Ngày xuất bản: 2022-04-29

Đánh giá độ an toàn và hiệu quả của vắc-xin nhược độc phòng bệnh Gumboro khi áp dụng cho gà con mới nở tại trạm ấp

Nguyễn Thị Kiều Oanh, Nguyễn Mạnh Hổ, Nguyễn Văn Đồng & Quách Tuyết Anh
Bản điện tử: 29 Apr 2022 | DOI: 10.52997/jad.4.02.2022
Tóm tắt | pdf (464.4K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của vắc-xin nhược độc phòng bệnh Gumboro công nghệ mới MB-1 ở gà Lương Phượng. Tổng số 27.700 gà Lương Phượng 1 ngày tuổi được tiêm vắc-xin MB-1 với liều 0,1 mL/con tại nhà máy ấp. Kết quả cho thấy hiệu giá kháng thể (HGKT) IBD mẹ truyền ngay ngày chủng là 4857. Vi rút vắc-xin MB-1 đã định vị trong túi Bursa từ 24 đến 36 ngày tuổi. Điểm mô bệnh học vi thể của túi Bursa (BLS) ở mức trung bình; tăng dần từ 0,67 đến 3 điểm và giảm với dấu hiệu phục hồi còn 2,33 điểm ở 36 ngày tuổi. Chỉ số tỷ lệ túi Bursa (BI) ở 21 ngày tuổi là 0,39% và giảm còn 0,1% ở thời điểm 36 ngày tuổi. Khả năng đáp ứng miễn dịch dịch thể với việc chủng ngừa vắc-xin ND cao, đạt HGKT là 4.448 ở 42 ngày tuổi. Đặc biệt, HGKT kháng IBD phát triển tốt và đồng đều, đạt HGKT là 3.632 và hệ số biến động chỉ ở mức 22%. Tóm lại, việc sử dụng vắc-xin MB-1 chủng cho gà con 1 ngày tuổi cho sự định vị của vi rút vắc-xin ở túii Bursa sớm từ đó phát triển kháng thể chủ động IBD nhanh và đồng đều. Vắc-xin MB-1 hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc đáp ứng miễn dịch với vắc-xin ND và và an toàn cho túi Bursa khi áp dụng cho gà thịt thươngphẩm ở trạm ấp.

Sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Vibrio spp. phân lập từ tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei ) nuôi thương phẩm thu mẫu tại Chợ Đầu Mối Bình Điền

Truyện Nhã Định Huệ, & Nguyễn Hữu Thịnh
Bản điện tử: 29 Apr 2022 | DOI: 10.52997/jad.6.02.2022
Tóm tắt | pdf (341.2K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm đánh giá tỷ lệ kháng kháng sinh và đa kháng kháng sinh của 150 chủng Vibrio spp. phân lập từ tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) nuôi thương phẩm được thu mẫu tại Chợ Đầu Mối Bình Điền, TP. Hồ Chí Minh. Mười loại kháng sinh đã được sử dụng để kiểm tra tính đề kháng của các chủng Vibrio spp. bao gồm ampicillin, ciprofloxacin, chloramphenicol, doxycycline, gentamicin, kanamycin, nalidixic acid, streptomycin, tetracycline and trimethoprim/sulfamethoxazole. Kết quả kháng sinh đồ cho thấy tỷ lệ phần trăm các chủng Vibrio spp. kháng kháng sinh lần lượt là 92; 12; 0; 0; 3,3; 80; 3,3; 46,7; 3,3 và 18%. Tỷ lệ đa kháng từ hai đến năm loại kháng sinh là 88,7%, đặc biệt, không có bất kỳ chủng Vibrio spp. nào nhạy cảm với tất cả kháng sinh thử nghiệm. Chỉ số đa kháng kháng sinh (MAR) là 0,259 cho thấy các chủng vi khuẩn phân lập từ tôm đã tiếp xúc với các kháng sinh được kiểm tra. 

Công nghệ chế biến bảo quản thủy sản bằng áp suất cao

Trương Quang Bình
Bản điện tử: 29 Apr 2022 | DOI: 10.52997/jad.5.02.2022
Tóm tắt | PDF (2.9M)

Tóm tắt

Chế biến áp suất cao là một công nghệ đang nổi trong ngành công nghiệp thực phẩm. Việc áp dụng áp suất cao đã cho thấy tiềm năng lớn trong việc cải thiện chất lượng hóa lý, vi sinh và cảm quan của sản phẩm. Áp suất cao làm bất hoạt vi sinh vật và các enzym tự phân giải giúp kéo dài thời gian bảo quản của sản phẩm thủy sản. Áp suất cao ức chế sự hình thành của các hợp chất gây hư hỏng và duy trì độ cứng của cơ cá, dẫn đến chất lượng cảm quan cao hơn so với sản phẩm thủy sản không được xử lý qua thời gian bảo quản. Tuy nhiên, sự đổi màu, biến tính protein và quá trình oxy hóa chất béo là những hạn chế có thể giới hạn việc áp dụng áp suất cao lên cơ cá. Bên cạnh đó, gel tạo ra do áp suất cao hay đông lạnh/rã đông dưới áp suất cao là các lĩnh vực đang được nghiên cứu để tìm ra những lợi ích của chế biến áp suất cao cho sản phẩm thủy sản.

Nghiên cứu hiện trạng và nhu cầu nước tưới phục vụ trồng cây ăn quả lâu năm trên địa bàn huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai

Dương Quỳnh Yến Thy, Nguyễn Vũ Đức Thịnh, Trần Thị Thanh Hương, & Lê Quốc Tuấn
Bản điện tử: 29 Apr 2022 | DOI: 10.52997/jad.8.02.2022
Tóm tắt | pdf (444K)

Tóm tắt

Định Quán là một huyện nông nghiệp miền núi của tỉnh Đồng Nai với định hướng phát triển nông nghiệp là trọng tâm. Việc xác định lượng bốc thoát hơi nước lý thuyết và thực tế, cùng với nhu cầu nước tưới là cơ sở quan trọng trong công tác lập kế hoạch tưới tiêu hiệu quả cho một số loại cây ăn quả lâu năm (quýt, chuối và xoài) giúp quản lý nguồn nước một cách hợp lý và bền vững. Áp dụng phương trình FAO Penman - Monteith kết hợp với mô hình CROPWAT, lượng bốc thoát hơi nước lý thuyết (ETo), lượng bốc thoát hơi nước thực tế (ETc) và nhu cầu nước tưới (IWR) của một số loại cây ăn quả lâu năm đang được canh tác chủ yếu tại huyện Định Quán (chuối, quýt và xoài) đã được xác định. Tổng lượng nước cần tưới trong năm của cây quýt, xoài và chuối tại khu vực nghiên cứu được xác định lần lượt là 592,6 mm, 473,0 mm và 976,4 mm, tương ứng với 5.926 m3/ha, 4.730 m3/ha và 9.764 m3/ha. Từ đó, nhu cầu nước tưới trong năm của khu vực nghiên cứu được xác định khoảng 46 triệu m3 cho việc canh tác xoài, chuối và quýt, tập trung chủ yếu vào mùa khô (chiếm hơn 95%). Với thói quen canh tác và sử dụng tài nguyên nước hiện nay, nếu không có biện pháp quản lý và giải pháp hiệu quả có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước phục vụ cho sản xuất trong tương lai, đặc biệt là vào mùa khô.

Phân tích sự tương quan của các yếu tố tác động đến các mô hình sử dụng đất canh tác tại tỉnh Bến Tre

Mai Xuân, & Lê Tấn Lợi
Bản điện tử: 29 Apr 2022 | DOI: 10.52997/jad.7.02.2022
Tóm tắt | pdf (579.7K)

Tóm tắt

Trong sản xuất thường chịu nhiều tác động của yếu tố tự nhiên, kinh tế và xã hội, cũng như sự tương quan giữa các yếu tố này sẽ dẫn đến sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định và phân tích tương quan giữa các yếu tố tác động đến các mô hình canh tác tại tỉnh Bến Tre. Phương pháp chuyên gia, kiểm định độ tin cậy, phân tích nhân tố khám phá, kiểm định Chi bình phương và hồi qui Binary Logistic được áp dụng để xác định và phân tích sự tương quan giữa các yếu tố. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 4 yếu tố chính là con người, chính sách, kinh tế, điều kiện tự nhiên và 16 yếu tố phụ. Các yếu tố phụ có sự tương quan khá nhiều với yếu tố khác là: ảnh hưởng mặn, chính sách sử dụng đất, chính sách hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm. Các yếu tố phụ có sự tương quan trung bình là: ảnh hưởng của chất đất, chính sách bao tiêu sản phẩm, thị trường, giá bán, trình độ kỹ thuật, nguồn lực lao động. Các yếu tố phụ có sự tương quan ít gồm: ảnh hưởng do hạn, ảnh hưởng do lũ, chính sách hỗ trợ kỹ thuật, khả năng tài chính, hiệu quả đồng vốn, trình độ học vấn. Yếu tố chính sách sử dụng đất có tương quan chặt với nhiều yếu tố khác.

Ảnh hưởng của giá thể đến sinh trưởng và tỷ lệ xuất vườn của giống sắn KM140 sạch bệnh (Manihot esculenta Crantz “KM140”) nuôi cấy mô

Nguyễn Thị Thanh Duyên, Nguyễn Thị Mỵ & Nguyễn Châu Niên
Bản điện tử: 29 Apr 2022 | DOI: 10.52997/jad.3.02.2022
Tóm tắt | pdf (1.1M)

Tóm tắt

Bệnh khảm lá sắn (CMD) là một trong những bệnh nguy hiểm đã gây thiệt hại nặng nề về năng suất tinh bột sắn. Nhân giống in vitro từ nguồn giống sắn sạch bệnh là phương pháp tối ưu nhằm sản xuất ra cây giống sạch bệnh khảm lá. Để nâng cao tỷ lệ xuất vườn của cây sắn KM140 ở giai đoạn vườn ươm thì yếu tố giá thể rất quan trọng. Trong nghiên cứu này các loại giá thể phổ biến như xơ dừa, tro trấu, phân trùn đã được phối trộn theo các tỷ lệ khác nhau để tạo ra các công thức giá thể sử dụng cho giai đoạn vườn ươm của cây sắn KM140 sạch bệnh, Từ đó chọn ra được công thức giá thể phù hợp với sự sinh trưởng và tỷ lệ xuất vườn của cây sắn KM140 sạch bệnh. Các chỉ tiêu về chiều cao cây, số lá, đường kính thân, chiều dài rễ, tỷ lệ chất khô thân lá, rễ, tỷ lệ sống và tỷ lệ xuất vườn của cây sắn KM140 đã được đánh giá.Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 2 tuần cây sắn được chuyển từ môi trường nuôi cấy mô (in vitro) sang giai đoạn vườn ươm (ex vitro) có tỷ lệ sống là 84,5%. Giá thể với tỷ lệ phối trộn: 85% MD + 10% TT + 5% PT thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây sắn KM140 với chiều cao đạt 38,8 cm, 22,0 lá, và tỷ lệ xuất vườn đạt 85,3%.

Tình hình sử dụng và tồn dư của paclobutrazol trong đất trồng sầu riêng (Durio zibethinus Murr.) tại tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre

Phạm Thị Thùy Dương, Thái Nguyễn Diễm Hương, Bùi Minh Trí, Nguyễn Lê Hoài Thương & Nguyễn Xuân Kỳ
Bản điện tử: 29 Apr 2022 | DOI: 10.52997/jad.1.02.2022
Tóm tắt | pdf (405.9K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu đánh giá hiện trạng sử dụng PBZ để xử lý ra hoa cho cây sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre và phân tích hàm lượng PBZ tồn dư trong đất để làm cơ sở cho việc khuyến cáo sử dụng PBZ. Ở mỗi tỉnh, tiến hành điều tra 60 hộ bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp với câu hỏi soạn sẵn. Sau đó, chọn ra 15 hộ có thời gian sử dụng PBZ liên tục ít nhất 5 năm trong canh tác sầu riêng để tiến hành lấy mẫu đất ở các độ sâu 0 đến 20, 20 đến 40 và 40 đến 60 cm tại vị trí mép tán và ½ đường kính tán để phân tích hàm lượng PBZ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại tỉnh Tiền Giang có 65,0% và tỉnh Bến Tre có 18,3% hộ sử dụng PBZ cao hơn nồng độ khuyến cáo, nồng độ PBZ trung bình được sử dụng lần lượt là 1.816 ppm và 1.240 ppm. Hàm lượng trung bình PBZ tồn dư cao nhất trong đất được lấy ở vị trí mép tán ở độ sâu 0 đến 20 cm, đạt 1,036 mg/kg (Tiền Giang) và 0,480 mg/kg (Bến Tre). Không phát hiện sự tồn dư PBZ trong mẫu đất được thu thập vị trí ½ đường kính tán lá ở độ sâu từ 40 đến 60 cm.

Những hàm thể tích đối với thân cây Tràm (Melaleuca cajuputi Powell) ở khu vực Tây Nam Bộ

Nguyễn Văn Thêm
Bản điện tử: 29 Apr 2022 | DOI: 10.52997/jad.2.02.2022
Tóm tắt | pdf (369K)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này là xây dựng các hàm thể tích thân cây đứng và thể tích gỗ sản phẩm ở mức cây cá thể của rừng Tràm. Các hàm thể tích được xây dựng từ 56 cây mẫu ở cấp đường kính từ 4 đến 16 cm. Các hàm thể tích thích hợp được kiểm định từ 5 hàm dự tuyển. Khả năng ứng dụng của các hàm thể tích được kiểm định từ 10 cây không tham gia xây dựng hàm thể tích. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm V = a + b(D2 * H)c là hàm thích hợp để xây dựng hàm thể tích thân cả vỏ ở mức cây cá thể. Hàm V = a + b(D2H) + c(DdHe) là hàm thích hợp để xây dựng hàm thể tích thân không vỏ và thể tích gỗ sản phẩm ở mức cây cá thể. Các hàm thể tích này đều nhận sai số nhỏ hơn 5,0%. So với thể tích thân cả vỏ, tỷ lệ trung bình đối với thể tích thân không vỏ, thể tích gỗ sản phẩm cả vỏ và không vỏ, tỷ lệ vỏ tương ứng là 65,7%, 95,2%, 60,6% và 34,3%.