Ngày xuất bản: 2022-02-28

Đánh giá khả năng kiểm soát tuyến trùng sưng rễ Meloidogyne incognita của dòng nấm Purpureocillium lilacinum 11BB

Trần Thị Kiều Oanh, Mai Thị Hạnh, Đoàn Thị Thanh Tuyền, Biện Thị Lan Thanh, & Nguyễn Vũ Phong
Bản điện tử: 28 Feb 2022 | DOI: 10.52997/jad.1.01.2022
Tóm tắt | pdf (1.5M)

Tóm tắt

Nấm ký sinh được đánh giá là tác nhân sinh học tiềm năng phòng trừ tuyến trùng hiệu quả. Từ 144 mẫu đất nông nghiệp thuộc huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai đã phân lập được 7 dòng nấm Purpureocillium lilacinum dựa vào hình thái và trình tự ITS. Sau 96 giờ nhân nuôi trên môi trường bổ sung casein, chitine, tween 20, 7 dòng nấm cho thấy có khả năng tạo protease, chitinase và lipase. Ở điều kiện phòng thí nghiệm, 2 dòng nấm 11BB và 11SN ký sinh 31 – 34% trứng và 58 – 62% túi trứng. Ở điều kiện nhà lưới, dòng nấm 11BB có khả năng làm giảm từ 79,0 - 80,3% số tuyến trùng tuổi 2 (J2) và 77,4 - 79,7% số trứng tuyến trùng trên cây cà chua so với đối chứng. Các kết quả thực nghiệm cho thấy dòng nấm 11BB có tiềm năng ứng dụng trong phòng trừ tuyến trùng sưng rễ.

Đánh giá tiềm năng di truyền của nguồn gen cây cao su có nguồn gốc từ bang Rondonia của Brazil đang bảo tồn ở Việt Nam

Vũ Văn Trường, Huỳnh Đức Định, Nguyễn Thị Thảo, Trần Thanh, Trần Đình Minh, Trần Bình An, Le Guen Vincent & Huỳnh Văn Biết
Bản điện tử: 28 Feb 2022 | DOI: 10.52997/jad.3.01.2022
Tóm tắt | PDF (465.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm đánh giá tiềm năng di truyền của nguồn gen cây cao su có nguồn gốc từ bang Rondonia của Brazil đang bảo tồn ở Việt Nam để sử dụng hiệu quả và bền vững. Dựa vào 15 chỉ thị SSRs đã xác định mức độ đa dạng di truyền cao ở tất cả các nhóm giống từ bang Rondonia (Brazil) được đưa vào đánh giá đặc tính nông học trên các thí nghiệm đồng ruộng, số allele trung bình (Na) đạt 12 - 12,9 allele và dị hợp tử kỳ vọng (He) đạt 0,77; biến lượng di truyền là do nội tại của các mẫu giống chiếm 74% trong tổng biến lượng. Bên cạnh đó, nguồn gen cây cao su hoang dại từ bang Rondonia (Brazil) có sinh trưởng khỏe nhưng biến thiên thấp (17%), trong khi năng suất mủ thấp nhưng biến thiên rất cao (90%). Số lượng mẫu giống xuất sắc nhất được chọn lọc không phụ thuộc vào số lượng mẫu của các nhóm giống; những mẫu giống vừa có sinh trưởng khỏe và năng suất mủ cao nhất tập trung ở ba nhóm giống RO/A/7, RO/C/9 và RO/JP/3; mẫu giống sinh trưởng khỏe cũng có ở nhóm giống RO/C/8.

Nghiên cứu chiết dầu và thu nhận đường từ bã cà phê

Hồ Mỹ Hạnh, Trần Lê Nhật Hạ, Trần Thị Thanh Trúc, Nguyễn Thị Vân Anh, & Trịnh Thị Phi Ly
Bản điện tử: 28 Feb 2022 | DOI: 10.52997/jad.4.01.2022
Tóm tắt | pdf (820.6K)

Tóm tắt

Mỗi năm có khoảng 6 triệu tấn bã cà phê thải ra môi trường. Bã cà phê chứa nhiều thành phần có giá trị như polysaccharide, protein và các hợp chất phenolic nhưng chưa được sử dụng hợp lý. Mục đích của nghiên cứu này là khai thác những sản phẩm có giá trị như dầu và đường có hoạt tính sinh học từ bã cà phê, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành công nghiệp cà phê đồng thời góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Dầu cà phê được chiết bằng bốn phương pháp khác nhau bao gồm ngâm chiết tĩnh, Soxhlet, sử dụng sóng siêu âm và chiết xuất có hỗ trợ vi sóng. Phần bã sau khi tách dầu sẽ tiếp tục được thủy phân bằng enzyme Cellulast và Viscozyme. Dịch thủy phân được phân tích thành phần đường đơn, hợp chất phenolic tổng số và đánh giá hoạt tính chống oxy hóa. Kết quả cho thấy, phương pháp sử dụng sóng siêu âm cho hàm lượng dầu cao nhất 9,64%; dầu cà phê có tỷ trọng 0,94 kg/L; chỉ số acid 7,80 mg KOH/g; chỉ số xà phòng hóa 16,33 mg KOH/g và chỉ số este 8,57 mg KOH/g. Hiệu suất thủy phân cao nhất khi xử lý bã cà phê với 2% Viscozyme sau 24 giờ. Dịch thủy phân bã cà phê chứa 2016,4 mg/L đường khử bao gồm 464,2 mg/L mannose; 947,1 mg/L glucose và 256,3 mg/L galactose; 401,7 mg/L phenolic tổng số và hoạt tính chống oxy hóa tương đương 564,3 mg/L vitamin C. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có thể thu nhận 96 kg dầu cà phê, 48 kg đường và 10 kg hợp chất phenolic từ 1 tấn bã cà phê khô.

Ảnh hưởng của NaOCl, môi trường và các chất điều hòa sinh trưởng đến nhân giống sắn KM140 sạch bệnh (Manihot esculenta Crantz) bằng phương pháp in vitro

Nguyễn Thị Thanh Duyên, Nguyễn Châu Niên, Dương Tấn Thành & Nguyễn Thị Mỵ
Bản điện tử: 28 Feb 2022 | DOI: 10.52997/jad.2.01.2022
Tóm tắt | pdf (1M)

Tóm tắt

Bệnh khảm lá sắn (CMD) là một trong những bệnh nguy hiểm đã gây thiệt hại nặng nề về năng suất và hàm lượng tinh bột sắn. Nhân giống in vitro từ nguồn giống sắn sạch bệnh là phương pháp tối ưu nhằm sản xuất ra cây giống sạch bệnh khảm lá. Trong nghiên cứu này, Natri hypoclorit (NaOCl), các loại môi trường nuôi cấy (MS, ½ MS và Knudson C) và chất điều hoà sinh trưởng (BA: Benzyl adenine, NAA: Naphthalene acetic acid, GA: Gibberellin) đã được sử dụng để xác định được nồng độ và thời gian phù hợp cho quá trình vào mẫu, nhân chồi và tạo rễ giống sắn KM140. Các chỉ tiêu về tỷ lệ mẫu sống, mẫu nhiễm, mẫu chết, số chồi, chiều cao chồi, số rễ và chiều dài rễ của cây sắn in vitro đã được đánh giá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khử trùng mẫu ở nồng độ 8% NaOCl và thời gian 5 phút đã cho tỷ lệ mẫu sống cao nhất (71,7%) ở 14 ngày sau cấy và mẫu sắn KM140 được cấy vào môi trường MS có bổ sung 1 mg/L BA cho số chồi (2,3 chồi), chiều cao chồi (10,3 mm) và số lá (4,2 lá/chồi) cao nhất ở thời điểm 50 ngày sau cấy. Môi trường MS bổ sung 0,07 mg/L NAA và 0,03 mg/L GA thích hợp cho việc ra rễ của cây sắn (19,8 rễ/cây tại 60 ngày sau cấy). Kết quả của nghiên cứu là cơ sở để hoàn thiện quy trình nhân giống sắn KM140 sạch bệnh theo phương pháp in vitro.

Nghiên cứu các thông số lên men và điều kiện bảo quản rượu vang chùm ruột (Phyllanthus acidus (L.) SKEELS)

Huỳnh Ngọc Thanh Tâm, Nguyễn Ngọc Phương Trang, Trần Thị Mai Thi, Nguyễn Thanh Thảo Nguyên & Lâm Thảo Nhi
Bản điện tử: 28 Feb 2022 | DOI: 10.52997/jad.5.01.2022
Tóm tắt | pdf (4.9M)

Tóm tắt

Nghiên cứu xác định các điều kiện ảnh hưởng đến quá trình lên men rượu vang chùm ruột (Phyllanthus acidus (L.) SKEELS) sử dụng dòng nấm men Saccharomyces cerevisiae. Sử dụng phần mềm Design Expert 7.0 để xác định các thông số tối ưu bao gồm pH, nồng độ chất khô hòa tan và mật số nấm men ban đầu. Kết quả cho thấy với pH 4,77, 24,79°Brix và mật số nấm men ban đầu là 8,08x106 tế bào/mL sẽ cho độ cồn cao nhất đạt 8,88 % v/v. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong hai chất là acid citric và acid ascorbic sử dụng với mục đích bảo vệ màu sắc rượu vang chùm ruột thì acid ascorbic (0,3%) tỏ ra ưu thế hơn cả. Nồng độ này acid ascorbic không chỉ duy trì được màu vàng bền và đẹp trong thời gian dài mà còn tăng mùi vị đặc trưng cho rượu vang. Quá trình làm trong có thể đạt được hiệu quả cao với nồng độ enzyme pectinase sử dụng 0,1-0,2%.

Đánh giá chất lượng phân ủ compost qua kiểm tra chỉ số nảy mầm, năng suất và hiệu quả sử dụng đạm trên cây cải xoong Nhật (Nasturtium officinale)

Nguyễn Thanh Bình, Trần Duy Toàn , Hà Anh Luân , Long Thị Ngân & Đoàn Xuân Nhật
Bản điện tử: 28 Feb 2022 | DOI: 10.52997/jad.7.01.2022
Tóm tắt | pdf (766.5K)

Tóm tắt

Mục tiêu nghiên cứu nhằm (i) kiểm tra độc tính của hai loại phân ủ compost, (ii) đánh giá chất lượng phân ủ dựa trên năng suất và hiệu quả sử dụng đạm trên cây cải xoong Nhật (Nasturtium officinale). Chỉ số nảy mầm (GI) của hạt giống đậu xanh (Vigna radiata L.) được sử dụng để đánh giá độc tính của các mẫu dịch trích compost (tỷ lệ 1:10, w/v) tại các thời điểm 0, 10, 20 và 30 ngày sau ủ (NSU). Thí nghiệm trồng cải xoong Nhật được bố trí theo kiểu khối đầy đủ ngẫu nhiên (RCBD) đơn yếu tố, năm nghiệm thức và ba lần lặp lại. Các nghiệm thức gồm: NT1 (Không bón), NT2 (100% phân bón hóa học NPK), NT3 (100% compost A), NT4 (100% compost B), và NT5 (100%  phân bón hữu cơ vi sinh). Các nghiệm thức từ NT2 - NT5 đều nhận được cùng một lượng bón đạm tổng số như nhau.Kết quả cho thấy ủ compost từ mô hình hiếu khí trong nghiên cứu trước đó giúp giảm độc tính của nguồn nguyên liệu thông qua cải thiện chỉ số GI từ 49% đến 58% - 90%. Tổng chất rắn hòa tan trong mẫu compost A và hàm lượng kim loại nặng trong mẫu compost B đều dưới ngưỡng cho phép nhưng có thể hạn chế sự phát triển của rễ. Hai loại phân ủ compost A và compost B trong thí nghiệm cho năng suất rau thu hoạch 1663,2 - 1762,2 kg/1000 m2 tương đương với phân bón hóa học nhưng thấp hơn (P < 0,01) so với phân hữu cơ vi sinh thương mại (2476,3 kg/1000 m2 ). Sau 25 ngày bón, cây trồng đã sử dụng hết ½ lượng N từ phân hóa học hoặc phân hữu cơ vi sinh, gấp đôi so với lượng N từ hai loại phân ủ compost.

Đánh giá khả năng kết hợp và ưu thế lai của sáu dòng khổ qua (Momordica charantia L.) tự phối đời S5

Nguyễn Châu Niên, Nguyễn Thị Thanh Duyên & Phạm Hồng Gấm
Bản điện tử: 28 Feb 2022 | DOI: 10.52997/jad.6.01.2022
Tóm tắt | pdf (992.9K)

Tóm tắt

Công tác nghiên cứu và sản xuất hạt giống khổ qua lai chưa được chú trọng tại Việt Nam. Nguyên nhân là do sản xuất hạt giống lai cần nhiều thời gian và thường gặp khó khăn trong việc tạo dòng tự phối, xác định khả năng kết hợp và ưu thế lai giữa các dòng. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 08 đến tháng 10 năm 2020 tại Thủ Đức, TP.HCM với mục tiêu xác định các dòng khổ qua tự phối có khả năng kết hợp và ưu thế lai cao. Thí nghiệm đơn yếu tố, được bố trí theo kiểu khối đầy đủ ngẫu nhiên gồm 22 nghiệm thức trong đó gồm sáu dòng khổ qua tự phối đời S5, 15 tổ hợp lai đơn và giống Vino Galatico - S2 (đối chứng), với 3 lần lặp lại. Kết quả cho thấy bảy tổ hợp lai gồm D9 x D8, A2 x D8, A3 x D8, A2 x D9, A4 x A2, A1 x A2 và A1 x A4 có các chỉ tiêu kích thước quả, trọng lượng quả và năng suất thực thu tương đương hoặc cao hơn giống đối chứng. Dòng D8 và D9 có ưu thế lai cao, có thể sử dụng làm bố hoặc, trong khi dòng A1 phù hợp làm bố và dòng A2 làm mẹ. Tổ hợp lai A1 x A2 cho khả năng kết hợp riêng cao ở chỉ tiêu tổng số quả/cây và năng suất thực thu, đồng thời ưu thế lai ở chỉ tiêu chiều dài quả, tổng số quả và năng suất thực thu cao hơn 10%.

Quan hệ giữa đa dạng loài và sinh khối của rừng lá rộng thường xanh ở miền Trung-Tây Nguyên

Phạm Thế Anh, Vũ Tiến Hưng, Cao Thị Thu Hiền, Hoàng Thị Dung, Vi Việt Đức, & Nguyễn Hồng Hải
Bản điện tử: 28 Feb 2022 | DOI: 10.52997/jad.8.01.2022
Tóm tắt | pdf (1.6M)

Tóm tắt

Tính đa dạng loài và sinh khối rừng biểu thị cho sự ổn định của hệ sinh thái rừng nói chung và hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh nói riêng. Nghiên cứu này được thực hiện trên ba vùng địa lý khác nhau của khu vực miền Trung-Tây Nguyên là Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Gia Lai. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu điều tra toàn bộ cây thân gỗ có đường kính nhỏ (D1.3 ≥ 2.5 cm) từ 03 ô nghiên cứu có kích thước 2 ha (100 x 200 m) để nghiên cứu mối quan hệ giữa đa dạng loài, đa dạng phát sinh loài và sinh khối trên mặt đất. Các chỉ số đa dạng loài, đa dạng phát sinh loài và sinh khối trên mặt đất được xử lý và so sánh thống kê. Kết quả cho thấy: (i) Có sự khác nhau rõ rệt về đa dạng loài giữa các ô nghiên cứu; (ii) Đa dạng phát sinh loài bao gồm cả dạng cụm và dạng đều ở các ô nghiên cứu; (iii) Tương quan giữa tính đa dạng loài và sinh khối trên mặt đất ở mức yếu tới mức vừa. Kết quả này cho thấy: (i) Các yếu tố môi trường sống đã ảnh hưởng đến tính đa dạng và đa dạng phát sinh loài của quần xã thực vật rừng được nghiên cứu; (ii) Cần có các nghiên cứu bổ sung theo hướng kết hợp các yếu tố môi trường sống như khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng với các giai đoạn diễn thế của rừng để tìm ra các mối tương quan giữa các yếu tố hữu sinh và vô sinh.