Ngày xuất bản: 2024-08-28

Thực trạng canh tác dừa tại tỉnh Tiền Giang, Việt Nam

Nguyễn Đoàn Hữu Trí, Nguyễn Thị Mai Phương, Thái Nguyễn Quỳnh Thư, Lưu Quốc Thắng, Phạm Phú Thịnh, Nguyễn Thị Kim Chi, Nguyễn Anh Thương & Trần Thị Hoàng Đông
Bản điện tử: 28 Aug 2024 | DOI: 10.52997/jad.4.02.2024
Tóm tắt | PDF (139.3K)

Tóm tắt

Dừa (Cocos nucifera L.) là một trong những cây trồng phổ biến tại tỉnh Tiền Giang với nhiều giá trị sử dụng trong thực phẩm và sản phẩm công nghiệp. Nghiên cứu đánh giá thực trạng canh tác dừa ở tỉnh Tiền Giang được thực hiện tại 3 huyện trồng dừa có diện tích lớn gồm huyện Chợ Gạo, Tân Phú Đông và Châu Thành. Tiến hành thu thập số liệu thứ cấp từ Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang và Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các huyện đồng thời khảo sát số liệu sơ cấp bằng phương pháp phỏng vấn có sự tham gia của 280 nông hộ. Kết quả cho thấy, diện tích trồng và thu hoạch dừa tăng mạnh từ năm 2015 đến 2022, quy mô trung bình từ 0,2 đến 0,8 ha/hộ, hình thức canh tác chủ yếu là chuyên canh với hai giống phổ biến gồm dừa lấy dầu và dừa uống nước. Giống dừa lấy dầu có độ tuổi trùng bình từ 10 đến 20 năm, thời gian ra hoa từ 3,5 đến 5,0 năm sau trồng và năng suất bình quân từ 31 đến 90 quả/cây/năm. Giống dừa uống nước có độ tuổi từ 1 đến 10 năm, thời gian ra hoa từ 2 đến 3 năm sau trồng và năng suất bình quân từ 51 đến 200 quả/cây/năm. Chi phí chăm sóc vườn dừa ở thời kỳ kinh doanh từ 10 đến 90 triệu đồng/ha/năm và lợi nhuận đem lại từ 30 đến 300 triệu đồng/ha/năm.

Khảo sát sự hiện diện của nấm cộng sinh rễ cây cà chua tại tỉnh Lâm Đồng và đánh giá khả năng cộng sinh với các cây trồng khác

Võ Thị Ngọc Hà, Phạm Kim Hiền & Huỳnh Thanh Hùng
Bản điện tử: 28 Aug 2024 | DOI: 10.52997/jad.4.01.2024
Tóm tắt | PDF (1M)

Tóm tắt

Sử dụng nấm rễ cộng sinh (AM) trong quản lý năng suất cây trồng và sức khỏe của đất là rất cần thiết nhằm đảm bảo bền vững hệ sinh thái nông nghiệp. Nghiên cứu này được thực hiện để khảo sát sự hiện diện và cấu trúc cộng sinh của AM trong đất vùng rễ cây cà chua tại khu vực Lâm Đồng, đồng thời đánh giá khả năng nhân nuôi của chi nấm phổ biến nhất Gigaspora và Rhizophagus irregularis trên cây bắp, lúa và cà chua. Kết quả ghi nhận cây cà chua tại khu vực Lâm Đồng đều có sự cộng sinh của VAM (vesicular arbuscular mycorrhiza) với tỉ lệ cộng sinh dao động trong khoảng từ 53,1 - 81,3%. Có ba dạng cấu trúc cộng sinh của VAM, trong đó cấu trúc dạng sợi và dạng túi xuất hiện nhiều nhất so với dạng bụi. Tần suất xuất hiện của chi Gigaspora chiếm ưu thế hơn cả với 63,4%, kế tiếp là chi Acaulospora (27,4%), chi Glomus (9,7%) và các bào tử thuộc các chi khác chưa định danh được (1,9%). Chi Gigaspora thể hiện khả năng cộng sinh tốt với rễ của cây bắp, cây cà chua và có tỷ lệ tăng sinh tốt nhất khi chủng 5 bào tử vào giá thể trồng cây bắp giai đoạn cây có 2 lá thật. Trong khi đó, Rhizophagus irregularis thể hiện khả năng cộng sinh kém với cả ba loại cây trồng.

Xác định loại đầu dò và tần số trong siêu âm tuyến sinh dục cá tra Pangasianodon hypophthalmus (Sauvage, 1878)

Nguyễn Phú Hòa, Nguyễn Thị Bích Vân, Trần Thanh Trọng, Bùi Ngọc Thúy Linh & Nguyễn Thị Thanh Hiền
Bản điện tử: 28 Aug 2024 | DOI: 10.52997/jad.4.03.2024
Tóm tắt | PDF (2.4M)

Tóm tắt

Kỹ thuật siêu âm chẩn đoán hình ảnh được sử dụng như một phương pháp không xâm lấn để xác định giới tính của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) trong quá trình sản xuất giống nhân tạo. Cá tra với nhiều kích cỡ khác nhau đã được kiểm tra tuyến sinh dục bằng máy siêu âm. Kết quả cho thấy đối với cá tra nhỏ hơn 3 kg, sử dụng đầu dò micro convex (tần số 5,0 MHz), đầu dò convex (tần số 3,5 - 5,0 MHz) và đầu dò linear (tần số 5,0 MHz) đều có thể sử dụng để khảo sát tuyến sinh dục ở vị trí mặt bụng cá. Siêu âm vị trí mặt bên cá chỉ nên sử dụng đầu dò convex và micro convex để khảo sát toàn diện cả 2 buồng trứng nhưng không xác định được buồng tinh của cá. Trường hợp cá tra lớn trên 3 kg, sử dụng đầu dò convex (tần số 3,5 - 5,0 MHz) và micro convex (tần số 5,0 MHz) cho hình ảnh siêu âm tốt nhất. Khi cá ở giai đoạn thành thục sinh dục, có thể phân biệt buồng trứng và buồng tinh trên hình ảnh siêu âm.

Khảo sát tình hình bệnh tiết niệu trên chó tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bùi Thị Hoàng Oanh, Phạm Hoàng Khang, Đinh Nguyên Khánh, Nguyễn Trí Thức & Nguyễn Thị Thương
Bản điện tử: 28 Aug 2024 | DOI: 10.52997/jad.4.05.2024
Tóm tắt | PDF (578.2K)

Tóm tắt

Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá tình trạng mắc bệnh đường tiết niệu trên chó, khảo sát các yếu tố liên quan và phương pháp điều trị tại TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2022. Các ca bệnh được ghi nhận thông qua điều tra bệnh sử, chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh. Trong tổng số 591 trường hợp khảo sát, có 87 ca bệnh liên quan đến đường tiết niệu, gồm 13 ca bệnh về thận và 74 ca bệnh về đường tiết niệu dưới. Các bệnh phổ biến là viêm bàng quang chiếm tỉ lệ cao nhất với 37 ca (42,53%), kế đến là sạn bàng quang với 29 ca (33,33%), 5 ca sạn thận (5,75%) và 5 ca polyp bàng quang (5,75%). Tỉ lệ chó cái mắc bệnh cao hơn so với chó đực (72,41% so với 27,59%). Không ghi nhận sự ảnh hưởng của giống chó đến tỉ lệ mắc bệnh tiết niệu, với tỉ lệ mắc bệnh trên chó ngoại và nội lần lượt là 68,97% và 31,03%. Nhóm tuổi phổ biến nhất từ 4 - 7 tuổi, chiếm khoảng 25%, trong khi nhóm chó dưới 1 năm tuổi chỉ chiếm 3,33%. Triệu chứng lâm sàng phổ biến nhất được ghi nhận là tiểu có máu (21 ca) chiếm 20,79%, đi tiểu nhiều lần (19 ca) chiếm 18,81% và bỏ ăn (18 ca) chiếm 17,82%. Có 68 ca điều trị bằng phương pháp nội khoa và 19 ca điều trị theo phương pháp kết hợp nội khoa và ngoại khoa. Một số chỉ tiêu xét nghiệm máu có sự thay đổi liên quan đến bệnh được ghi nhận gồm creatinine (1,63 mg/dL), urea nitrogen huyết (47,55 mg/dL), aspartate transaminase (150,60 U/L) và alanine aminotransferase (115,80 U/L). Chỉ số creatine kinase tăng cao (617,30 U/L) cho thấy chó mắc bệnh đường tiết niệu có ảnh hưởng đến cơ và tim. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh được áp dụng nhiều nhất trong bệnh tiết niệu trên chó là siêu âm và X-quang.

Nghiên cứu nuôi vỗ béo cua gạch (Scylla paramosain) trên bể với các độ mặn khác nhau

Nguyễn Việt Bắc, Cao Bích Tuyền & Lê Hoàng Vũ
Bản điện tử: 28 Aug 2024 | DOI: 10.52997/jad.4.04.2024
Tóm tắt | PDF (371.9K)

Tóm tắt

Cua biển (Scylla paramamosain) là một trong những đối tượng quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Thí nghiệm được thực hiện tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau nhằm xây dựng quy trình nuôi cua gạch trên hệ thống bể tuần hoàn và đa dạng hóa mô hình nuôi thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong thí nghiệm này, cua được nuôi với các độ mặn khác nhau: 5, 15, 25 và 35‰ được thử nghiệm với ba lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức (NT). Cua cái có gạch non được nuôi với mật độ 20 con/m2 trong các bể 200 L kết nối với hệ thống lọc sinh học và cho ăn bằng cá tạp (3% trọng lượng cơ thể, 3 lần mỗi ngày). Sau 33 ngày nuôi, kết quả cho thấy tỷ lệ sống của cua đạt gạch ở các NT 5, 15, 25 và 35‰ lần lượt là 54,3%, 64,8%, 95,8% và 91,5%. Tốc độ tăng trưởng theo ngày và tăng trưởng đặc biệt giữa các NT lần lượt là 0,51 - 0,60 g/ngày và 0,17 - 0,20 %/ngày. Tuy nhiên, khác biệt không có ý nghĩa giữa các NT (P > 0,05). Khối lượng gạch (dao động từ 19,33 đến 28,67 g) và tỷ lệ khối lượng gạch trên gan tụy (từ 147,22 đến 220,24%) của cua trong các NT cao hơn so với ban đầu, nhưng khác biệt không ý nghĩa (P > 0,05) giữa các NT. Nhìn chung, nghiên cứu này cho thấy nuôi cua gạch ở độ mặn 25‰ cho lợi nhuận tốt nhất. Kết quả này góp phần cải tiến kỹ thuật và có thể ứng dụng vào thực tiễn nuôi cua gạch. 

Đánh giá và phân vùng rủi ro thiệt hại kinh tế do ngập tại thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2022

Bùi Việt Hưng & Nguyễn Trần An
Bản điện tử: 28 May 2024 | DOI: 10.52997/jad.4.06.2024
Tóm tắt | PDF (618.5K)

Tóm tắt

Thành phố Thủ Đức (TPTĐ) trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 2020. Trên cơ sở sáp nhập 3 quận (quận Thủ Đức, Quận 2 và Quận 9) trước kia, TPTĐ vẫn đối mặt với tình hình ngập lụt đô thị trên diện rộng do cả mưa và thủy triều gây ra. Tác động của ngập lụt đô thị gây nhiều tác động bất lợi cho người dân sinh sống trên địa bàn. Với việc lập phiếu điều tra ngập (7 thông số) và thiệt hại (17 thông số) trực tiếp và gián tiếp, đề tài khảo sát và đánh giá thiệt hại kinh tế của người dân sinh sống trên địa bàn TPTĐ cho giai đoạn 2021 - 2022 được thực hiện. Kết quả đề tài cho thấy các phân bố ngập, mức độ thiệt hại và mức độ rủi ro thiệt hại do ngập tập trung nhiều vào các khu dân cư đông đúc và khu vực ven sông. Qua đó, nghiên cứu đã góp phần vào bộ số liệu và kết quả đánh giá thiệt hại do ngập lụt cho các cơ quan quản lý TPTĐ.