Ngày xuất bản: 2018-10-26

Xác định Riemerella anatipestifer và Escherichia coli nghi ngờ gây hội chứng co giật và tiêu chảy trên vịt ở các cơ sở chăn nuôi ở Long An

Lê Thanh Hiền, Kha Ngọc Quân, Chu Minh Khương, Nguyễn Văn Cường, Lê Hữu Ngọc & Hồ Thị Kim Hoa
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.7.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Tại Long An và nhiều địa phương, vịt khoảng 3 đến 8 tuần tuổi thường mắc bệnh có biểu hiện tiêu chảy có hoặc không có màu xanh lá, chảy nước mắt và nước mũi, run đầu và cổ được cho là liên quan đến Riemerella anatipestifer và Escherichia coli. Nghiên cứu này được thực hiện như bước đầu tiên để tìm hiểu về nguyên nhân vi khuẩn có thể liên quan các triệu chứng bệnh kể trên. Các mẫu ngoáy hầu họng vịt khỏe và vịt có biểu hiện bệnh (70 mẫu) và 27 mẫu nước ao từ 27 trại vịt được thu thập để tìm vi khuẩn R. anatipestifer và E. coli bằng PCR. Hai quy trình PCR, 16S rDNA-PCR và gyrB-PCR, được dùng tìm R. anatipestifer, và PCR gene phoA dùng cho E. coli. Kết quả là R. anatipestifer đã được phát hiện trên cả vịt có và không có biểu hiện bệnh, và trong một số mẫu nước ao. Tuy nhiên, hai phản ứng PCR xác định R. anatipestifer cho kết quả khác nhau. Bên cạnh đó E.coli cũng pháthiện trên mẫu bệnh lẫn không bệnh và tất cả các nước ao. Các chủng này được lưu lại cho các bước tiếp theo trong việc xác định độc lực. Kết quả cho thấy tình trạng nhiễm trùng trên đàn vịt phức tạp, có vẻ còn có sự bội nhiễm nhiều vi khuẩn khác trên vịt, và chưa xác định được nguyên nhân nguyên phát.

Phân tách thành phần hoạt chất một số cây dược liệu bằng phương pháp sắc ký bản mỏng

Trần Thanh Tiến, Nguyễn Trần Thảo Nhân, Hà Thị Tiền, & Trần Thị Quỳnh Lan
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.8.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Phân tách và xác định một số hoạt chất có tác động dược học từ chiết xuất của một số cây dược liệu (chanh, sim và trà xanh) bằng kỹ thuật sắc ký bản mỏng (Thin Layer Chromatography, TLC) cho thấy hiệu suất khi thu hồi cao từ lá chanh, lá sim và lá trà xanh ở mức 1,5%, 5,62% và 10,4%. Hệ dung môi toluen: ethyl acetate (93:7) (v:v), phù hợp để phân tách các hoạt chất trong cao thô chiết xuất từ lá chanh và lá sim; hệ dung môi chloroform: ethyl acetate: acid formic (5:4:1) (v:v:v) phù hợp trong phân tách hoạt chất trong cao thô chiết xuất từ lá trà xanh. Ngoài ra, cô quay chân không có thể làm thay đổi số lượng các hoạt chất trong thành phần dịch chiết lá chanh. Sắc ký đồ của dịch chiết lá chanh, sim và trà xanh cho kết quả tương đương khi phát hiện trên bản mỏng sắc ký bằng buồng soi UV (λ = 254 nm) và thuốc thử 0,1 g vanillin trong 28 mL methanol: 1 mL sulfuric acid. Ba hoạt chất có đặc tính dược học bao gồm citral (chanh), rhdomyrtone (sim) và catechin hydrate (trà xanh) có trong thành phần tách chiết của 3 dược liệu có giới hạn phát hiện (LOD) ở mức 195 ng/vệt, 321,5 ng/vệt và 625 ng/vệt sắc ký đồ.

Định danh và xét nghiệm kháng sinh đồ vi khuẩn Haemophilus parasuis lưu hành trong trại chăn nuôi heo trên địa bàn một số tỉnh phía Nam Việt Nam

Lương Thị Xuân Quỳnh, Đỗ Thị Thùy Dương, Hoàng Thị Phượng & Đinh Xuân Phát
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.9.05.2018
Tóm tắt | PDF (373.6K)

Tóm tắt

Haemophilus parasuis (HPS) gây bệnh viêm đa thanh dịch với những biểu hiện viêm phổi, màng phổi, phúc mạc, xoang bao tim, khớp, và viêm màng não trên heo. Để đánh giá hiện trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn HPS trên các trại heo công nghiệp, 245 mẫu bệnh phẩm được thu thập nhằm phân lập HPS, định danh và xét nghiệm kháng sinh đồ. Tổng số 51/245 mẫu có khuẩn lạc nghi ngờ HPS (20,8%) và được định danh bằng phương pháp nhuộm gram, xét nghiệm sinh hóa kết hợp với phương pháp PCR với cặp mồi phát hiện gen mã hóa peptidase M1 có kích thước sản phẩm khuếch đại 275 bp. Kết quả khuẩn lạc trong 21 mẫu (8,6%) được xác định là HPS và được kiểm tra tính kháng đối với 09 loại kháng sinh thông dụng. Kết quả kháng sinh đồ cho thấy các HPS này đều có tính đa kháng. Số vi khuẩn kháng với 7 loại, 6 loại và 5 loại kháng sinh lần lượt là 33,33%, 28,6% và 23,8%. Trong đó, tỷ lệ đề kháng là cao nhất với tylosin (91%), tiếp đó là tilmicosin (81%), tulathromycin (62%), enrofloxacin (62%), lincomycin/spectinomycin (57%), amoxicillin (52%), florfenicol (48%); thấp nhất là ceftiofur (10%) và doxycycline (5%). Số liệu này cho thấy tình hình đề kháng kháng sinh ở vi khuẩn HPS trên heo là rất đáng quan tâm và cần sớm có biện pháp góp phần cải thiện tình trạng này.

Nghiên cứu quy trình nhân giống in vitro cây Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllium Thunb.)

Hồ Lê Diễm Trinh, Nguyễn Thị Tường Vi & Phan Thị Á Kim
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.11.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllium Thunb.) là một loại dược liệu quý trong y học cổ truyền Việt Nam. Nghiên cứu được tiến hành nhằm xây dựng quy trình nhân giống cây Giảo cổ lam với mục đích bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý này. Mẫu lá non và đốt thân cây giảo cổ lam in vitro được làm nguyên liệu cho các thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng đến sự nhân giống. Mẫu lá non được cắt và nuôi cấy trên môi trường MS (môi trường Murashige và Skoog) với TDZ (thidiazuron) từ 0,1 tới 1mg/L. Cụm chồi Giảo cổ lam được tạo thành cao nhất trên môi trường MS + TDZ 0,7 mg/L, với 74,67% mẫu cảm ứng với 12,89 chồi/mẫu sau 10 tuần nuôi cấy. Mẫu đốt thân được nuôi cấy trên môi trường MS với BA (6-benzyl adenine) từ 0,3 tới 1,5 mg/L và IBA (indole-3-butyric acid) 0,5 mg/L). Sau 6 tuần nuôi cấy trên môi trường MS + BA 1 mg/L + IBA 0,5 mg/L, 83,33% mẫu đoạn thân cảm ứng tạo cụm chồi với 7,39 chồi/mẫu. So sánh môi trường đốt thân với sự kết hợp BA (0,3-5 mg/L) và NAA (1-naphthaleneacetic acid) 0,2 mg/L sau 4 tuần nuôi cấy, hệ số nhân nhanh chồi tốt nhất đạt 3,67 lần trên môi trường MS + BA 1,5 mg/L + NAA 0,2 mg/L khi so với MS +BA 1,0 mg/L +IBA 0,5 mg/L. Môi trường thích hợp để cảm ứng tạo rễ là MS + 0,5 mg/L IBA với tỷ lệ chồi tạo rễ đạt 97,33%, số rễ trung bình đạt 5,29 rễ/chồi sau 4 tuần. Trên giá thể hữu cơ phối trộn 70% xơ dừa và 30% phân bò ủ hoai cho tỷ lệ cây sống cao đạt tới 91,33%, cây sinh trưởng và phát triển tốt trong giai đoạn vườn ươm.

Xác định hàm lượng malondialdehyde và glutathione trong gan chuột uống cao linh chi (Ganoderma lucidum (Curtis) P. Karst) kết hợp với bạc hà (Mentha avensis L.) và cỏ ngọt (Stevia rebaudiana Bertoni)

Trần Thị Lệ Minh & Nguyễn Thị Hằng Ly
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.10.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Stress oxy hóa đã và đang được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu vì nó là nhân tố làm gia tăng những căn bệnh như ung thư, tiểu đường,... thông qua sự sản sinh của các gốc tự do có hại đối với cơ thể. Nấm linh chi (Ganoderma lucidum (Curtis) P. Karst) luôn được xem là một vị thuốc quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh nhờ tác dụng của các polysaccharide và triterpenoid. Bên cạnh đó, cỏ ngọt (Stevia rebaudiana Bertoni) gần đây cũng được chứng minh rằng có hoạt tính chống oxy hoá và kháng viêm. Bạc hà (Mentha avensis L.) là một vị thuốc phổ biến. Hỗn hợp được phối trộn từ cao linh chi, bột cỏ ngọt và bạc hà có hoạt tính chống oxy hóa cao, theo phương pháp nghiên cứu in vitro về khả năng bắt gốc tự do 1,1-diphenyl-2- picrylhydrazyl (DPPH), đạt 85,7% ở nồng độ 1000 µg/mL và có giá trị IC50 là 559,7 µg/mL. Phương pháp nghiên cứu in vivo được thực hiện trên mô hình gây tổn thương gan bằng cyclophosphamide (CY) ở chuột nhắt trắng, khi xác định hàm lượng malondialdehyde (MDA) và glutathione (GSH) trong gan cho thấy hỗn hợp có hoạt tính chống oxy hóa theo hướng bảo vệ gan.

Nghiên cứu quy trình chế biến nước sơ ri lên men

Lê Thị Thanh & Kha Chấn Tuyền
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.15.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Đề tài đã nghiên cứu một số thông số kỹ thuật chính trong quy trình chế biến nước sơ ri lên men bao gồm giống sơ ri, độ chín của giống, bổ sung enzyme pectinex, nồng độ đường, điều kiện lên men và chế độ thanh trùng. Các thí nghiệm được thiết kế theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên một hoặc hai yếu tố, để xác định các yếu tố xử lý phù hợp nhất dựa trên các thông số đánh giá, bao gồm hàm lượng vitamin C, chất lượng cảm quan và tính chất hóa lý của nước quả. Nghiên cứu cho thấy giống sơ ri Brazil (Malpiphia emarginata DC) có hàm lượng vitamin C cao nhất (1567,9 mg/100 g), tiếp theo là giống sơ ri chua (Malpiphia glabra L.) (882,9 mg/100 g) và giống sơ ri ngọt (Malpiphia punicifolia L.) (630,4 mg/100 g). Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá cảm quan, sơ ri chua sau lên men có điểm tổng thể cao nhất, phù hợp cho quá trình chế biến. Nước lên men thu được từ giống sơ ri chua này ở độ chín 100% đạt điểm cảm quan và hàm lượng vitamin C cao nhất so với các mức độ chín khác. Để hỗ trợ làm trong dịch quả, tỷ lệ bổ sung enzyme pectinase (Pectinex ultra SPL, Novozymes) 0,15% có hiệu quả hơn so với với tỉ lệ 0,05% và 0,1%. Quá trình lên men ở nhiệt độ 15oC trong 48 giờ với nồng độ đường 22% và tỉ lệ men (Saf-instant, Pháp) bổ sung 0,1% cho nước lên men sơ ri có chất lương tốt chất. Sản phẩm sau lên men được thanh trùng ở 80oC trong 10 phút ức chế được quá trình lên men cũng như giữ được màu sắc, mùi vị cho sản phẩm nước sơ ri lên men. Sau 6 tháng bảo quản, chất lượng dinh dưỡng, cảm quan và vi sinh vật của sản phẩm thay đổi không đáng kể. 

Xây dựng bộ tiêu chí đo lường năng lực lao động bậc đại học cho khối doanh nghiệp

Trần Minh Trí, Hoàng Thế Vinh & Đặng Đức Huy
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.1.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Trong bối cảnh lao động bậc đại học thất nghiệp ngày càng tăng, trong khi nhu cầu từ phía doanh nghiệp vẫn hiện có, việc xây dựng bộ tiêu chí đo lường năng lực lao động bậc đại học là cần thiết để giúp các sinh viên trang bị tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng trong tương lai. Nghiên cứu này hướng đến việc đáp ứng yêu cầu trên. Nghiên cứu dựatrên kết quả nghiên cứu trên hai nhóm đối tượng khảo sát, gồm 30 nhà tuyển dụng và 300 sinh viên ở 5 trường đại học. Nghiên cứu chủ yếu sử dụng thống kê mô tả và kiểm định T-test bằng phần mềm Stata 12. Kết quả nghiên cứu đã chọn lọc được 15 tiêu chí đo lường năng lực quan trọng nhất trong 30 tiêu chí tổng hợp ban đầu. Phân tích trên 15 tiêu chí, kếtquả cho thấy có sự khác biệt trong cách nhìn nhận về tầm quan trọng của các tiêu chí giữa sinh viên và nhà tuyển dụng. Trong khi nhà tuyển dụng xem các tiêu chí kỹ năng và thái độ là quan trọng hơn, các sinh viên xem nặng tiêu chí kiến thức. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy sinh viên hiện chưa đáp ứng được những gì doanh nghiệp cần trên cả 15 tiêu chí.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tiêu dùng rau hữu cơ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Lê Thị Quí Chung
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.2.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

An toàn thực phẩm đang là vấn đề mà xã hội rất quan tâm, trong đó thị trường thực phẩm hữu cơ đang phát triển rất mạnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung. Nghiên cứu đã được thực hiện qua tiến hành điều tra phỏng vấn 372 người tiêu dùng đang sinh sống trên địa bàn thành phố với mục đích phân tích thực trạng tiêu dùng rau hữu cơ trên địa bàn nghiên cứu, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tiêu dùng rau hữu cơ và đưa ra giải pháp nhằm phát triển thị trường tiêu thụ rau hữu cơ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Phương pháp xử lý số liệu bao gồm đánh giá độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích nhân tố khẳng định CFA, kiểm định mô hình cấu trúc tuyến tính SEM. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 nhân tố chính ảnh hưởng đến ý định tiêu dùng rau hữu cơ đó là chuẩn chủ quan của người tiêu dùng về rau hữu cơ có ảnh hưởng cao nhất, tiếp đến là niềm tin của người tiêu dùng về rau hữu cơ, thái độ của người tiêu dùng về rau hữu cơ và cuối cùng là nhận thức về giá cả rau hữu cơ.

Điều chỉnh công thức đánh giá chất lượng nước mặt khu vực

Bùi Việt Hưng & Trần Minh Uyển Nhi
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.13.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Chỉ số chất lượng nước (WQI) được áp dụng rộng rãi cho đánh giá chất lượng nước (CLN) theo Quyết định số 879/QĐ-TCMT của bộ Tài nguyên Môi trường tại hầu hết các tỉnh thành. Trong quá trình áp dụng, chỉ số WQI đã bộc lộ nhiều bất cập như không phản ánh đúng thực trạng chất lượng nguồn nước, không phản ánh tính địa phương về kinh tế, xã hội và môi trường, và dễ bị sai lệch khi số liệu đưa vào tính toán có giá trị cao đột biến,... Để giải quyết các vấn đề trên, bài báo trình bày cách điều chỉnh công thức chỉ số CLN dựa trên các thành phần chất lượng của chỉ số WQI, cơ sở lý thuyết toán đánh giá toàn diện “mờ” với phương pháp xác định trọng số Entropy. Với bộ số liệu CLN và khảo sát thực trạng sử dụng nước mặt trên mạng sông kênh rạch chính khu vực Thành phố Vĩnh Long thu thập từ năm 2012 đến 2017, các bước tính toán các hệ số và tỷ trọng của các thành phần CLN mặt được xác định, qua đó điều chỉnh công thức chỉ số WQI.

Đánh giá hiệu quả hợp tác công - tư trong hoạt động quản lý chất thải rắn tại Thành phố Hồ Chí Minh

Hoàng Thị Mỹ Hương, Nguyễn Kim Huệ, Hoàng Bảo Phú & Lê Thị Quỳnh Châu
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.12.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện để đánh giả hiệu quả của hợp tác công – tư trong hoạt động quản lý chất thải rắn tại TP.HCM (sau đây gọi tắt là Thành phố) - nơi các dự án có thể được sử dụng làm mô hình thí điểm để các địa phương khác áp dụng. Nghiên cứu đã sử dụng Bộ tiêu chí đánh giá chính sách của OECD và trao đổi với các chuyên gia để đánh giá tình hình hợp tác công tư trong xử lý chất thải rắn tại thành phố. Kết quả cho thấy mô hình đã có những thành công nhất định trong việc đáp ứng các mục tiêu chính sách như giảm gánh nặng ngân sách đầu tư, giải quyết vấn đề ô nhiễm do rác thải với công nghệ áp dụng tiên tiến. Kết quả cũng nhận diện những tồn tại chủ yếu về mặt quy định cũng như năng lực thực hiện việc hợp tác giữa công- tư. Ngoài ra, đề tài tham khảo các mô hình hợp tác công tư trong xử lý chất thải rắn tại một số nước và đưa ra các giải pháp khuyến nghị cho Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện tại, cũng như các khuyến nghị tổng thể liên quan đến các văn bản pháp lý và nâng cao năng lực để có thể nhân rộng, phát triển cho các địa phương khác.

Ảnh hưởng của giá thể đến sinh trưởng và năng suất cây rau quế vị (Limnophila rugosa (Roth) Merr.) canh tác theo hướng hữu cơ

Phạm Thị Thùy Dương, Trần Văn Thịnh & Huỳnh Thanh Hùng
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.4.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra các giá thể hữu cơ phục vụ cho canh tác rau hữu cơ là một trong những phương thức hiệu quả và thân thiện góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các phế phụ phẩm gây ra. Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm xác định loại giá thể thích hợp để cây rau quế vị canh tác theo hướng hữu cơ sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Thí nghiệm đơn yếu tố được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên, bảy công thức và ba lần lặplại. Bảy công thức giá thể được xây dựng dựa vào tỷ lệ phối trộn giữa các vật liệu mụn dừa, phân trùn, tro trấu, vỏ trấu và vỏ đậu phộng. Kết quả thí nghiệm cho thấy cây quế vị được trồng trên giá thể 10% phân trùn + 60% mụn dừa + 30% vỏ đậu phộng cho các chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất đạt cao nhất. Cụ thể ở đợt thu hoạch thứ ba quế vị có số cành (24,3 cành/cây), chiều dài cành (14,9 cm/cành), số cặp lá trên cành (5,7 cặp lá/cành), chỉ số diệp lục tố trong lá (40,3 giá trị SPAD), trọng lượng tươi (70,6 g/cây), tổng năng suất lý thuyết (7.133,6 kg/1.000 m2), tổng năng suất thực thu (5.487,3 kg/1.000 m2) và tổng năng suất thương phẩm (4.891,8 kg/1.000 m2).

Ảnh hưởng của mật độ sạ và liều lượng phân đạm đến sinh trưởng và năng suất giống lúa MT10 tại Ninh Thuận

Phan Văn Tiêu, Lê Trọng Tình, Phạm Văn Phước, Phan Công Kiên, Võ Minh Thư, Nại Thanh Nhàn, Đỗ Tỵ, Phạm Quốc Tý & Nguyễn Thị Liễu
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.6.05.2018
Tóm tắt | PDF (288K)

Tóm tắt

Thí nghiệm xác định mật độ sạ và liều lượng phân đạm thích hợp cho giống lúa MT10 tại Ninh Thuận được thực hiện trong vụ Đông Xuân 2015/2016 và vụ Hè Thu 2016. Cả hai thí nghiệm được bố trí theo kiểu  khối đầy đủ ngẫu nhiên (RCBD); thí nghiệm mật độ sạ bố trí vụ Đông Xuân 2015/2016, gồm 4 mức mật độ 120, 160, 200 và 250 kg/ha; thí nghiệm phân đạm bố trí vụ Hè Thu 2016, gồm 4 mức 100, 120, 140 và 160 kg N/ha; các yếu tố phi thí nghiệm khác đồng nhất. Kết quả đã xác định được: trong điều kiện sản xuất giống MT10 tại Ninh Thuận, mật độ sạ thích hợp là 200 kg giống/ha và liều lượng phân bón đạm thích hợp là 140 N kg/ha.

Ảnh hưởng của loại và tỷ lệ vật liệu phối trộn, nồng độ chế phẩm effective microorganisms đến quá trình ủ phân yếm khí vỏ cà phê

Nguyen Thanh Duong & Phạm Thị Minh Tâm
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.5.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Sử dụng vỏ cà phê để ủ hiếu khí thành phân hữu cơ với chế phẩm Trichoderma hiện đang phổ biến ở Tây Nguyên, nhưng với thời gian ủ từ 3 đến 6 tháng và tốn nhiều công đảo trộn. Vì vậy, nghiên cứu để tìm ra được loại, tỷ lệ vật liệu phối trộn và nồng độ Chế phẩm effective microorganisms (EM) thích hợp đến quá trình ủ phân yếm khí vỏ cà phê để rút ngắn thời gian ủ là cần thiết. Nghiên cứu gồm hai thí nghiệm đều là các thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên 3 lần lặp lại. Thí nghiệm 1 với yếu tố A là loại vật liệu phối trộn với vỏ cà phê (A1: Phân chuồng (phân bò); A2: Rơm tươi; A3: Phế phẩm rau) và yếu tố B là tỉ lệ vật liệu phối trộn (B1: 0% (đối chứng); B2: 20%; B3: 30%). Thí nghiệm 2 với yếu tố A là loại vật liệu phối trộn, được phối trộn với tỉ lệ 30% (A1: không dùng vật liệu phối trộn (đối chứng); A2: rơm rạ tươi; A3: phân bò) và yếu tố B là nồng độ chế phẩm EM (B1: 0 mL/L (đối chứng: nước lã); B2: 10 mL/L; B3: 20 mL/L). Kết quả cho thấy 70% vỏ cà phê phối trộn với 30% phân bò kết hợp EM (20 mL/L) cho hàm lượng đạm tổng số trong sản phẩm compost cao nhất là 1,82%, tỉ lệ C/N là 22,68 với thời gian ủ rút ngắn chỉ còn 60 ngày.

Xác định lượng nước tưới phù hợp cho cây dưa leo (Cucumis sativus L.) trồng trên bốn loại giá thể

Phạm Hữu Nguyên, Huỳnh Thanh Hùng & Nguyen Tien Dung
Bản điện tử: 26 Oct 2018 | DOI: 10.52997/jad.3.05.2018
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Có rất nhiều giá thể được sử dụng trong canh tác không đất, nhưng mỗi loại giá thể có khả năng giữ nước và không khí khác nhau. Do vậy, việc nghiên cứu xác định lượng nước tưới dựa trên bốc thoát hơi nước (ETc) của cây phù hợp cho cây dưa leo trồng trên từng loại giá thể trong điều kiện môi trường nhất định để cây sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất cao và giảm chi phí đầu tư trong quá trình canh tác là điều cần thiết. Thí nghiệm đã được tiến hành tại Trại thực nghiệm Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh từ 06/2016 đến tháng 8/2016 với bốn lượng nước tưới và bốn loại giá thể, được bố trí theo kiểu lô phụ (Split - plot design) với ba lần lặp lại; Yếu tố lô chính là 4 lượng nước tưới (A) được tính theo bốc thoát hơi cây trồng (ETc): Tưới 60% ETc, tưới 80% ETc, tưới 100% ETc và tưới 120% ETc; Yếu tố lô phụ là 4 công thức giá thể (B) được phối trộn theo thể tích: 100% xơ dừa (XD), 50% XD + 50% vỏ đậu phộng (VĐP), 50% XD + 50% cát và 50% mùn cưa (MC) + 50% cát. Theo dõi các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây. Kết quả thí nghiệm cho thấy dưa leo được trồng trong giá thể 50% XD + 50% cát và tưới với lượng nước tưới 120% ETc (226 mL/cây/ngày giai đoạn 3 tuần sau trồng, 280 mL/cây/ngày giai đoạn 3 - 5 tuần sau trồng, 236 mL/cây/ngày giai đoạn sau 5 tuần trồng) có năng suất thực thu và năng suất thương phẩm cao nhất (7,50 kg/m2 và 7,48 kg/m2) và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất (71.738.746 đồng/1.000 m2, tỷ suất lợi nhuận đạt 1,77).