu pháp truyền dịch, kế đến là các bệnh truyền nhiềm với tỉ lệ 19,92%. Tình trạng mất nước phổ biến 5 - 10%, trong đó mức 10% chiếm tỉ lệ cao nhất 37,85%, kế đến là mức 7% (29,48%) và 5% (21,12%), và mức 12% chiếm tỉ lệ thấp (11,16%). Hiệu quả truyền dịch trong các ca bệnh có tỉ lệ khỏi bệnh đạt 67,73%, bớt bệnh 15,14% và tỉ lệ chết là 17,13%. Số ngày điều trị trung bình ở các ca khỏi bệnh là 6,49 ngày, bớt bệnh là 7,87 ngày và chết là 4,49 ngày. Tỉ lệ khỏi bệnh cao nhất 31 - 35% ở mức độ mất nước 7 - 10%, trong khi đó tỉ lệ chết cao đến 55,81% ở tỉ lệ mất nước 10%. Hiệu quả điều trị cao khi sử dụng liệu pháp truyền dịch kết hợp ringer lactate hay nước muối sinh lý 0,9% kết hợp với glucose 5%.
Công nghệ sinh học
Nghiên cứu thu nhận tinh dầu và dịch đường từ lá Trầu (Piper betle)
Bản điện tử:
26 Feb 2024
| DOI:
10.52997/jad.1.06.2024
Tóm tắt
|
PDF (336.3K)
Tóm tắt
Nghiên cứu được tiến hành để thu nhận tinh dầu lá Trầu và dịch thủy phân giàu đường từ bã lá Trầu, nhằm tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu. Tinh dầu lá Trầu được chiết xuất bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước, bã lá Trầu còn lại được thủy phân bằng enzyme để thu nhận dịch đường. Kết quả phân tích thành phần hóa học cho thấy lá Trầu chứa 2,23% đường khử tự do; 21,10% polysaccharide; 68,01 mg/g phenolic tổng số; 6,17 mg/g flavonoid tổng số; 12,05% tro và 1,63% tannin. Hàm lượng tinh dầu trong lá Trầu đạt 3,14% với các thành phần chính gồm eugenol (50,37%), γ-muurolene (9,65%) và α-copaene (8,22%). Tinh dầu lá Trầu thể hiện hoạt tính chống oxy hóa với IC50 = 0,13 mg/mL. Tinh dầu lá Trầu có tiềm năng sử dụng như chất kháng khuẩn với khả năng ức chế Escherichia coli, Samonella sp. và Bacillus cereus. Hàm lượng đường khử cao nhất đạt 10,66 g/L trong điều kiện thủy phân bã lá Trầu bằng Ultraflo Max với tỉ lệ enzyme/cơ chất là 5% trong 96 giờ, trong đó glucose chiếm 48,31%. Kết quả cho thấy dịch thủy phân bã lá Trầu có thể là nguồn cung cấp carbon cho các quá trình lên men nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị.