Ngày xuất bản: 2022-10-31

Khảo sát tình trạng bệnh lý bàng quang trên mèo tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Hồ Văn Quân, Đặng Văn Minh, Nguyễn Quang Vinh, & Nguyễn Thị Thương
Bản điện tử: 31 Oct 2022 | DOI: 10.52997/jad.4.05.2022
Tóm tắt | pdf (684.8K)

Tóm tắt

Mục tiêu nghiên cứu là đánh giá tình trạng bệnh lý bàng quang trên mèo tại TP. Hồ Chí Minh và khảo sát các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa máu trên mèo mắc các bệnh lý bàng quang. Đề tài được thực hiện từ tháng 11 năm 2021 đến tháng 7 năm 2022. Tổng số 164 ca có triệu chứng bệnh lý trên bàng quang khảo sát tại 3 Bệnh viện Thú y. Kết quả cho thấy tình trạng bệnh lý bàng quang trên mèo có tỉ lệ cao trên mèo đực 81,71% (mèo cái 19,29%), giống nội 63,41% (giống ngoại 35,59%), mèo đã triệt sản 64,02% (mèo chưa triệt sản 35,98%), chế độ ăn chỉ cho ăn thức ăn công nghiệp 61,59% (chế độ ăn hỗn hợp 38,41%) và nuôi thả rong 54,88% (nuôi nhốt 45,12%). Tỉ lệ mèo mắc bệnh theo các nhóm tuổi (< 2 tuổi, 2-5 tuổi, > 5 tuổi) ở các chỉ tiêu khảo sát triệt sản, áp dụng phương pháp điều trị can thiệp có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05). Phương pháp chẩn đoán X-quang hiệu quả trong các bệnh lý bàng quang. Các chỉ tiêu sinh lý và sinh hóa máu đặc trưng liên quan trên mèo mắc các bệnh lý bàng quang gồm tăng chỉ số bạch cầu (29,06 K/µL), tăng tế bào bạch cầu đơn nhân (4,62 K/µL), tăng hemoglobin (27,86 g/dL), giảm tiểu cầu (36,16 K/µL), tăng aspartate transaminase (73,42 U/L), tăng creatinine (298,53 µmol/L), tăng ure nitrogen máu (20,57 µmol/L). Đây là các chỉ tiêu góp phần quan trọng trong đánh giá tình trạng suy giảm chức năng gan, thận trong bệnh lý bàng quang trên mèo.

Phân lập, cố định vi khuẩn có khả năng phân giải lân vô cơ khó tan và chịu mặn tạo phân bón vô cơ tan chậm kết hợp vi sinh vật

Bùi Đoàn Phương Linh, Huỳnh Thanh Hùng & Nguyễn Ngọc Hà
Bản điện tử: 31 Oct 2022 | DOI: 10.52997/jad.5.05.2022
Tóm tắt | pdf (689K)

Tóm tắt

Khả năng thích nghi của vi sinh vật với môi trường muối cao là một trong các yếu tố thuận lợi để đảm bảo khả năng sống của vi sinh vật khi kết hợp với phân hóa học. Mục tiêu của nghiên cứu này là phân lập, tuyển chọn chủng vi khuẩn có khả năng phân giải lân và chịu mặn nhằm tạo phân bón vô cơ tan chậm kết hợp vi sinh vật. Hai mươi lăm chủng vi khuẩn có khả năng phân giải lân được phân lập từ các mẫu đất thu thập ở Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An trên môi trường Pikovskaya (PVK), trong đó có ba chủng vi khuẩn có khả năng chịu mặn. Trên môi trường PVK bổ sung 3% và 4% NaCl chỉ có chủng vi khuẩn PSM54 xuất hiện vòng phân giải. Kết quả định danh dựa vào trình tự 16S-rRNA cho thấy chủng PSM54 tương đồng 99,9% với Bacillus velezensis. Phân tan chậm được tạo ra nhờ lớp vỏ bọc là các polymer phân hủy sinh học có bổ sung chủng vi khuẩn PSM54 thỏa mãn tiêu chuẩn về phân tan chậm theo quy định của AAPFCO (Association of American Plant Food Control Officials), (1997). Kết quả khảo sát cho thấy sau 60 ngày được cố định trong màng bao, chủng vi khuẩn PSM54 vẫn sống và mật số vi khuẩn trên màng bao đạt 88,3% so với mậtsố ban đầu. 

Xuất khẩu nông sản, năng lực logistics, và chất lượng thể chế: Nghiên cứu trường hợp của Việt Nam

Lê Đức Nhã
Bản điện tử: 31 Oct 2022 | DOI: 10.52997/jad.1.05.2022
Tóm tắt | PDF (4.9M)

Tóm tắt

Xuất khẩu nông sản đã đóng góp đáng kể vào thành tựu của nền kinh tế Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, tương tự với các lĩnh vực xuất khẩu khác, xuất khẩu nông sản có nguy cơ đối mặt với hai thách thức và cũng là điểm nghẽn về năng lực logistics và chất lượng thể chế. Bài báo nhằm mục tiêu khám phá tác động của năng lực logistics và chất lượng thể chế đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam sang các thị trường chủ lực trong giai đoạn 2007-2018. Dữ liệu bảng được phân tích bằng phương pháp hồi quy tác động cố định (FE) và tác động ngẫu nhiên (RE). Kết quả nghiên cứu cho thấy xuất khẩu nông sản chịu tác động tích cực bởi tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người, sự tương đồng về quy mô nền kinh tế và chất lượng thể chế giữa các đối tác thương mại. Năng lực logistics có thể tác động làm giảm xuất khẩu nông sản trong ngắn hạn. Chất lượng thể chế cần được cải thiện với những nội dung thực chất, gắn cụ thể với ngành nông nghiệp và hạn chế tình trạng bất bình đẳng về thể chế giữa các địa phương và ngành trong nền kinh tế.

Điều tra các loài cây cảnh họ cau dừa đang được trồng tại một số loại công trình ở Thành phố Hồ Chí Minh và ứng dụng trong thiết kế cảnh quan

Phạm Thị Yến Nhi, Vũ Thị Miên, Dương Thị Bích Loan, Lương Ngọc Diểm, & Dương Thị Mỹ Tiên
Bản điện tử: 31 Oct 2022 | DOI: 10.52997/jad.6.05.2022
Tóm tắt | pdf (2.9M)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 04 năm 2022 tại một số công viên công cộng, khu dân cư trong đô thị, các tuyến đường lớn và các quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài được thực hiện bằng phương pháp điều tra với các phiếu khảo sát, chụp ảnh, thu mẫu, định danh bằng cách so sánh hình thái, tổng hợp, phân tích dữ liệu và ứng dụng thiết kế bằng các phần mềm thiết kế chuyên ngành cảnh quan. Đề tài đã điều tra và định danh được 23 loài thuộc 20 chi của họ Cau dừa (Arecaceae). Tại các công viên công cộng có 22/23 loài trong khi đó công viên khu dân cư có 17/23 loài, tại các quán cà phê có 8/23 loài, các tuyến đường phố có 4/23 loài. Cây họ cau dừa có thân mọc đơn độc có 16 loài (69,5%), cây có thân mọc cụm thành dạng bụi có 7 loài (30,5%); 16 loài có dạng lá kép lông chim (69,5%) và 7 loài có dạng lá xẻ thùy chân vịt (30,5%). Sử dụng các phần mềm Sketchup, Lumion và Photoshop để thiết kế các mẫu phối kết cây cảnh họ Cau dừa ứng dụng trong cảnh quan. 

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch sinh thái đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Nguyễn Ngọc Hòa, Đoàn Trung Hiếu, Lê Tấn Nghĩa, Trịnh Tiến Thành, Lê Quốc Tuấn, & Nguyễn Vũ Đức Thịnh
Bản điện tử: 31 Oct 2022 | DOI: 10.52997/jad.7.05.2022
Tóm tắt | pdf (962K)

Tóm tắt

Du lịch sinh thái đang là xu hướng phát triển của ngành du lịch. Xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong những năm gần đây của thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch sinh thái ở đảo Thạnh An. Qua kết quả phân tích nhân tố khám phá cho thấy có 6 nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch sinh thái tại đảo Thạnh An: (1) Chi phí dịch vụ, (2) Cơ sở vật chất – hạ tầng, (3) Con người, (4) An ninh trật tự, (5) Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, và (6) Cảnh quan du lịch. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái tại đảo Thạnh An đã được đề xuất.

Ảnh hưởng của liều lượng kali và phốt pho lên sự phát triển và năng suất đậu tương VNUAĐ2 tại Gia Lâm – Hà Nội

Vũ Thị Thúy Hằng & Vũ Ngọc Thắng
Bản điện tử: 31 Oct 2022 | DOI: 10.52997/jad.3.05.2022
Tóm tắt | pdf (318.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện để xác định ảnh hưởng của liều lượng kali và phốt pho đối với giống đậu tương VNUAĐ2. Thí nghiệm được bố trí trong vụ xuân 2021 và theo phương pháp ô lớn ô nhỏ (split – plot) với 3 lần lặp lại. Các mức bón kali bao gồm 0, 60, 80 và 100 kg/ha và các mức bón phốt pho gồm 0, 70, 90 và 110 kg/ha. Ảnh hưởng của các liều lượng bón được xác định qua đánh giá các đặc điểm sinh trưởng và phát triển (chiều cao cây, số lá, số đốt, số cành), chỉ số diện tích lá, số lượng và khối lượng nốt sần, các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất. Kết quả cho thấy bón phốt phophốt pho và kali cho cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với khi không bón ở tất cả các đặc điểm; như khi bón phốt pho, chiều cao cây trung bình dao động từ 47,4 - 50,5 cm, số cành từ 2,2 - 2,6, số nốt sần thời kì hoa rộ từ 51,2 - 56,3 và năng suất dao động từ 1,77 - 1,81 tấn/ha so với khi không bón tương ứng có chiều cao cây 46,1 cm, số cành 2,0, số nốt sần 48,1 và năn suất 1,74 tấn/ha. Các mức bón khác nhau ảnh hưởng đến đặc điểm sinh trưởng, phát triển của giống VNUAĐ2 và năng suất ở các mức độ khác nhau. Mức bón 80 kg/ha kali và 90 kg/ha phốt pho cho các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất cao hơn 10, 1 - 50% so khi không bón. So với các mức bón khác nhau, mức bón 80 kg/ha kali và 90 kg/ha phốt pho cho tổng số quả 38,1 quả/cây (cao hơn 30,9 - 36,5%), số quả chắc 36,7 quả/cây (cao hơn 6,7 - 31,5%), tỷ lệ quả 3 hạt 12,9% (cao hơn 6,6 - 29%), năng suất cá thể 11,42 g/cây (cao hơn 0,53 - 14,1%) và năng suất thực thu 1,86 tấn/ha (cao hơn 1,1 - 8,8%). Như vậy, liều lượng bón phù hợp nhất cho giống VNUAĐ2 trong vụ xuân là 80 kg/ha kali và 90 kg/ha phốt pho. 

Xác định điều kiện pH mủ tối ưu và đánh giá chất lượng mủ đông khi đánh đông mủ cao su bằng axit lactic

Huỳnh Đức Định, Trần Thanh, Trần Đình Minh, Vũ Văn Trường, Nguyễn Thanh Trúc & Huỳnh Thị Minh Tâm
Bản điện tử: 31 Oct 2022 | DOI: 10.52997/jad.2.05.2022
Tóm tắt | pdf (368.9K)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu là xác định điều kiện pH mủ thích hợp để đánh đông mủ cao su bằng axit lactic, đồng thời đánh giá ảnh hưởng của axit lactic đến chất lượng của sản phẩm mủ đông sau chế biến. Thí nghiệm sử dụng axit lactic ở nồng độ 3% để thêm vào mủ nước (latex) cho đến khi pH mủ đạt các giá trị 4,6, 4,9, 5,2, 5,5 và 5,8; nghiệm thức đối chứng sử dụng axit acetic 3% thêm vào mủ cho đến khi pH mủ đạt 5,4. Sản phẩm sau đánh đông của nghiệm thức tối ưu nhất và nghiệm thức đối chứng được đánh giá các chỉ tiêu cơ - lý - hóa theo tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng cao su. Kết quả cho thấy sử dụng axit lactic 3% thêm mủ cao su cho đến khi pH trong mủ đạt 5,5 cho khả năng đông mủ tốt và tiết kiệm được lượng axit sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Chất lượng mủ khi được đánh đông bằng axit lactic hoàn toàn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm mủ SVR 5 theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3769:2004. So với phương pháp đánh đông bằng axit acetic, mủ cao su được đánh đông bằng axit lactic có độ dẻo ban đầu (Po) cao hơn nhưng chỉ số duy trì độ dẻo (PRI) lại thấp hơn.