Ngày xuất bản: 2020-06-30

Tổng hợp và chuyển cấu trúc RNAi có khả năng bất hoạt gene tuyến trùng sưng rễ (Meloidogyne graminicola) vào cây lúa (Oryza sativa L.)

Nguyễn Vũ Phong, Nguyễn Thế Phương, Lê Thị Yến Nhi & Nguyễn Thị Ngọc Loan
Bản điện tử: 31 Aug 2020 | DOI: 10.52997/jad.5.04.2020
Tóm tắt | PDF (817.6K)

Tóm tắt

Các effector có vai trò quan trọng trong quá trình ký sinh của tuyến trùng gây hại thực vật. Phương pháp làm câm lặng các gene mã hóa effector đang được áp dụng để nghiên cứu chức năng và vai trò của effector tuyến trùng. Trong nghiên cứu này, gene Mgra16281 (ID: MK322955.1) mã hóa một effector chưa rõ chức năng được tạo dòng từ tuyến trùng Meloidogyne graminicola ký sinh cây lúa. Từ đó, cấu trúc microRNA nhân tạo có khả năng bất hoạt chuyên biệt gene này được tổng hợp nhờ vào precursor Osa-miR528 của cây lúa. Cấu trúc miRNA nhân tạo được gắn vào vector biểu hiện và chuyển vào cây lúa nhằm tìm hiểu vai trò của effector Mgra16281 thông qua con đường làm câm lặng gene bởi cây chủ (HIGS).

Phân tích thành phần hóa thực vật và xác định khả năng chống oxy hóa và kháng khuẩn của dịch chiết từ lá của cây khôi nhung (Ardisia silvestris Pitard)

Phùng Võ Cẩm Hồng, Huỳnh Văn Biết, Trương Quang Toản, Nguyễn Thị Thanh Nga & Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Bản điện tử: 31 Aug 2020 | DOI: 10.52997/jad.4.04.2020
Tóm tắt | PDF (348K)

Tóm tắt

Khảo sát sơ bộ thành phần hóa thực vật, định lượng một số hợp chất và xác định khả năng kháng khuẩn, khả năng kháng oxy hóa từ lá cây khôi nhung (Ardisia silvestris) đã được thực hiện. Các hợp chất của lá cây khôi nhung được ly trích với dung môi petroleum ether, ethylacetate, ethanol và nước bằng phương pháp ngâm dầm và đánh vi sóng. Khả năng chống oxy hoá của các dịch chiết lá cây khôi nhung được xác định bằng phương pháp DPPH. Khả năng kháng khuẩn Staphylococcu saureus, Samonella sp. và Escherichia coli của các cao chiết lá cây khôi nhung được xác định bằng phương pháp khuếch tán đĩa thạch. Các dung môi petroleum ether, ethyl acetate, ethanol và nước được dùng cho li trích. Kết quả cho thấy lá cây khôi nhung có chứa các hợp chất như tinh dầu, chất béo, alkaloid, flavonoid, coumarin, tanin, anthocyanoid, carotenoid, các acid hữu cơ, chất khử, proanthocyanidin, saponin và anthraquinon. Hàm lượng polyphenol có trong lá cây khôi nhung là 0,26% chất khô. Hàm lượng tanin của lá cây khôi là 8,80%. Hàm lượng Flavonoid của lá cây khôi nhung là 1,442 mg/g. Dịch chiết ethyl acetate và dịch chiết nước của lá cây khôi nhung có khả năng kháng oxy hóa, nhưng thấp hơn so với acid ascorbic lần lượt là 4,2 và 4,4 lần. Dịch chiết ethyl acetate của lá khôi nhung có hoạt tính oxy hóa cao nhất. Các dịch chiết ethyl acetate và dịch chiết ethanol thể hiện rõ tính kháng vi khuẩn thông qua đường kính vòng vô khuẩn, đối với vi khuẩn E.coli lần lượt từ 9,67 mm đến 20,67 mm và Salmonella sp. là 14,67 mm và 15,33 mm, tuy nhiên không thể hiện đối với vi khuẩn Staphylococus aureus.

Khả năng kháng khuẩn của tinh dầu đối với một số loại vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm

Tống Thị Ánh Ngọc, Nguyễn Cẩm Tú & Nguyễn Công Hà
Bản điện tử: 31 Aug 2020 | DOI: 10.52997/jad.8.04.2020
Tóm tắt | PDF (758.3K)

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm xác định khả năng kháng khuẩn của 7 loại tinh dầu: tinh dầu tần (Plectranthus amboinicus), quế (Cinnamon zeylanicum), sả (Cymbopogon citratus), hương nhu (Ocimum gratissium), bạc hà (Mentha arvensis), chúc (Citrus hystrix) và rau om (Limnophila aromatica) đối với 8 chủng vi khuẩn: Escherichia coli (ATCC 25922, E. coli 92E, E. coli 82E, E. coli 74E); S. typhimurium; P. aeruginosa; S. aureus và L. monocytogenes bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch. Kết quả nghiên cứu cho thấy vi khuẩn gram dương nhạy cảm với tinh dầu hơn so với vi khuẩn gram âm. Tinh dầu tần và quế có khả năng kháng tốt đối với 8 chủng vi khuẩn thử nghiệm. Đặc biệt, tinh dầu cũng có hoạt tính kháng khuẩn đối với các chủng vi khuẩn E. coli đa kháng với thuốc kháng sinh phân lập từ chuỗi chế biến cá Tra nên rất có tiềm năng ứng dụng thực tế. Đồng thời, nghiên cứu cũng xác định nồng độ ức chế tối thiểu MIC (Minimum Inhibitory Concentration) của tinh dầu lên các chủng vi khuẩn. Giá trị MIC của tinh dầu quế dao động từ 512-1024 μg/mL và tinh dầu tần dao động từ 1024-4096 μg/mL đối với các chủng vi khuẩn: E. coli ATCC 25922, S. typhimurium, S. aureus, L.  monocytogenes và P. aeruginosa. Nghiên cứu cung cấp một số thông tin hữu ích về khả năng kháng khuẩn của tinh dầu đối với một số loại vi khuẩn gây bệnh truyền qua thực phẩm và cũng cho thấy tiềm năng của tinh dầu tần và tinh dầu quế trong việc ứng dụng làm chất bảo quản thực phẩm.

Nghiên cứu lên men rượu thanh long ruột đỏ (Hylocereus polyrhizus)

Dương Thị Ngọc Diệp & Hoàng Quang Bình
Bản điện tử: 31 Aug 2020 | DOI: 10.52997/jad.7.04.2020
Tóm tắt | PDF (412.9K)

Tóm tắt

Thí nghiệm này đã được tiến hành nhằm xác định ảnh hưởng của hàm lượng natri metabisulfit, tỷ lệ phối trộn thịt quả và nước, hàm lượng tổng chất rắn hòa tan, tỷ lệ nấm men bổ sung và thời gian lên men đến quá trình lên men rượu thanh long ruột đỏ. Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các yếu tố khảo sát đều có ảnh hưởng đến lên men rượu thanh long. Thông số thích hợp cho lên men rượu thanh long là sử dụng dịch quả không thêm nước, hàm lượng natri metabisulfit bổ sung 80 ppm, hàm lượng tổng chất rắn hòa tan 22oBrix, tỷ lệ dịch nấm men bổ sung 5% và lên men trong 13 ngày.

Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng thủy phân sụn khớp chân gà với xúc tác enzyme Protamex

Bùi Viết Cường, Nguyễn Thị Kim Chi & Bùi Xuân Đông
Bản điện tử: 31 Aug 2020 | DOI: 10.52997/jad.9.04.2020
Tóm tắt | PDF (360.8K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này được tiến hành với mục đích thủy phân sụn khớp chân gà với xúc tác enzyme Protamex nhằm thu axit amin. Thành phần hóa học của sụn khớp chân gà được phân tích, kết quả phân tích cho thấy hai thành phần chính trong chất khô của sụn khớp chân gà là lipid (19,72 ± 0,05%) và protein (13,34 ± 0,08%). Các yếu tố chính ảnh hưởng đến phản ứng thủy phân sụn khớp chân gà với xúc tác enzyme Protamex được lựa chọn để khảo sát: Nhiệt độ phản ứng (°C), pH môi trường phản ứng, tỉ lệ enzyme (%, dựa trên cơ chất), thời gian phản ứng (phút) và tỉ lệ thể tích môi trường phản ứng (v/v). Phân tích sự khác biệt có ý nghĩa được tiến hành với phương pháp ANOVA One-Way nhằm lựa chọn điều kiện tốt nhất cho phản ứng thủy phân. Hiệu suất thủy phân và hiệu suất thu nhận axit amin đạt giá trị lớn nhất lần lượt là 22,93 ± 4,01% và 30,25 ± 1,86% khi nhiệt độ phản ứng; pH môi trường phản ứng; tỉ lệ enzyme; thời gian phản ứng và tỉ lệ thể tích môi trường phản ứng thích hợp lần lượt là 40°C; 4; 0,52%; 40 phút và 1/18 (v/v).

Vi bọc dầu gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) trong hạt Ca-Alginate sản xuất từ thiết bị tia cắt

Trương Vĩnh, Tạ Ngọc Minh Phương & Nguyễn Thanh Phương
Bản điện tử: 31 Aug 2020 | DOI: 10.52997/jad.10.04.2020
Tóm tắt | PDF (666.3K)

Tóm tắt

Dầu gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) được vi bọc trong hạt Ca-Alginate bằng thiết bị tia cắt. Các thí nghiệm cho thấy cách chuẩn bị nhũ tương và các thông số thiết bị ảnh hưởng có ý nghĩa đến kích thước hạt, hiệu suất vi bọc, năng suất tải và hiệu suất thu hồi của thiết bị. Ở nồng độ 2.5% alginate, hạt có dạng cầu với kích thước 1,07 - 1,18 mm khi lưu lượng dịch 14 mL/p và tốc độ đĩa cắt 400 - 800 v/p. Mẫu trữ 2 giờ sau đồng hóa cho hiệu suất vi bọc (83 - 84%) và kích thước hạt (1,07 mm) tốt hơn mẫu trữ 24 giờ sau đồng hóa (79% và 1,18 mm). Khi tăng năng suất tải 20 - 40%, tỉ lệ mole (CaCl2-alginate) trong hạt vi bọc giảm từ 1,55 xuống 0,86. Số liệu tỉ lệ mole này có thể tham khảo để kiểm soát và điều chỉnh nồng độ CaCl2 trong quá trình hoạt động liên tục của thiết bị tia cắt.

Ứng dụng ảnh Landsat 8 đánh giá xâm nhập mặn các huyện ven biển thuộc tỉnh Bến Tre

Trần Văn Thịnh, Lê Ngọc Lãm & Lê Văn Trung
Bản điện tử: 31 Aug 2020 | DOI: 10.52997/jad.6.04.2020
Tóm tắt | PDF (553.8K)

Tóm tắt

Giám sát và đánh giá xâm nhập mặn là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Bài báo giới thiệu giải pháp mới trong ứng dụng ảnh vệ tinh Landsat 8 và dữ liệu điều tra thực địa để xác định độ dẫn điện của đất (electrical conductivity - EC) nhằm đánh giá nhiễm mặn trong đất thông qua sự phân bố của EC. Phân tích thiết lập sự tương quan giữa giá trị phản xạ và các chỉ số độ mặn với EC cho phép chọn mô hình phù hợp trong thành lập bản đồ độ mặn của đất theo 4 cấp độ tương ứng với giá trị EC: không nhiễm mặn (0 - 4), nhẹ (4 – 8) ,vừa (8 – 16), rất mặn (> 16). Kết quả nghiên cứu năm 2019 cho thấy hầu hết các huyện Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại đều bị nhiễm mặn với giá trị EC từ 8 – 16. Độ mặn giảm dần theo hướng từ biển đông vào đất liền với khoảng cách từ 15 đến 25 km. Tóm lại, nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp trong giám sát và đánh giá nhanh nhiễm mặn trong đất dựa trên khả năng truy cập dễ dàng của ảnh Landsat 8 để tính các chỉ số cần thiết trong thành lập bản đồ độ mặn đất cho cấp vùng và cấp khu vực.

Phân lập và xác định vi khuẩn lactic từ đất trồng rau tại Đà Lạt, Lâm Đồng

Nguyễn Vũ Phong, Biện Thị Lan Thanh, Lê Văn Vương, Phạm Thiên Hải, Đặng Thị Ngọc Mai & Nguyễn Thị Thảo Nguyên
Bản điện tử: 31 Aug 2020 | DOI: 10.52997/jad.1.04.2020
Tóm tắt | PDF (1.1M)

Tóm tắt

Vi khuẩn lactic (lactic acid bacteria, LAB) được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, có tác dụng trong việc cải tạo đất, kiểm soát sinh học, phòng trừ bệnh và kích thích tăng trưởng cây trồng. LAB đã được phân lập từ nhiều nguồn khác nhau như trên thực vật và các sản phẩm lên men chua truyền thống. Tuy nhiên, các nghiên cứu về LAB trong đất còn hạn chế. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân lập, tuyển chọn và định danh các chủng LAB có hoạt tính sinh học cao từ mẫu đất trồng rau có tiềm năng ứng dụng sản xuất chế phẩm sinh học góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững. Từ 33 mẫu đất trồng rau thu thập tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã phân lập được 25 chủng vi khuẩn lactic. Các chủng phân lập có khuẩn lạc nhỏ, tròn, lồi, màu trắng đục, bờ đều, tế bào hình que ngắn kết đôi hoặc xếp chuỗi, Gram dương, catalase âm tính. Dựa vào khả năng sinh acid lactic, đã chọn được 05 chủng LAB (kí hiệu DT2, CT3, CC2, XL7 và S2) có khả năng sinh acid mạnh với đường kính vòng phân giải CaCO3 trên đĩa thạch MRS từ 1,03 – 1,33 cm và sinh 11,8 – 14,3 mg/mL acid sau 2 ngày ủ ở 30oC. Tất cả các dòng LAB tuyển chọn có khả năng kháng Fusarium oxysporum ở mức độ 1 với tỉ lệ ức chế từ 10,66 – 19,96% và kháng Phytopthora sp. ở mức độ 3 với tỉ lệ ức chế từ 50,86 – 57,44% sau 3 ngày. Các dòng LAB không thể hiện tính kháng với E. coli và Staphylococcus aureus, nhưng kháng với Bacillus spizizenii và Salmonella typhi với đường kính vòng vô khuẩn lần lượt 3,33 – 4,90 mm và 2,43 – 3,37 mm sau 1 ngày ủ. Các dòng LAB tuyển chọn có trình tự 16S rRNA tương đồng 97 – 100% với Lactobacillus plantarum.

Ảnh hưởng của phân lân đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng dừa ở đầu giai đoạn kinh doanh trong điều kiện xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long

Lê Công Nông, Nguyễn Đức Xuân Chương, Nguyễn Đoàn Hữu Trí, Thái Nguyễn Quỳnh Thư & Lưu Quốc Thắng
Bản điện tử: 31 Aug 2020 | DOI: 10.52997/jad.3.04.2020
Tóm tắt | PDF (337K)

Tóm tắt

Cây dừa (Cocos nucifera L.) là một trong những cây trồng lấy dầu quan trọng ở các vùng nhiệt đới. Cây dừa có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện xâm nhập mặn. Tuy nhiên, nếu xâm nhập mặn cao và kéo dài, cây dừa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sinh trưởng chậm và cho năng suất kém. Vì thế, cung cấp cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cây dừa tăng khả năng chống chịu ở các điều kiện bất lợi, trong đó có xâm nhập mặn. Trong các loại dinh dưỡng đa lượng, lân giúp cho cây dừa ra rễ tốt và tăng trưởng số lá, kích thích ra hoa và tăng tỉ lệ đậu trái, qua đó cải thiện năng suất. Vì vậy, nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định số lần bón và liều lượng phân lân đến sinh trưởng, năng suất cây dừa và chất lượng trái dừa ở giai đoạn đầu kinh doanh trong điều kiện xâm nhập mặn. Hai thí nghiệm hai yếu tố được thực hiện tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, có độ mặn cao nhất vào mùa khô lần lượt là 13,8‰ và 6,3‰. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu lô phụ với 3 lần lặp lại. Yếu tố chính là số lần bón (2 và 4 lần/năm) và yếu tố phụ là liều lượng phân lân (30, 45, 60 và 75 kg P2O5/ha/năm). Kết quả cho thấy cây dừa sinh trưởng tốt nhất ở nghiệm thức bón 4 lần/năm với 60 kg P2O5/ha/năm, tương ứng với 0,3 kg P2O5/cây/năm. Cây dừa ở nghiệm thức này có số lá mọc thêm, tỉ lệ đậu trái, số trái/cây và năng suất cao hơn so với các nghiệm thức còn lại trong điều kiện xâm nhập mặn.

Ảnh hưởng của lượng đạm đến sinh trưởng và phát triển ba giống hoa cát tường (Eustoma grandiflorum (Raf.) Shinn) trồng chậu tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phạm Thị Thùy Dương, Phạm Hoàng Ánh Dương, Nguyễn Thị Kim Hương, Nguyễn Thị Liễu & Nguyễn Đức Bảo
Bản điện tử: 31 Aug 2020 | DOI: 10.52997/jad.2.04.2020
Tóm tắt | PDF (311.1K)

Tóm tắt

Cây hoa cát tường (Eustoma grandiflorum (Raf.) Shinn) được ưa chuộng trong trang trí bởi hoa bền đẹp và có màu sắc đa dạng. Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm đánh giá được ảnh hưởng của các lượng đạm khác nhau đến sinh trưởng và phát triển của ba giống hoa cát tường trồng chậu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu lô phụ với lượng đạm (3; 4; 5; 6 g/chậu) là yếu tố chính và giống (màu hồng, màu vàng, màu trắng viền tím) là yếu tố phụ. Cây hoa cát tường khi được bón lượng đạm 4 g/chậu cho kết quả tốt nhất về chiều cao cây (18,41 cm) và số lá (24,08 lá/cây) tại thời điểm 60 ngày sau trồng (NST). Giống hoa cát tường màu hồng có chiều cao cây trung bình (19,92 cm), số lá (43,53 lá/cây), số nụ (12,31 nụ/cây) cao nhất so với các giống khác trong thí nghiệm. Giống hoa cát tường màu hồng được bón lượng đạm 4 g/chậu cho kết quả tốt nhất về chiều cao cây (21,38 cm) tại thời điểm 60 NST.