Ngày xuất bản: 2020-10-30

Phân tích chuỗi giá trị ngành hoa lan Mokara cắt cành trên địa bàn huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh

Dương Thị Mỹ Tiên & Nguyễn Văn Quân
Bản điện tử: 30 Oct 2020 | DOI: 10.52997/jad.1.05.2020
Tóm tắt | PDF (298.8K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định chuỗi giá trị ngành hoa lan Mokara cắt cành trên địa bàn huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 98 mẫu điều tra nông hộ trồng lan Mokara, 8 mẫu điều tra thương lái thu gom sản phẩm cành hoa, 8 mẫu điều tra tiểu thương kinh doanh hoa lan Mokara ở chợ đầu mối hoa Hồ Thị Kỷ. Nghiên cứu sử dụng phân tích thống kê mô tả (Descriptive Statistics) để đánh giá thực trạng sản xuất; phân tích SWOT để tìm ra các giải pháp nâng cao giá trị hoa lan Mokara. Kết quả nghiên cứu cho thấy, diện tích trồng lan Mokara cắt cành bình quân là 0,33 ha/hộ; lợi nhuận trung bình trên 0,33 ha là 231 triệu đồng/năm. Chuỗi giá trị có 5 chức năng cơ bản: chức năng đầu vào, sản xuất, thu gom, thương mại và tiêu dùng; có 5 chuỗi giá trị hoa lan Mokara, tương ứng với chuỗi giá trị có 4 kênh buôn bán chủ yếu. Trong đó, kênh buôn bán cho thương lái chiếm tỉ trọng cao (76,5%). Nguồn thông tin giá bán chủ yếu đến từ thương lái (73,5%). Có đến 55,1% nông hộ cho rằng thương lái quyết định giá mua; 32,7% là sự thỏa thuận giữa nông hộ và thương lái; còn lại nông hộ tự định giá chiếm 12,2%. Dựa trên kết quả phân tích chuỗi giá trị, tiến hành phân tích SWOT để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tác nhân tham gia chuỗi giá trị, từ đó đề xuất ra một số giải pháp nhằm mang lại hiệu quả trong sản xuất tương lai đối với cây hoa lan Mokara cắt cành trồng tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh hưởng của chế độ cạo nhịp độ thấp (d5, d6) đến năng suất mủ cao su, năng suất lao động và các chỉ tiêu sinh lý mủ trên dòng vô tính RRIV 106 tại Đồng Phú

Trương Văn Hải, Nguyễn Năng & Bùi Hoàng Anh Minh
Bản điện tử: 30 Oct 2020 | DOI: 10.52997/jad.3.05.2020
Tóm tắt | PDF (273.1K)

Tóm tắt

Sự thiếu hụt lao động cạo mủ đang trở thành một trong những khó khăn nhất với các Công ty sản xuất cao su thiên nhiên tại Việt Nam. Do đó, nghiên cứu này đã được thực hiện nhằm góp phần xác định chế độ cạo phù hợp trong điều kiện thiếu hụt lao động. Thí nghiệm được thực hiện trong 2 năm (2018 và 2019) trên dòng vô tính RRIV 106 tại Công ty cao su Đồng Phú thuộc tỉnh Bình Phước.  Kết quả cho thấy cây cao su ở các nghiệm thức cạo nhịp độ thấp (d5 và d6) có năng suất cá thể trên lần cạo (g/c/c) gia tăng so với nhịp độ d4. Trong đó, năng suất cá thể trên lần cạo của các nghiệm thức cạo nhịp độ d5 kết hợp sử dụng chất kích thích mủ ET 2,5% bôi 6 và 8 lần/năm (d5, ET.6/y; d5, ET.8/y) cho năng suất tăng 23 đến 27% và các nghiệm thức cạo nhịp độ d6 (d6, ET.8/y; d6, ET.10/y) tăng 45 đến 47% so với đối chứng (d4, ET.4/y). Năng suất lao động cạo mủ cũng gia tăng tương tự như năng suất cá thể trên lần cạo. Nhu cầu lao động cạo mủ giảm từ 20% ở nhịp độ cạo d5 đến 33% ở nhịp độ cạo d6 so với nhịp độ d4. Năng suất vườn cây (kg/ha/năm) của các chế độ cạo nhịp độ nhịp độ d5 và d6 đạt tương đương (98 đến 101%) so với đối chứng. Các chế độ cạo không tác động đến các chỉ tiêu sinh lý mủ, tỷ lệ khô mặt cạo và hàm lượng cao su khô (DRC, %).

Ảnh hưởng của Brassinosteroid lên sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và hoạt tính một số enzyme chống oxy hóa của giống lúa Jasmine 85 trong điều kiện mặn

Bùi Minh Trí, Phan Hải Văn & Nguyễn Du Sanh
Bản điện tử: 30 Oct 2020 | DOI: 10.52997/jad.4.05.2020
Tóm tắt | PDF (522.8K)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định ảnh hưởng của nồng độ Brassinosteroid (BRs) đến sinh trưởng, phát triển và năng suất trong điều kiện nhiễm mặn ở giai đoạn làm đòng. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với ba lần lặp lại và gồm có hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất gồm ba nồng độ xử lý mặn: (0‰, (đối chứng), 2‰, 4‰,) và yếu tố thứ hai gồm ba nồng độ BRs: 0 ppm (đối chứng), 2 ppm, 4 ppm. Trong điều kiện không xử lý mặn, cây lúa được phun BRs ở nồng độ 2 ppm có chiều dài rễ (33,39 cm), diện tích lá đòng (42,41 cm2), tỷ lệ hạt chắc (72,20%), trọng lượng 1000 hạt (28,14 g), năng suất (725,55 g/thùng) cao nhất. Khi xử lý mặn ở nồng độ 4‰, cây lúa được phun BRs ở nồng độ 2 ppm có hoạt độ enzyme APX và CAT cao nhất. Tóm lại, cây lúa được trồng ở điều kiện độ mặn cao thì sinh trưởng và năng suất giảm. Phun BRs giúp cải thiện các chỉ tiêu về sinh trưởng và năng suất của cây lúa trong điều kiện độ mặn cao.

Ảnh hưởng của nhiệt độ và thời gian biến tính nhiệt đến khối lượng thể tích và màu sắc của gỗ Thông ba lá (Pinus kesiya) và gỗ Bạch tùng (Dacrycarpus imbricatus)

Đặng Đình Bôi, Hoàng Văn Hòa & Hồ Thị Thuỳ Dung
Bản điện tử: 30 Oct 2020 | DOI: 10.52997/jad.5.05.2020
Tóm tắt | PDF (551.5K)

Tóm tắt

Gỗ Thông ba lá và Bạch tùng thí nghiệm được lấy từ rừng trồng miền Đông Nam Bộ, độ ẩm ban đầu khoảng 80 – 85%. Gỗ được gia công mẫu với quy cách dày x rộng x dài là 40 mm x (80 - 120) mm x 500 mm. Gỗ được đưa vào xử lý biến tính nhiệt với nhiệt độ từ 161oC đến 218oC và thời gian biến tính biến động từ 7,5 - 13 giờ. Kết quả nghiên cứu cho thấy khối lượng thể tích khô kiệt của gỗ Thông ba lá và gỗ Bạch tùng đều có xu hướng giảm khi được xử lý ở nhiệt độ cao và thời gian dài. Trong đó, khối lượng thể tích của gỗ Thông ba lá và Bạch tùng giảm trong khoảng lần lượt là 3,17 – 17,3% và 3,45 – 20,73% so với gỗ không xử lý. Trong quá trình biến tính nhiệt, dưới tác dụng của nhiệt độ cao đã làm cho gỗ Thông ba lá và Bạch tùng có màu sắc sẫm hơn.

Sử dụng chỉ thị SSR để đánh giá sự biến động di truyền của các mẫu giống mè (Sesamum indicum L.)

Bùi Cách Tuyến, Phạm Đức Toàn & Huỳnh Văn Biết
Bản điện tử: 30 Oct 2020 | DOI: 10.52997/jad.2.05.2020
Tóm tắt | PDF (420.7K)

Tóm tắt

Cây mè (Sesamum indicum L.) là cây hàng niên, thuộc họ Pedaliaceae, là cây có dầu lâu đời. Cây mè cũng được biết đến như là vua của các cây có dầu, vì hạt chứa hàm lượng dầu khá cao (50-60%). Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá sự biến thiên di truyền của các mẫu giống mè dựa trên chỉ thị sinh học phân tử SSR. Kết quả thể hiện hầu hết các mẫu giống mè có sự biến thiên di truyền giữa các cá thể trong cùng mẫu giống. Chỉ số PIC dao động từ 0,24 (TNB17) đến 0,37 (MT20), HO biến thiên từ 0,04 (MT30) tới 0,25 (GENE1), HE lớn nhất 0,37 (MT20) và nhỏ nhất 0,28 (TNB17). Kết quả cũng thể hiện sự đa hình di truyền cao giữa 7 mẫu giống mè trong nghiên cứu, khoảng cách đa dạng di truyền dao động từ 0,0 - 1,0. Cây phân nhóm chia các mẫu giống mè thành 5 nhóm khác nhau ở mức giá trị trung bình khoảng cách đa dạng di truyền 0,25. Kết quả nghiên cứu này là nguồn thông tin rất hữu ích trong công tác đánh giá di truyền và phát triển nguồn giống mè trong tương lai.

Đánh giá hàm lượng kim loại nặng và rủi ro sức khỏe cho người tiêu thụ cá Dìa tro (Siganus fuscescens Houttuyn, 1782) ở tỉnh Quảng Bình

Võ Văn Thiệp, Trần Thị Yên & Hoàng Anh Vũ
Bản điện tử: 30 Oct 2020 | DOI: 10.52997/jad.6.05.2020
Tóm tắt | PDF (413.7K)

Tóm tắt

Cá Dìa tro là một trong những loài cá phổ biến ở ven biển tỉnh Quảng Bình và được người dân ưu chuộng vì giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ chúng có thể gây ra những rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe vì chúng có thể tích lũy đáng kể các kim loại nặng trong các mô. Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2019, tổng cộng 50 cá thể cá Dìa tro đã được thu thập ngẫu nhiên thông qua các ngư dân và tại các chợ cá địa phương ở tỉnh Quảng Bình. Gan, mang và cơ đã được mổ xẻ và phân tích hàm lượng cadimi, chì, đồng, kẽm và sắt bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa và phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử hóa hơi lạnh áp dụng cho xác định hàm lượng thủy ngân, tại Viện Sinh học, trường Đại học Sư phạm Kracow, Ba Lan. Hàm lượng kim loại ở trong các mẫu nghiên cứu đều nhỏ hơn giới hạn quy định của Bộ Y tế Việt Nam. Nguy cơ rủi ro bị nhiễm các kim loại nặng đối với người tiêu thụ cá Dìa tro đã được đánh giá bằng ước tính lượng kim loại tiêu thụ hàng ngày (EDI), chỉ số nguy hại (THQ) và chỉ số nguy hiểm (HI). Tất cả các giá trị EDI đều dưới ngưỡng lượng ăn vào hàng ngày có thể chấp nhận được (PTDI) quy định bởi Bộ Y tế, đồng thời tất cả các giá trị THQ và HI ở nam và nữ giới đều không vượt quá 1. Kết quả cho thấy không có nguy cơ rủi ro đến sức khỏe khi tiêu thụ cá Dìa tro tại ven biển tỉnh Quảng Bình.

Ảnh hưởng của mật độ nuôi đến sinh trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả kinh tế của cá chẽm (Lates calcarifer) nuôi trong ao đất

Đinh Thế Nhân
Bản điện tử: 30 Oct 2020 | DOI: 10.52997/jad.8.05.2020
Tóm tắt | PDF (413.8K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này thử nghiệm đánh giá ảnh hưởng của các mật độ nuôi, từ 1 - 5 con/m2 lên tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả kinh tế của việc nuôi cá chẽm (Lates calcarifer) trong ao đất. Cá có chiều dài ban đầu 90,7 ± 0,1 mm và khối lượng 20,8 ± 0,1 g/con được bố trí trong các ao đất có diện tích 600 m2/ao, mực nước ao 1,5 m. Thí nghiệm gồm 3 nghiệm thức tương ứng với 3 mật độ nuôi khác nhau: 1, 3 và 5 con/m2. Cá được cho ăn thức ăn viên với hàm lượng đạm thô từ 43 – 44%. Định kỳ 1 tuần/lần thu mẫu nước để đo nhiệt độ, ôxy hòa tan, pH, độ mặn, độ trong và ammonia. Định kỳ 30 ngày/lần tiến hành thu mẫu cá, đo chiều dài và cân khối lượng để xác định tăng trưởng. Các chi phí được ghi nhận để tính toán hiệu quả kinh tế. Kết quả cho thấy các yếu tố môi trường thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cá chẽm. Chiều dài và khối lượng trung bình của cá khi thu hoạch ở mật độ 1 con/m2 là cao hơn so với 3 và 5 con/m2 (P < 0,05). Tuy nhiên, mật độ nuôi không ảnh hưởng rõ rệt đến các chỉ tiêu sinh trưởng như tăng trưởng theo ngày về chiều dài và khối lượng, cũng như tỷ lệ sống và hệ số chuyển đổi thức ăn. Cá được nuôi ở mật độ 3 và 5 con/m2 cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với mật độ 1 con/m2. Nghiệm thức 5 con/m2 thì cho lợi nhuận trên tính trên diện tích nuôi là cao nhất.

Đánh giá việc bổ sung khoáng hữu cơ lên tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn trong ương giống cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Võ Thị Thanh Bình, Lê Thanh Hùng & Hồ Khánh Duy
Bản điện tử: 30 Oct 2020 | DOI: 10.52997/jad.7.05.2020
Tóm tắt | PDF (339.2K)

Tóm tắt

Các loại vi khoáng như Zn, Se, Cu, Fe, Mn và Cr dưới dạng khoáng vô cơ (muối sulphate) hay khoáng hữu cơ (Methionine-khoáng) được bổ sung vào thức ăn để ương cá tra giống 15 ngày tuổi trong thời gian 8 tuần ương nuôi. Sau thí nghiệm, cá được gây cảm nhiễm bằng phương pháp ngâm với vi khuẩn Edwarsiella ictaluri và theo dõi tỉ lệ chết trong 14 ngày. Kết quả nghiên cứu ghi nhận sau 8 tuần, tỉ lệ sống của cá ở những nghiệm thức bổ sung khoáng hữu cơ cao hơn bổ sung khoáng vô cơ. Nghiệm thức 7 (bổ sung khoáng hữu cơ 60,00 mg/kg Zinc; 0,40 mg/kg Se và 0,40 mg/kg Cr) cho tỉ lệ sống cao nhất, tăng trọng lớn nhất và FCR thấp nhất và khác biệt có nghĩa so với nghiệm thức đối chứng bổ sung hoàn toàn khoáng vô cơ. Nghiệm thức 7 cũng có hệ số phân đàn thấp nhất, khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05) so với nghiệm thức đối chứng. Khi gây cảm nhiễm với vi khuẩn E. ictaluri, nghiệm thức đối chứng có tỉ lệ chết tích lũy cao nhất (67,86%), nghiệm thức 7 có tỉ lệ chết tích lũy thấp nhất (34,82%), và khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05) với các nghiệm thức khác. Các nghiệm thức bổ sung khoáng hữu cơ cho tỉ lệ chết tích lũy thấp hơn các nghiệm thức bổ sung khoáng vô cơ. Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung các loại khoáng hữu cơ như Zn, Se và Cr vào thức ăn giúp tăng tỉ lệ sống, tăng trưởng cá cao hơn, và tăng khả năng kháng bệnh với vi khuẩn E. ictaluri của cá tra giống (giai đoạn từ 15 đến 75 ngày tuổi).

Chọn lọc các dòng bông (Gossypium hirsutum L.) chuyển gen bar chống chịu thuốc

Bùi Minh Trí, Nguyễn Thị Nhã & Phan Thanh Kiếm
Bản điện tử: 30 Oct 2020 | DOI: 10.52997/jad.9.05.2020
Tóm tắt | PDF (461.9K)

Tóm tắt

Thử khả năng chống chịu thuốc diệt cỏ Basta ở nồng độ 0,6 kg ai./ha cho 116 dòng T1 chuyển gen bar thu được các dòng chống chịu. Đánh giá bằng kỹ thuật PCR, Southern blot và northern blot đã xác định được sự hiện diện, sự gắn kết và biểu hiện của gen chuyển trong genome cây chuyển gen. Chọn được 05 dòng B1, B6, B9, B18 và BF17 mang 1 bản sao, có hoạt động phiên mã của gen chuyển, cây sinh trưởng đồng đều và có mức độ chống chịu thuốc diệt cỏ glufosinate cao. Trong đó, 02 dòng bông chuyển gen T2 là B9 và BF17 mang 01 bản sao gen, di truyền gen chuyển theo quy luật Mendel, chống chịu cao với thuốc trừ cỏ Basta ở nồng độ 0,6 kg ai./ha, không sai khác về đặc điểm thực vật học và không sai khác về khả năng chống chịu bệnh hại so với giống bông nền Coker310 không chuyển gen.

Khảo sát đèn trang trí quán cà phê sân vườn khu vực quận Thủ Đức và đề xuất một số mẫu đèn mới cho sân vườn quán cà phê

Dương Thị Mỹ Tiên, Vương Thị Thủy, Nguyễn Văn Thao, Cầm Phương Nam, Nguyễn Thúy Hằng & Lê Ngọc Thảo
Bản điện tử: 30 Oct 2020 | DOI: 10.52997/jad.10.05.2020
Tóm tắt | PDF (1.8M)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 5/2019 tại 40 quán cà phê sân vườn ở quận Thủ Đức. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm khảo sát các loại đèn dùng trong trang trí sân vườn của quán cà phê. Nghiên cứu đã sử dụng bảng câu hỏi khảo sát các đặc tính của đèn và sau đó thông tin thu thập được phân tích và đánh giá để tạo ra các thiết kế chiếu sáng. Nhóm tác giả phân địa điểm khảo sát theo khu vực từng phường, theo các tuyến đường để điều tra và theo khu vực làng cà phê. Kết quả đã khảo sát được 40 quán cà phê, đa phần các quán cà phê sử dụng đèn Led, màu sắc đèn của ánh sáng đèn chủ yếu là vàng và trắng. Do đặc thù không gian nên đèn thả được ưu tiên hơn, đèn lắp chủ yếu ở lối đi và đèn không sử dụng chao đèn. Chúng tôi cũng thiết kế mới 5 mẫu đèn, áp dụng phương pháp chiếu sáng tập trung và nổi bật với cảm hứng thiết kế từ hình ảnh của thiên nhiên như lũy tre, nắng sớm, mặt nước và các vật dụng dân gian như nơm bắt cá. Tóm lại, kết quả nghiên cứu đóng góp vào việc cải tiến đèn trang trí cho các quán cà phê sân vườn hiện có ở quận Thủ Đức.