Ngày xuất bản: 2020-02-28

Ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động đến cam kết tổ chức

Mai Đăng Tiến, Nguyễn Thị Thu Thủy & Nguyễn Tính
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.1.01.2020
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này tìm hiểu các nhân tố thuộc về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) đối với người lao động ảnh hưởng đến cam kết tổ chức, sau đó đo lường tác động của CSR đối với người lao động đến cam kết tổ chức. Nghiên cứu được tiến hành bằng cách điều tra khảo sát 200 người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Kết quả phân tích tương quan cho thấy CSR đối với người lao động có ảnh hưởng đến "cam kết tổ chức". Bên cạnh đó, phân tích hồi quy cho thấy những kết quả cụ thể hơn như sự tự chủ trong công việc, lợi ích nhận được có ảnh hưởng đến tích cực (trong đó có yếu tố lợi ích tác động mạnh nhất) đến "cam kết tình cảm" của người lao động Việt Nam. Đối với “cam kết duy trì”, ngoài sự tự chủ trong công việc cũng như lợi ích nhận được thì yếu tố “đào tạo và phát triển” cũng cho thấy tác động tích cực. Trong khi đó, các yếu tố liên quan đến sức khỏe, an toàn lao động, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lại không thể hiện được tầm ảnh hưởng như ở một số nước khác.

Ảnh hưởng của các mức phân đạm và kali đến sinh trưởng và năng suất tỏi (Allium sativum L.) trồng tại tỉnh Ninh Thuận

Phạm Hữu Nguyên & Nguyễn Đặng Thư
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.6.01.2020
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định được liều lượng đạm và kali phù hợp cho cây tỏi trồng vụ Đông Xuân 2018 - 2019 trên nền đất cát tại tỉnh Ninh Thuận sinh trưởng mạnh, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu lô sọc (Strip-plot design) và 3 lần lặp lại; yếu tố sọc dọc (A) gồm 4 liều lượng phân đạm (kg N/ha): A1: 150, A2: 200, A3: 250 và A4: 300; yếu tố sọc ngang (B) gồm 3 liều lượng kali (kg K2O/ha): B1: 90, B2: 120, B3: 150. Kết quả đã xác định được bón kết hợp 200 kg N với 120 K2O trên nền 20 tấn phân bò và 80 kg P2O5/ha cho cây tỏi trồng trên đất cát tại Ninh Thuận có chiều cao cây đạt 58,2 cm/cây và 8,7 lá/cây ở 75 ngày sau trồng; khối lượng củ nặng nhất đạt 15,8 g/củ, có 17,1 tép/củ; giúp cây tỏi đạt năng suất thương phẩm là 13,42 tấn/ha; đường kính củ tỏi lớn nhất (3,5 cm), có 17,1 tép/củ, có 45,5% củ loại 1, đạt 53,8% củ loại 2 và củ 1 tép là 0,7%; đạt lợi nhuận 373.665.800 đồng/ha/vụ và tỷ suất lợi nhuận cao nhất là 2,15.

Ảnh hưởng của việc xử lý ethephon ở giai đoạn tiền thu hoạch lên màu sắc lá, thời gian sinh trưởng, năng suất và phẩm chất hạt mè (Sesamum indicum L.)

Võ Thị Xuân Tuyền & Nguyễn Duy Tân
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.4.01.2020
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu ảnh hưởng của việc phun ethephon qua lá ở giai đoạn tiền thu hoạch nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chín của trái và gây rụng lá mè. Ethephon được xử lý với các nồng độ 0, 50, 100, 200, 300, 400 và 500 ppm ở giai đoạn khi trái trên cây bắt đầu chín, hạt chuyển màu đen. Kết quả cho thấy xử lý ethephon gây vàng lá, thúc đẩy nhanh sự rụng lá và rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 5 - 6 ngày so với đối chứng không xử lý. Trong đó, nồng độ 50 và 100 ppm gây vàng lá với chỉ số diệp lục tố đo được ở 3 ngày sau khi xử lý lần lượt là 13,5 và 12,7; nồng độ 200-500 ppm gây vàng lá hoàn toàn và rụng ở 3 ngày sau khi xử lý; mẫu đối chứng lá vẫn còn xanh với chỉ số chỉ số diệp lục tố là 22,2. Xử lý ethephon nồng độ từ 50-300 ppm không làm giảm năng suất và hàm lượng lipid trong hạt so với đối chứng, nhưng từ 400 ppm trở lên thì gây hiện tượng nứt trái, làm giảm năng suất và hàm lượng lipid trong hạt. Việc xử lý ethephon không ảnh hưởng lên số trái/cây, số hạt/trái, trọng lượng 1000 hạt, hàm lượng protein và màu sắc hạt.

Ảnh hưởng của lượng phân hữu cơ bón và dung dịch hữu cơ phun qua lá đến năng suất cây cà chua (Lycopersicum estulentum Mill.)

Nguyễn Thị Loan & Hà Văn Huy
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.3.01.2020
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Mục tiêu của thí nghiệm nhằm đánh giá ảnh hưởng của lượng phân hữu cơ bón và dung dịch hữu cơ phun qua lá đến năng suất cây cà chua. Một thí nghiệm 2 yếu tố (4 x 3) bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên được tiến hành trên giống cà chua HT109 tại Khoa Nông học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trong vụ xuân hè năm 2018. Hai yếu tố thí nghiệm gồm: (1) lượng phân hữu cơ (ủ hoai mục từ phân gà) với 4 liều lượng được bón vào đất (0, 11, 13,5 và 16 tấn/ha) và nồng độ phun dung dịch hữu cơ bón lá HB101 với 3 mức nồng độ (0, 0,15 và 0,3 mL/L). Lượng nước pha loãng dung dịch HB101 cho 1 ha là 10.000 L nước. Kết quả cho thấy việc tăng lượng phân hữu cơ bón và nồng độ HB101 làm tăng có ý nghĩa số hoa/chùm, số chùm hoa, số quả/cây, trọng lượng quả, năng suất cá thể lý thuyết và thực thu của cà chua. Bón 16 tấn/ha phân hữu cơ và phun HB101 ở hai mức 0,3 và 0,15 mL/L cho năng suất thực thu cao nhất, tương ứng 44,0 tấn/ha và 42,6 tấn/ha. Tỷ suất lợi nhuận cao nhất ở công thức không sử dụng các vật liệu hữu cơ đạt 3,8; tuy nhiên lợi nhuận đạt cao nhất ở công thức bón 16 tấn/ha phân hữu cơ kết hợp phun 0,15 mL/L dung dịch HB101 với trên 131 triệu đồng/ha.

Ảnh hưởng của giá thể và nồng độ phân bón lá đến sinh trưởng và phát triển cây hoa cát tường (Eustoma grandiflorum (Raf.) Shinn) trồng chậu tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phạm Thị Thùy Dương, Nguyễn Chí Cường, Lê Nhựt Dương & Trần Thị Trang Ngân
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.2.01.2020
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Cây hoa cát tường (Eustoma grandiflorum (Raf.) Shinn) là loại cây cảnh bền đẹp được ưa chuộng trong trang trí, đặc biệt vào các dịp lễ Tết. Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của năm loại giá thể và ba nồng độ phân bón lá Đầu Trâu MK 30-10-5 đến sinh trưởng và phát triển của cây hoa cát tường trồng chậu tại TP. Hồ Chí Minh. Cây hoa cát tường được trồng trên giá thể 30% phân bò : 40% xơ dừa : 20% tro trấu : 10% đất cho kết quả vượt trội về chiều cao cây (46,06 cm), số lá (63,30 lá/cây), số nụ (14,20 nụ/cây) và số hoa (6,71 hoa/cây). Trồng cây hoa cát tường trên giá thể 30% phân bò : 40% xơ dừa : 20% tro trấu : 10% đất kết hợp với phun phân bón lá Đầu Trâu MK 30-10-5 ở nồng độ 2,0 g/L cho chiều cao cây (46,80 cm) và số lá (66,00 lá/cây) cao nhất. Tuy nhiên, số nụ và số hoa trên cây hoa cát tường lần lượt là 15,47 nụ/cây và 7,53 hoa/cây khi kết hợp giữa giá thể 30% phân bò : 40% xơ dừa : 20% tro trấu : 10% đất và nồng độ phân bón lá 1,0 g/L.

Khảo sát ảnh hưởng của chiếu xạ gamma 60Co đến cây lan lai Dendrobium thấp cây

Nguyễn Văn Vinh, Trần Hồng Anh, Bùi Văn Lệ & Bùi Minh Trí
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.5.01.2020
Tóm tắt | PDF (800.9K)

Tóm tắt

Trong nghiên cứu này, hạt của tổ hợp lai DM12x13 lan Dendrobium thấp cây nảy mầm trên môi trường 1/2 MS sau 40 ngày gieo được sử dụng làm vật liệu chiếu xạ để xác định liều gây chết 50% (LD50). Sau khi xác định được LD50, tiến hành chiếu xạ gây đột biến protocorm của tổ hợp lai DM12x13 ở các liều 0, 20, 40, 60, 80 Gy; suất liều 90 Gy/h để nghiên cứu ảnh hưởng của chiếu xạ gamma 60Co đến khả năng gây đột biến và đánh giá sự sinh trưởng của các biến dị thuộc tổ hợp lai DM12x13 trong điều kiện in vitro. Kết quả cho thấy liều gây chết 50% mẫu sau chiếu xạ 7 tháng được xác định là 68 Gy. Tỷ lệ sống sót, khả năng sinh trưởng phát triển của cây giảm khi liều chiếu xạ càng cao, cây gần như chết 100% từ liều 80 Gy trở lên sau chiếu xạ 7 tháng. Khi chiếu xạ tia gamma 60Co trên protocorm, các liều 20, 40 và 60 Gy đều có tác dụng tăng tần suất biến dị với phổ biến dị rộng, đa dạng về cấu trúc, màu sắc thân, lá. 

Thực nghiệm ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931) bằng tảo (Thalassiosira sp.) cô đặc

Trần Văn Nhiên, Hồ Hồng Nhung , Lại Thị Minh Lê & Nguyễn Hữu Thanh
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.8.01.2020
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Mục tiêu của thí nghiệm là xác định loại tảo thích hợp cho sự tăng trưởng, tỷ lệ sống, thời gian biến thái của ấu trùng tôm thẻ chân trắng. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm 5 nghiệm thức (NT): tảo khô Spirulina sp. (NT 1), tảo tươi Chaetoceros sp. (NT 2), tảo tươi Thalassiosira sp. (NT 3), tảo Thalassiosira sp. dạng lỏng (NT 4), tảo Thalassiosira sp. dạng nhão (NT 5). Bể ương có thể tích 0,5 m3, ấu trùng được bố trí ở giai đoạn Nauplius VI, mật độ 200 con/L. Chế độ chăm sóc được áp dụng theo quy trình phổ biến tại Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản Nam Bộ. Kết quả sau 10 ngày ương, các thông số môi trường đều nằm trong khoảng cho phép sự phát triển tốt của ấu trùng. Ấu trùng tôm của NT 4 cho kết quả tốt nhất về chiều dài cơ thể, tỷ lệ sống, thời gian biến thái và khác biệt có ý nghĩa (P < 0,05) so với các nghiệm thức còn lại. Trong khi NT 5 khác biệt không có ý nghĩa (P > 0,05) so với NT 2 về chiều dài và NT 3 về thời gian biến thái. NT 1 cho kết quả kém nhất về các chỉ tiêu trên so với các nghiệm thức khác. Nhìn chung, việc sử dụng tảo Thalassiosira sp. dạng lỏng để ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng cho kết quả tốt và nên được áp dụng phổ biến.

Kích thích sinh sản nhân tạo cá chốt bông (Pseudomystus siamensis Regan, 1913)

Võ Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Thanh Trúc, Võ Văn Tuấn, Nguyễn Văn Tư & Phạm Minh Châu
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.7.01.2020
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Cá chốt bông (Pseudomystus siamensis Regan, 1913) là loài cá bản địa có giá trị kinh tế ở các tỉnh phía Nam của Việt Nam. Cá chốt bông đang được khai thác để làm thực phẩm và chơi cảnh. Nghiên cứu kích thích sinh sinh sản nhân tạo cá chốt bông được thực hiện với não thùy (tuyến yên) cá (fish pituitary gland, FPG), human chorionic gonadotropin (HCG) và luteinizing hormone releasing hormone analogue (LHRHa). Cả ba chất kích thích sinh sản (CKTSS) đều có tác dụng gây chín và rụng trứng trên cá ở tất cả các nghiệm thức. Liều tối ưu để gây chín noãn bào và rụng trứng cá chốt bông của FPG là 10 mg/kg, của HCG là 4.000 UI/kg và của LHRHa là 120 μg/kg cá cái. Thời gian hiệu ứng của các CKTSS cá chốt bông là 9 - 11 giờ. Ở liều quyết định tối ưu của LHRHa (120 μg/kg cá cái) và thời gian hiệu ứng (10 giờ), các chỉ tiêu sinh sản đạt cao nhất là: tỉ lệ cá đẻ 64,5%, tỉ lệ thụ tinh 70%, tỉ lệ nở 44,5%, sức sinh sản tương đối 38.500 trứng/kg cá cái và tỉ lệ sống của cá bột 39,3%.

Ảnh hưởng của loại và nồng độ alginate lên đặc tính vi bọc tinh dầu chanh (Citrus aurantifolia) bằng phương pháp nhỏ giọt kim tiêm

Trương Vĩnh, Nguyễn Thanh Phương, Tạ Ngọc Minh Phương, Nguyễn Thành Phương & Phạm Thị Cẩm Nhung
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.9.01.2020
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Vi bọc tinh dầu chanh bằng phương pháp nhỏ giọt kim tiêm tạo hạt Alginate-Ca đã được thực hiện trong nghiên cứu này. Khoảng nồng độ alginate khảo sát là 1 - 4%. Ở nồng độ alginate trên 1%, dịch có độ nhớt dạng pseudoplastic. Kích thước (1,52 - 1,57 mm) và độ cầu hạt (trên 95%) đạt cực đại ở nồng độ alginate 2 - 3%. Phương pháp nhỏ giọt kim tiêm không phù hợp khi nồng độ alginate trên 3,5% do độ nhớt dịch quá cao dẫn đến độ cầu thấp. Hai loại alginate của Trung Quốc có hàm lượng đạm 9% (alg1) và 2% (alg2) có cùng hiệu suất vi bọc 73 - 74%. Tuy nhiên, hiệu suất thu hồi chất rắn alg2 đạt 98,99% cao hơn nhiều so với alg1 chỉ 52,17%. Điều này do alg2 có độ tinh khiết cao hơn và nếu chọn sử dụng trong thực tế sản xuất thì dễ kiểm soát hàm lượng và giảm lượng chất thải hữu cơ gây hại môi trường so với alg1.

Ứng dụng phần mềm QGIS quản lí cơ sở dữ liệu đường phố, số nhà tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh

Võ Thị Xuân, Nguyễn Ngọc Thy, Trương Đỗ Thùy Linh, Nguyễn Thanh Duy, Nguyễn Hưng Khởi & Nguyễn Thùy Trang
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.12.01.2020
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa không ngừng đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà đất, xây dựng đô thị, trong đó thông tin về đường phố và số nhà là một trong những cơ sở mấu chốt trong công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, quản lý và cung cấp thông tin này một cách khoa học và hiệu quả là nhu cầu cấp thiết. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) không ngừng phát triển và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực; trong đó, QGIS là phần mềm mã nguồn mở mới được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc thiết kế dữ liệu và phân tích không gian. Ứng dụng QGIS quản lí cơ sở dữ liệu đường phố, số nhà sẽ phục vụ tốt hơn công tác quản lý xây dựng đô thị và cơ sở hạ tầng tại địa phương phù hợp với chiến lược phát triển đô thị thông minh và chính quyền điện tử của thành phố và cả nước. Nghiên cứu đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thuộc tính và ứng dụng ngôn ngữ lập trình Python xây dựng công cụ quản lý và tra cứu thông tin đường phố, số nhà cho phường Bình Thọ, quận Thủ Đức. Kết quả cho thấy công cụ hỗ trợ quá trình quản lý, tra cứu thông tin về đường phố, số nhà và thông tin về thửa đất rất thuận tiện và hiệu quả.

Ước tính sự phát thải khí và ứng dụng công nghệ GIS để xây dựng bản đồ phát thải khí từ nguồn điện ở Thành phố Hồ Chí Minh

Hồ Quốc Bằng, Nguyễn Phương Bảo Trinh, Vũ Hoàng Ngọc Khuê, Nguyễn Thị Thúy Hằng & Nguyễn Thoại Tâm
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.11.01.2020
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Hiện trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM đang trong mức báo động và gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các nguồn ô nhiễm không khí bao gồm: nguồn công nghiệp (nguồn điểm), nguồn giao thông (nguồn đường), nguồn diện và nguồn sinh học. Nguồn diện gồm hoạt động nấu ăn của hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, trạm xăng, tiệm photocopy, cửa hàng vật liệu xây dựng, công trình xây dựng, gara, chùa, đốt rơm rạ,… Phương pháp kiểm kê khí thải  đưa ra các quyết định đánh giá chính xác, đáng tin cậy, có cơ sở rõ ràng cho thấy việc sử dụng lượng lớn than đá, than củi gây phát thải một lượng lớn các khí: bụi tổng, khí NO2, khí SO2, khí CO, khí CH4 và NMVOC... hoạt động nấu ăn của hộ gia đình chiếm khoảng 90% phát thải các khí trên và bụi chiếm 38% trong tổng phát thải của nguồn diện. Ứng dụng công cụ GIS để xây dựng bản đồ phát thải khí thải nhằm xác định khu vực có tải lượng phát thải khí thải cao. Mục tiêu nghiên cứu nhằm chỉ ra được nguyên nhân chính gây ra phát thải trong nguồn diện và những khu vực có thải lượng phát thải cao (như Quận 3, Quận 4, Quận 8, huyện Bình Chánh, Củ Chi) từ đó xây dựng giải pháp giảm thiểu phát thải khí thải của hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch phục vụ cho việc nấu ăn của người dân tại TP.HCM mang tính kinh tế và đạt hiệu quả cao.

Đánh giá hiện trạng nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và phát triển nông nghiệp tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai

Lê Quốc Tuấn, Lê Trương Ngọc Hân & Lê Ngọc Quý
Bản điện tử: 28 Feb 2020 | DOI: 10.52997/jad.10.01.2020
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Ia Grai là một huyện vùng sâu của tỉnh Gia Lai. Kinh tế người dân phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nước cho nông nghiệp ở đây rất khan hiếm; phần lớn phụ thuộc vào nước mưa cho hoạt động tưới tiêu. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu nhu cầu sử dụng nước của người dân và các nguồn nước có khả năng sử dụng cho tưới tiêu. Phỏng vấn nông hộ, kiểm định chất lượng nước và khảo sát thực địa đã được thực hiện tại 3 xã có diện tích nông nghiệp lớn nhất trong huyện là Ia Kha, Ia Hrung và Ia Tô. Kết quả cho thấy nước mặt có chất lượng tốt, nước ngầm bị nhiễm vi sinh nhẹ nhưng tất cả các chỉ tiêu chất lượng nước đều đạt quy chuẩn cho phép của nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt (cột A1) và hoạt động tưới tiêu (QCVN 39:2011/BTNMT). Dựa vào nhu cầu sử dụng nước hiện tại, đề tài dự báo lượng nước cần đến năm 2020, đồng thời đề xuất các giải pháp quản lý và bảo vệ nguồn nước cho huyện Ia Grai.