Ngày xuất bản: 2019-04-29

Kháng kháng sinh của vi khuẩn E.coli phân lập từ tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thương mại trong một số chợ và siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và đánh giá khả năng lan truyền đặc tính kháng kháng sinh của vi khuẩn phân

Nguyễn Hoàng Nam Kha & Truyện Nhã Định Huệ
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.12.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm đánh giá tỷ lệ kháng kháng sinh trên 130 chủng vi khuẩn E. coli phân lập từ tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) thu mua tại ba (3) chợ, và hai (2) siêu thị tại khu vực TP.HCM. Kết quả kiểm tra kháng sinh đồ cho thấy các chủng E. coli phân lập được có tỷ lệ kháng cao với ampicillin, tetracyclines, nalidixic acid, trimethoprim/sulfamethoxazole và đặc biệt là chloramphenicol. Ngoài ra, 73,8% các chủng E. coli phân lập được kháng từ 4 đến 10 loại kháng sinh kiểm tra. Chỉ số đa kháng kháng sinh (MAR) tại các địa điểm thu mẫu dao động từ 0,4 đến 0,73 chỉ ra tôm bán tại các địa điểm này có thể được nuôi trong khu vực có tiếp xúc với kháng sinh. Kết quả đánh giá khả năng lan truyền cũng cho thấy đặc tính kháng kháng sinh trên vi khuẩn E. coli phân lập từ tôm thẻ có thể truyền sang vi khuẩn người.

Ảnh hưởng của pH nước lên khả năng nhạy cảm đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp Vibrio parahaemolyticus trên tôm thẻ (Litopenaeus vannamei)

Võ Văn Tuấn, Phan Thị Thanh Khuyên, Huỳnh Mỹ Huyền, Nguyễn Thị Ngọc Kiều & Nguyễn Trí Dũng
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.11.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu ảnh hưởng của pH nước lên khả năng nhạy cảm của tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei đối với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus được thực hiện trong điều kiện thực nghiệm. Tôm thẻ (2 - 3 g) được gây nhiễm bằng phương pháp ngâm 2 giờ với liều vi khuẩn gây nhiễm nhỏ hơn 10 lần liều LD50 của chủng vi khuẩn V. parahaemolyticus. Kết quả thí nghiệm cho thấy, tỷ lệ chết tích luỹ của tôm sau 240 giờ tăng dần theo mức tăng của pH (23,3 ± 5,8\%; 30,0 ± 20,0%; 86,7 ± 15,3% tương ứng với mức pH 6,3; 7,3 và 9,3). Tỷ lệ chết tích luỹ của tôm được giữ ở mức pH 8,3 là thấp nhất (20,0 ± 0,0%). Trong một thí nghiệm khác, hệ thống miễn dịch tự nhiên của tôm như tổng tế bào máu và hoạt tính của gốc oxy hoá tự do (respiratory burst) được đánh giá khi tôm được nuôi ở các mức pH khác nhau trong thời gian 0, 24, 48, 72 và 96 giờ. Kết quả ghi nhận, không có sự khác biệt về tổng tế bào máu ở các mức pH khác nhau (pH 6,3, pH 7,3, pH 8,3, pH 9,3) ở thời điểm 0 - 72 giờ. Ở thời điểm 96 giờ, tổng tế bào máu ở nghiệm thức pH (9,3) cao hơn đáng kể và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với tổng tế bào máu được ghi nhận ở nghiệm thức pH thấp (6,3; 7,3; 8,3). Hoạt tính của gốc oxy hoá tự do (respiratory burst) không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P > 0,05) ở các mức pH khác nhau ở thời điểm 0 giờ. Tuy nhiên, sau 24 và 48 giờ, hoạt tính của gốc oxy hóa tự do giảm đáng kể ở nghiệm thức pH thấp (pH 6,3 và 7,3) và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức pH cao (pH 8,3 và 9,3) (P < 0,05). Từ kết quả này có thể kết luận rằng sự biến động của pH nước đã làm suy giảm hệ miễn dịch trên tôm, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đề kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Ảnh hưởng của pH nước lên sinh lý máu và màu sắc của cá Chốt Bông (Pseudomystus siamensis Regan, 1913)

Võ Văn Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Trúc, Võ Thị Thanh Bình & Nguyễn Thị Hồng Duyên
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.10.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu ảnh hưởng của pH nước lên sinh lý máu và màu sắc của cá chốt bông (Pseudomystus siamensis) với trọng lượng từ 4 - 6 g/con được tiến hành trong điều kiện thực nghiệm. Thí nghiệm được thực hiện trong 8 tuần với các giá trị pH khác nhau (pH = 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11). Kết quả thí nghiệm cho thấy, tỷ lệ chết tích lũy của cá chốt bông sau 24 giờ cao nhất tại pH = 11 (100%), kế đến là pH = 10 (70,83%) và pH = 3 (62,5%). Ở các giá trị pH = 4, 5, 6, 7, 8, 9 không có hiện tượng cá chết sau 24 giờ. Ngưỡng pH thấp nhất và cao nhất gây chết 50% cá chốt bông trong 24 giờ là 3,04 và 9,95. Sau 24 giờ tiếp xúc, số lượng hồng cầu và bạch cầu tổng của cá tăng cao tại nghiệm thức pH = 3, 9 và 10, đạt cao nhất tại nghiệm thức pH = 3 (1,87 x106 tb/mm3 và 1,59 x 105 tb/mm3). Sau 8 tuần nuôi thì số lượng hồng cầu và bạch cầu tổng tăng cao nhất tại pH = 8 (2 ± 0,23 x 106 tb/mm3 và 1,27 ± 0,26 x 105 tb/mm3). Trong môi trường pH càng cao thì màu sắc cá càng sáng.

Bước đầu nghiên cứu tạo màng Polymer cố định vi khuẩn giải lân định hướng tạo phân bón tan chậm kết hợp vi sinh vật

Bùi Đoàn Phượng Linh, Huỳnh Thanh Hùng, Nguyễn Ngọc Hà & Lê Quang Luân
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.13.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Sự kết hợp giữa khả năng phóng thích chất dinh dưỡng chậm với hoạt động của vi sinh vật trong một sản phẩm phân bón là một giải pháp góp phần tăng hiệu suất sử dụng phân bón và hạn chế tác động của phân bón tới môi trường. Nghiên cứu nhằm xác định các thông số tối ưu cho quy trình tạo vi hạt cố định vi khuẩn có kích thước thích hợp và các tính chất cơ học của màng polyvinyl alcohol (PVA) và chitosan có chứa và không chứa các vi hạt cố định vi khuẩn phân giải lân nhằm tạo màng polymer trong sản xuất phân bón tan chậm kết hợp vi sinh vật. Kết quả cho thấy natri alginate có khối lượng phân tử 100 kDa ở nồng độ 1\% và calcium clorua 1% là thích hợp nhất để tạo vi hạt cố định vi khuẩn. Hoạt tính phân giải lân của vi khuẩn cố định trong vi hạt calcium alginate, cố định trong màng PVA và màng chitosan cũng được khảo sát với kết quả sau 72 giờ lần lượt là 84,2%, 82,2% và 52,9% so với vi khuẩn tự do. Đặc tính cơ lý của màng PVA có chứa vi hạt cố định vi khuẩn và không chứa vi hạt cố định vi khuẩn với các thông số modulus, độ giãn dài và độ bền lần lượt là 0,122 GPa, 115,1%, 17,65 MPa và 0,022 GPa, 220,8%, 18,70 MPa. Đặc tính cơ lý của màng chitosan có chứa vi hạt cố định vi khuẩn và không chứa vi hạt cố định vi khuẩn có thông số modulus, độ giãn dài và độ bền lần lượt là 0,6 MPa, 7,6%, 0,66 MPa và 0,842 GPa, 32,4%, 3,52 MPa.

Ảnh hưởng của điều kiện ngâm và ủ đến hàm lượng gamma - aminobutyric acid và polyphenol trong hạt đậu xanh nẩy mầm

Vũ Thùy Anh, Kha Chấn Tuyền & Phan Tại Huân
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.14.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Hạt đậu xanh nẩy mầm được biết đến như nguồn thực phẩm giàu các hợp chất sinh học như gamma aminobutyric acid và polyphenol. Nghiên cứu này thực hiện nhằm đánh giá tác động của điều kiện ngâm và ủ đến hàm lượng gamma - aminobutyric acid (GABA) và polyphenol trong mầm hạt đậu xanh. Kết quả đạt được điều kiện ngâm hạt ở 300C trong vòng 8 giờ cho hàm lượng GABA cao nhất (4,51 mg/g). Trong khi đó, hàm lượng polyphenol tổng cao nhất (1,25 mg GAE/g) đạt được khi ngâm ở 350C trong 8 giờ. Điều kiện ủ hạt ở 350C trong vòng 24 giờ cho thấy hàm lượng GABA và polyphenol đều đạt giá trị cao nhất, lần lượt tương ứng với 4,46 mg/g và 1,30 mg GAE/g.

Nghiên cứu sản xuất bột protein từ lòng trắng trứng vịt muối

Nguyễn Anh Trinh, Nguyễn Thị Phước Thủy & Nguyễn Thị Thanh Thảo
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.15.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm xác định thông số kỹ thuật cho qui trình sản xuất bột protein từ lòng trắng trứng vịt muối trên 2 giai đoạn chính là kết tủa protein từ lòng trắng trứng vịt muối và sấy tủa protein thu được. Nghiên cứu tối ưu hóa quá trình kết tủa và sấy được thực hiện theo phương pháp bề mặt đáp ứng với các yếu tố được khảo sát từ thí nghiệm. Trên cơ sở xác định các phạm vi của yếu tố nghiên cứu, tiến hành xây dựng phương trình hồi quy thực nghiệm, từ đó chọn ra các thông số tối ưu cho quá trình tủa protein và sấy. Kết quả nghiên cứu chế độ kết tủa protein tối ưu là tỉ lệ nước: lòng trắng trứng vịt muối (g/g) là 3,5/1, nhiệt độ 80oC, thời gian 60 phút cho hiệu suất thu hồi tủa là 9,63% và tỉ lệ muối tách ra là 19,61%. Kết quả nghiên cứu chế độ sấy tủa protein tối ưu có nhiệt độ sấy 75oC, mật độ nguyên liệu sấy 0,35 g/cm2 (tốc độ gió 0,64 m/s, thời gian sấy 4 giờ), sản phẩm có độ hòa tan là 11,05% độ ẩm: 8,19% và Aw là 0,476. Kết quả kiểm chứng giữa phương trình hồi quy xác định và thực nghiệm, cho thấy sự chênh lệch nhỏ (dưới 5%), vì thế mô hình có giá trị thực tiễn và có thể áp dụng trong thực tế sản xuất.

Đánh giá hoạt động hợp tác trồng bắp giống theo hình thức hợp đồng tại xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Trần Đức Luân, Võ Ngàn Thơ & Trần Thanh Giang
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.1.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Bài viết này sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, trên cơ sở phân tích thông tin đa chiều từ các bên liên quan đến hoạt động hợp tác sản xuất bắp giống theo hình thức hợp đồng tại xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Công ty TNHH Hạt Giống C.P Việt Nam hỗ trợ cho nông hộ hạt giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Nông hộ tham gia trồng bắp giống có thu nhập cao hơn đáng kể so với cây trồng khác. Trong hợp đồng canh tác, công ty có những điều khoản và ràng buộc để bảo vệ sản phẩm bắp giống độc quyền. Do đó, hầu hết nông hộ tuân thủ và không bán ra bên ngoài như họ thường thực hiện đối với các nông sản thương phẩm khác. Số liệu thống kê mô tả, dùng thang đo Likert, cho biết nông hộ đánh giá mức độ hài lòng khá cao khi hợp tác. Cuối cùng, nghiên cứu nhận thấy, một khi năng lực thị trường của công ty càng tốt thì quy mô hợp tác và tính bền vững của hoạt động trồng bắp giống với nông hộ xã Phước Tân càng đạt được.

Đánh giá mức độ sẵn lòng trả cho sử dụng nước sạch của người dân huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh

Lê Cảnh Dũng & Phạm Đức Tri
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.2.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm ước lượng mức sẵn lòng trả cho mỗi m3 nước sạch của hộ dân ở khu vực nông thôn huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh nơi sắp có nước sạch phục vụ sinh hoạt. Đồng thời nghiên cứu cũng xác định xác suất và các yếu tố ảnh hưởng đến mức sẵn lòng trả với một mức giá bằng hay cao hơn 6.500 đồng cho mỗi m3 nước sạch. Phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (Contingent valuation method) theo thể thức nhiều mức giá (bidding game) từ 5.000 đồng đến 9.000 đồng cho mỗi m3 nước sạch được sử dụng để phỏng vấn đối với 120 hộ dân ở huyện Càng Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, mức giá mà hộ dân sẵn lòng trả trung bình là 6.200 đồng cho mỗi m3 nước sạch. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 32% hộ dân sẵn lòng trả với mức giá 6.500 đồng hay cao hơn cho mỗi m3 nước sạch. Yếu tố thu nhập ảnh hưởng thuận chiều, trong khi quy mô nhân khẩu của hộ dân ảnh hưởng nghịch chiều đến mức sẵn lòng trả đối với mức giá 6.500 đồng hay cao hơn cho mỗi m3 nước sạch. Nghiên cứu này đề xuất nhà cung cấp xem xét gia tăng định mức lượng nước tối thiểu lên 10 m3/tháng thay vì chỉ 4 m3/tháng cho mỗi hộ gia đình tương ứng với mức giá tối thiểu 5.700 đồng cho mỗi m3 nước sạch sử dụng.

Các nhân tố ảnh hưởng đến việc chuyển mục đích sử dụng đất của nông hộ tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

Nguyễn Thị Ngọc Ánh & Tạ Thị Hiệp
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.3.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Bài báo mô tả các đặc điểm kinh tế xã hội và nhân khẩu học của các nông hộ, diện tích đất mà họ đang sử dụng và nghề nghiệp của các thành viên hộ tại huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng để xem xét mức độ tác động của các yếu tố về kinh tế xã hội này đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cơ sở cho việc phân tích này được thu thập bởi tác giả vào năm 2016 với kết quả khảo sát 340 mẫu nông hộ tại hai đơn vị hành chính là xã Dasar và thị trấn Lạc Dương huyện Lạc Dương. Bài báo sử dụng phương pháp hồi quy Probit để đo lường mức độ tác động của các biến độc lập lên xác suất nông hộ có chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Kết quả cho thấy, mặc dù bị hạn chế về diện tích sử dụng và thu nhập có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định thay đổi mục đích sử dụng đất của người dân, nhưng nông dân vẫn duy trì được các tiềm năng sản xuất khác nhau trên đất của họ. Thực trạng của huyện Lạc Dương có tác động đến những thay đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện tại huyện này hiện vẫn còn là vùng nông thôn chịu sự tác động mạnh từ việc đô thị hóa và có vị trí địa rất gần thành phố Đà Lạt mặc dù đất nông nghiệp còn nhiều. Hiện tại, huyện này chưa cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà chỉ cần áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến: nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, kết hợp du lịch nông nghiệp... là có thể tăng thu nhập bền vững cho các nông hộ. Các kết quả đưa ra ở đây dựa trên khảo sát thực tế và cần có những nghiên cứu thảo luận thêm.

Quản lý, khai thác và chia sẻ cơ sở dữ liệu địa chính tại Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp

Trương Đỗ Thùy Linh & Nguyễn Ngọc Thy
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.4.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Với vai trò là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng thành công cơ sở dữ liệu địa chính nên cơ sở dữ liệu của Quận 6, TP.HCM tồn tại khá nhiều hạn chế; đặc biệt là quy trình xây dựng, nội dung và cấu trúc dữ liệu chưa phù hợp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như không đồng bộ với cơ sở dữ liệu địa chính của các địa phương khác. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã khẳng định: đây là nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, khai thác và chia sẻ cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn. Nghiên cứu được tiếp cận theo hướng đi từ nhu cầu thực tế xã hội và đặc thù của địa phương trong công tác quản lý, khai thác và chia sẻ cơ sở dữ liệu địa chính. Từ đó, rút ra ưu - khuyết điểm và những vấn đề còn tồn tại, làm cơ sở để đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện công tác này cho Quận 6 nói riêng và TP.HCM nói chung. Kết quả đạt được giúp nâng cao hiệu quả của cơ sở dữ liệu địa chính trong quản lý đất đai và các lĩnh vực có liên quan, tiến đến hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính theo mô hình tập trung toàn thành phố, cũng như đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển chính quyền điện tử và hệ thống quản lý đất đai hiện đại tại TP.HCM.

Ảnh hưởng của vôi và mụn dừa đến sự hấp thu Cadimi trong cây đậu phộng (Arachis hypogaea L.) trồng trên đất phù sa không bồi tại An Phú – An Giang

Đỗ Trần Vĩnh Lộc & Nguyễn Văn Chương
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.6.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Ngày nay, ô nhiễm Cadimi (Cd) trong đất đã được cảnh báo rất nhiều huyện trong tỉnh An Giang. Nghiên cứu Ảnh hưởng của vôi và mụn dừa đến sự hấp thu Cadimi trong cây đậu phộng (Arachis hypogaea L.) trồng trên đất phù sa không bồi tại An Phú-An Giang đã được thực hiện với các mục tiêu: (i) đánh giá thực trạng hàm lượng Cd trong môi trường đất sử dụng trồng trọt tại huyện An Phú, tỉnh An Giang, (ii) ảnh hưởng của bón vôi và mụn dừa đến sự giảm hút thu Cd lên cây đậu phộng. Thí nghiệm đơn yếu tố được bố trí theo kiểu khối đầy đủ hoàn toàn ngẫu nhiên, 4 nghiệm thức và 4 lần lặp lại. Các nghiệm thức được xây dựng dựa vào lượng vôi và mụn dừa bón cho cây đậu phộng, cụ thể như sau: bón vôi (5 tấn/ha); bón mụn dừa (5 tấn/ha); bón kết hợp vôi (5 tấn/ha) với mụn dừa (5 tấn/ha); Đối chứng (không bón vôi, mụn dừa). Thí nghiệm được thực hiện ngoài đồng ruộng nằm trong đê bao. Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các mẫu đất nơi thí nghiệm trồng đậu phộng đều nhiễm Cd cao từ 235 µg/kgđến 240 µg/kg. Nghiệm thức bón kết hợp vôi (5 tấn/ha) với mụn dừa (5 tấn/ha) có hàm lượng Cd trong hạt và trong thân của đậu phộng thấp hơn nghiệm thức không có bón vôi và mụn dừa lần lượt là 34% và 19%. Hàm lượng Cd trung bình trong thân là 81,0 μg/kg, hạt là 27 μg/kg ở nghiệm thức bón vôi kết hợp mụn dừa thấp nhất so với các nghiệm thức còn lại. Từ đó có thể kết luận việc bón vôi kết hợp với mụn dừa cho thấy hiệu quả giảm sự hấp thu Cd lên cây đậu phộng tốt nhất và thấp nhất là trồng không bón vôi và mụn dừa.

Ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng và vị trí lấy HOM đến khả năng giâm HOM thân tre Tầm vông (Thyrsostachys siamensis Gamble) Nam Bộ

Mạc Văn Chăm, La Vĩnh Hải Hà & Giang Văn Thắng
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.9.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Bài báo này giới thiệu kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng (ĐHST) và vị trí lấy hom đến khả năng nảy chồi, số lượng chồi trên mỗi hom, đường kính chân măng, chiều cao măng, tỷ lệ ra rễ, số lượng rễ và chiều dài rễ trung bình trên mỗi hom khi giâm hom thân tre Tầm vông Nam Bộ. Trong nghiên cứu này, các chất điều hòa sinh trưởng được sử dụng là NAA, IBA và HVP. Hom thân đem giâm được lấy ở 3 vị trí: gần gốc (V1), giữa thân (V2) và gần ngọn (V3). Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần lặp lại, mỗi nghiệm thức của thí nghiệm có 36 hom. Kết quả cho thấy, khi xử lý NAA cho tỷ lệ nảy chồi (91,7%) và số lượng chồi trên mỗi hom (3,39 chồi/hom) là cao nhất. Các chất ĐHST ảnh hưởng không rõ rệt đến đường kính của chân măng nhưng ảnh hưởng rõ rệt đến chiều cao của măng. NAA là chất ĐHST cho tỷ lệ ra rễ (87,04%) và số lượng rễ trung bình (8,5 rễ/hom) lớn nhất. Vị trí lấy hom ảnh hưởng không rõ rệt đến tỷ lệ nảy chồi nhưng ảnh hưởng rất rõ rệt đến số lượng chồi trung bình trên mỗi hom thân tre Tầm vông Nam Bộ. Đường kính chân măng, chiều cao trung bình của măng, tỷ lệ ra rễ và chiều dài rễ trung bình của hom lấy ở vị trí giữa thân lớn hơn 2 vị trí còn lại. Bên cạnh đó, số lượng rễ trung bình cao nhất khi lấy hom ở vị trí gần gốc.

Thanh lọc giống lúa chịu hạn từ Ngân hàng giống của Trường Đại học Cần Thơ

Huỳnh Quang Tín, Ngô Vĩnh An, Nguyễn Hữu Lợi & Huỳnh Như Điền
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.8.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Khô hạn đã và đang là trở ngại đến sản xuất và và thất thu về sản lượng lúa ở Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc thanh lọc, đánh giá giống lúa chống chịu hạn là mục tiêu quan trọng của chương trình cải thiện giống lúa tại Trường Đại Học Cần Thơ (ĐHCT). Năm mươi hai giống lúa được sưu tập (gồm giống chuẩn kháng và chuẩn nhiễm) đã được thử nghiệm trong điều kiện hạn nhân tạo. Những giống lúa có khả năng chịu hạn khá được chọn để tiếp tục đánh giá liên kết gen kháng bằng kỹ thuật điện di với marker R223. Kết quả đánh giá sau 30 ngày xử lý hạn có 6 giống chịu hạn tốt, 8 giống chịu hạn trung bình, 36 giống chịu hạn kém và 2 giống chịu hạn kém. Sản phẩm PCR cho thấy 10 giống có biểu hiện băng tương đồng với giống đối chứng kháng. Tổng hợp các kết quả đánh giá, chúng tôi chọn 4 giống (LH8, MTL812 Lúa cánh và VB1) chịu hạn tốt để khuyến cáo sử dụng cho chương trình lai tạo giống lúa mới và ứng dụng trong canh tác lúa với kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ.

Ảnh hưởng của liều lượng phân đạm đến sinh trưởng và năng suất sả Java (Cymbopogon winterianus Jawitt) tại tỉnh Gia Lai

Phạm Thị Minh Tâm, Nguyễn Phạm Hồng Lan, Phạm Anh Cường, Huỳnh Quốc Hiệu, Đào Duy Hiệp, Nguyễn Duy Năng & Võ Thị Thu Oanh
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.7.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Cây sả Java được trồng phổ biến ở Việt Nam để sử dụng cho công nghiệp và dược liệu. Với sự gia tăng nhu cầu sả nguyên liệu, việc áp dụng phân bón đặc biệt phân đạm là một trong những biện pháp kỹ thuật để tăng sản lượng sả. Một thí nghiệm đơn yếu tố đã được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên, 3 lần lặp lại để tìm hiểu ảnh hưởng của liều lượng phân đạm bón đến sinh trưởng của cây, năng suất lá và năng suất tinh dầu của sả Java. Tám nghiệm thức bao gồm 0, 5, 30, 45, 60, 75, 90 kg N/ha và nghiệm thức đối chứng chỉ bón 2 tấn phân hữu cơ vi sinh Komix/ha. Nền phân chung cho các nghiệm thức từ 1 đến 7 (tính cho 1 ha) là 2 tấn phân hữu cơ vi sinh Komix, 60 kg P2O5 và 60 kg K2O. Kết quả cho thấy khi bón 90 kg N/ha cho cây sả sinh trưởng tốt, năng suất lá đạt cao nhất (12,02 tấn/ha/3 đợt) và năng suất tinh dầu đạt cao nhất (138,1 kg/ha/3 đợt).

Nhận dạng gene “fgr” quy định mùi thơm và đánh giá sơ bộ các đặc điểm nông học giống nếp dứa (Oryza sativa L.)

Nguyễn Thị Thu & Phạm Đức Toàn
Bản điện tử: 29 Apr 2019 | DOI: 10.52997/jad.5.02.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Cây lúa (Oryza sativa L.) là cây lương thực quan trọng nhất ở Việt Nam, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chọn lựa giống lúa có năng suất, chất lượng cao là cần thiết cho việc sản xuất lúa gạo ở Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu này là ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để nhận dạng gen quy định mùi thơm và đánh giá sơ bộ các tính trạng nông học của giống nếp dứa. Kết quả nghiên cứu cho thấy giống nếp dứa có mang gen quy định mùi thơm. Đoạn khuếch đại gene quy định mùi thơm thể hiện ở kích thước khoảng 255 bp với cặp primer ESP – IFAP. Tương tự, kết quả đánh giá các đặc tính nông học cho thấy giống nếp dứa có nhiều đặc tính mong muốn như chiều cao cây trung bình khoảng 108 cm, chiều dài bông khoảng 25,6 cm, số hạt trên bông là 135 hạt/bông, trọng lượng 100 hạt là 2,07 g, hạt gạo thơm, có độ trở hồ cấp 2, độ bền thể gel cao khoảng 93 mm, thuộc loại rất mềm. Kết quả này là những thông tin hữu ích góp phần vào việc cải tiến và cung cấp thêm giống nếp thơm trong sản xuất lúa.