Ngày xuất bản: 2019-10-28

Nghiên cứu nhận thức của sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Lê Na
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.1.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức của sinh viên về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), và tác động của nhận thức đến ý nghĩ và hành vi của các sinh viên khảo sát. Mô hình cấu trúc (SEM) được sử dụng để kiểm định các mối quan hệ thông qua dữ liệu thu thập từ 787 sinh viên  Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu chỉ ra có sự tác động cùng chiều từ các biến: gia đình - người thân, tham gia hoạt động phong trào, nhân khẩu học và tự nhận thức về CSR của sinh viên. Mặt khác có sự tác động cùng chiều từ nhận thức của sinh viên về CSR đến ý nghĩ và hành vi của chính mình.

Khảo sát khả năng sinh trưởng và phát triển của một số giống cà chua (Lycopersicon esculentum Mill) trong điều kiện nhà lưới tại Thành phố Châu Đốc

Nguyễn Văn Chương
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.2.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện tại Thành phố Châu Đốc trong điều kiện nhà lưới với 06 giống cà chua đen để chọn được giống cà chua phù hợp điều kiện sinh thái địa phương với mục tiêu đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, phẩm chất trái và đặc tính thích nghi của các giống cà chua đen trong điều kiện nhà lưới tại TP. Châu Đốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy 06 giống kết thúc thu hoạch gồm Indigo Rose, Viagra Socola, Đen Nga, Cherry Chocolate, Baron Đen và Savior từ 90 đến 103 ngày. Tất cả các giống trong nghiên cứu có cấu trúc thân thích nghi tốt với điều kiện trong nhà lưới tại Châu Đốc. Tỷ lệ đậu quả của giống Cherry Chocolate cao nhất đạt 203 trái. Các giống Viagra Socola, Đen Nga, Cherry Chocolate có năng suất thực thu cao trên 4 tấn/1.000 m2, trong đó thấp nhất là Baron Đen chỉ đạt 2,83 tấn/1.000 m2, cao nhất là Savior đạt 7,05 tấn/1.000 m2 và chất lượng quả tương đối tốt. Tóm lại, các giống Viagra Socola, Đen Nga, Cherry Chocolate cần được tiếp tục nghiên cứu trong các vụ mùa tiếp theo nhằm đánh giá tiềm năng của các giống này và áp dụng vào thực tế sản xuất.

Đánh giá thành phần hóa học và tác dụng ức chế sự nảy mầm và phát triển của hạt cỏ lồng vực (Echinochloa crus-galli L.) từ cao chiết cây bồ công anh (Hypochaeris radicata L.)

Trần Thanh Mến, Nguyễn Trọng Tuân, Sầm Hải Lý, Đỗ Tấn Khang & Nguyễn Đình Hải Yến
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.3.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Sự ức chế cảm nhiễm (allelopathy) là một cơ chế đối kháng thực vật phổ biến trong tự nhiên, cơ chế này thể hiện khi sự phát triển của loài thực vật này có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển các loài thực vật lân cận thông qua việc sản sinh các hợp chất thứ cấp. Trong nghiên cứu này, khả năng kháng cỏ lồng vực (CLV) của cao chiết ethanol từ cây bồ công anh (BCA) được khảo sát trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả khảo sát cho thấy, tại nồng độ 5 mg/mL cao chiết của thân BCA có tác dụng ức chế nảy mầm hạt CLV cao nhất là 73,3%. Bên cạnh đó, hàm lượng polyphenol và flavonoid tổng số trong cây BCA được xác định bằng phương pháp đo quang phổ. Các hợp chất polyphenol và flavonoid có trong tất cả các bộ phận của cây được khảo sát. Hàm lượng polyphenol cao nhất trong lá là 9,67 mg/mL cao, flavonoid có hàm lượng nhiều nhất trong rễ là 29,56 mg/mL cao. Mẫu cao chiết từ các bộ phận cây BCA cũng được sử dụng để định tính các acid phenolic bằng phương pháp HPLC. Có bảy loại acid phenolic hiện diện trong các mẫu cao chiết BCA, đó là chlorogenic, syringic, vanillic, synapic, p-coumaric, benzoic và ellagic. Từ các số liệu cho thấy BCA là một loài thực vật hoang dại rất có tiềm năng trong nghiên cứu về các hợp chất tự nhiên có hoạt tính kháng cỏ.

Xác định khả năng chịu đựng một số yếu tố môi trường nước (nhiệt độ, pH và ôxy hòa tan) của cá chốt bông (Pseudomystus siamensis Regan, 1913)

Võ Thị Thanh Bình, Phạm Minh Châu, Nguyễn Thị Thanh Trúc, Võ Văn Tuấn & Nguyễn Văn Tư
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.6.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Cá chốt bông (Pseudomystus siamensis) thuộc họ cá ngạnh Bagridae và là loài cá cảnh có giá trị kinh tế. Tuy nhiên cho đến nay các công bố về đặc điểm sinh học của loài cá này còn rất hạn chế. Nghiên cứu về khả năng chịu đựng một số yếu tố môi trường nước (nhiệt độ, pH và ôxy hòa tan) của cá chốt bông ở các giai đoạn phôi, cá mới nở và cá 10 ngày tuổi đã được thực hiện từ tháng 7/2018 đến tháng 1/2019 tại Khoa Thủy Sản - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Các kết quả nghiên cứu cho thấy ngưỡng nhiệt độ cao và thấp của phôi là 32,5oC và 22,3oC; cá mới nở là 36,7oC và 18,7oC; cá 10 ngày tuổi là 38,6oC và 15,9oC. Ngưỡng pH cao và thấp ở giai đoạn phôi là 10,7 và 4,4; cá mới nở là 10,2 và 3,7; cá 10 ngày tuổi là 10,2 và 3,8. Ngưỡng ôxy của cá chốt bông giai đoạn phôi, cá mới nở và cá 10 ngày tuổi lần lượt là 4,7; 1,1; 1,0 mg O2/L. Cá chốt bông giai đoạn sau nở chịu đựng những yếu tố bất lợi của môi trường tốt hơn giai đoạn phôi. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng cho các nghiên cứu về sản xuất giống và bảo tồn loài cá này trong tương lai.

Tương tác giữa kiểu gen và môi trường đến tính trạng tăng trưởng và tỷ lệ sống trên tôm sú (Penaeus monodon) chọn giống thế hệ thứ 4

Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Thành Luân & Trần Văn Nhiên
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.4.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Tương tác giữa kiểu gen và môi trường tính trạng tăng trưởng đã được công bố trên quần thể chọn giống G1 cùng chương trình, nhưng chưa có dữ liệu lặp lại trên các thế hệ tiếp theo nhằm khẳng định sự tồn tại tương tác này hay không và có định hướng tốt cho thiết kế chương trình chọn giống tiếp theo. Nghiên cứu được thực hiện trên 97 gia đình tôm sú chọn giống thế hệ thứ 4 nuôi ở 3 môi trường khác nhau. Hai tính trạng tăng trưởng (khối lượng) và tỷ lệ sống được đánh giá trên tôm khi thu hoạch. Kết quả phân tích cho thấy không có tương tác kiểu gen và môi trường đối với tính trạng tăng trưởng và tỷ lệ sống, trong đó tương quan di truyền cùng tính trạng ở hai môi trường ao nuôi miền Trung và miền Nam tương ứng là 0,80 và 0,83. Không có tương tác kiểu gen và môi trường cho tính trạng tăng trưởng giữa tôm nuôi ao ở miền Nam và bể an toàn sinh học trong nhà với tương quan di truyền là 0,91. Hiệu quả chọn lọc ước tính mang lại ở mức trung bình đến cao cho tính trạng tăng trưởng và cao cho tính trạng tỷ lệ sống với hệ số di truyền tương ứng là 0,20 - 0,45 và 0,34 - 0,45.

Ảnh hưởng của việc bổ sung nhộng ruồi lính đen (Hermetia illucens) vào thức ăn lên tăng trưởng của cá dĩa (Symphysodon sp.)

Nguyễn Phúc Cẩm Tú, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Thị Thùy Linh & Nguyễn Như Trí
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.5.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá khả năng thay thế protein bột cá bằng bột nhộng ruồi lính đen (Hermetia illucens) (RLĐ) cũng như thức ăn tim bò tươi và thức ăn viên thương mại lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá dĩa (Symphysodon sp.). Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên một yếu tố với cỡ cá như là khối. Yếu tố thí nghiệm là loại thức ăn gồm 5 nghiệm thức (NT): tim bò tươi xay nhuyễn (NT1), thức ăn thương mại (NT2) và 3 NT thức ăn viên có tỷ lệ thay thế protein bột cá bằng bột nhộng RLĐ khác nhau: 0% (NT3), 25% (NT4) và 50% (NT5). Kết quả cho thấy hàm lượng TAN và nitrite ở NT1 cao hơn các NT khác. Ngoài ra, cá dĩa ở NT1 có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và hệ số FCR thấp hơn và khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê so với các NT còn lại. Trái lại, khi so sánh giữa các NT thức ăn viên, tốc độ tăng trưởng về trọng lượng, chiều dài và chiều cao của cá và FCR không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P > 0,05). Kết quả thí nghiệm cũng cho thấy, ở hai NT bổ sung nhộng RLĐ cá ít bị bệnh và có tỷ lệ sống cao hơn các NT còn lại.

Đặc điểm di truyền một số quần đàn cá rô phi vằn (Oreochromis niloticus) qua phân tích chỉ thị microsatellite

Trần Thị Thúy Hà, Vũ Thị Trang, Nguyễn Phương Nam, Lưu Thị Hà Giang, Phạm Hồng Nhật & Nguyễn Hồng Điệp
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.7.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Đặc điểm di truyền của cá rô phi vằn các dòng NOVIT4, GIFT thế hệ thứ 13, Trung Quốc và Philippine đã được tìm hiểu trong nghiên cứu này qua phân tích kiểu gen tại 06 vị trí microsatellite. Tất cả các vị trí nghiên cứu đều thể hiện tính đa hình cao với 51 alen được xác định, trong đó locus GM139 và UNH995 có tính đa hình alen cao nhất với sự xuất hiện tương ứng 14 và 11 alen. Hiện tượng thiếu hụt dị hợp tử mong đợi xuất hiện ở các dòng cá rô phi nghiên cứu với giá trị Ho thấp hơn He. Di truyền của 17/24 vị trí microsatellite ở bốn dòng cá sai khác có ý nghĩa so với định luật Hardy-Weinberg (P < 0,05). Giá trị Fst dao động từ 0,012 đến 0,025 thể hiện sự sai khác di truyền nhỏ giữa các dòng nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả phân tích biến đổi phân tử (AMOVA) thể hiện đa dạng di truyền ở mức độ phân tử giữa các cá thể trong cùng một dòng và giữa các cá thể với nhau là cao, lần lượt đạt 36,69% và 61%. Kết quả nghiên cứu này cung cấp các thông tin di truyền của các dòng cá rô phi vằn phục vụ các nghiên cứu về lựa chọn các quần đàn cá bố mẹ thích hợp khi đưa vào chương trình chọn giống tiếp theo.

Tạo dòng, biểu hiện và tinh sạch protein tái tổ hợp tPMT-C780 của Pasteurella multocida

Vũ Khắc Hùng, Nguyễn Thị Thịnh, Trịnh Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Thu Giang, Đỗ Thị Trung Anh & Nguyễn Xuân Trường
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.8.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Chủng độc lực Pasteurella multocida tiết ra nội độc tố chịu nhiệt Pasteurella Multocida Toxin (PMT), là yếu tố độc lực chủ yếu gây bệnh tụ huyết trùng trên lợn. Vì vậy, độc tố PMT là một yếu tố tiềm năng cho các nghiên cứu chế tạo vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh tụ huyết trùng lợn. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tiến hành tạo dòng, biểu hiện đoạn protein đầu C của PMT (tPMT-C780) (từ amino axit 506 đến 1285 của PMT) trên vi khuẩn Escherichia coli BL21 bằng vector biểu hiện là plasmid pRSET-A. Kết quả SDS-PAGE cho thấy protein tái tổ hợp tPMT-C780 biểu hiện mạnh khi cảm ứng với IPTG 1 mM, và được xác định là protein không tan nên đã được tinh sạch theo phương pháp biến tính qua cột Ni-NTA. Dịch protein thu được sau khi tinh sạch chỉ chứa một vạch protein có kích thích tương đương với tPMT-C780 và cho phản ứng dương tính với kháng thể đặc hiệu PMT, chứng tỏ chúng tôi đã biểu hiện và tinh sạch thành công protein đầu C của độc tố PMT. Đây là nguồn nguyên liệu ban đầu cho các nghiên cứu tiếp theo để chế tạo vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh tụ huyết trùng lợn do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra.

Tối ưu hoá quá trình lên men rượu dịch quả mãng cầu ta bằng Saccharomyces cerevisiae sử dụng phương pháp bề mặt đáp ứng

Phan Tại Huân & Nguyễn Minh Hiền
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.9.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Trong những năm gần đây, nhiều sản phẩm được sản xuất từ trái mãng cầu ta. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm nâng cao giá trị sử dụng cho loại mãng cầu ta địa phương với sản phẩm nước lên men sử dụng nấm men Saccharomyces cerevisiae. Phương pháp bề mặt đáp ứng được sử dụng nhằm lựa chọn các điều kiện tối ưu về hàm lượng chất rắn hòa tan, tỉ lệ nấm men và thời gian lên men nhằm để lên men rượu dịch quả mãng cầu ta bằng nấm men Saccharomyces cerevisiae SLS. Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp quy hoạch thực nghiệm kiểu thí nghiệm phối hợp có tâm với hàm lượng chất rắn hòa tan trong khoảng từ 16 đến 20oBrix, tỉ lệ nấm men từ 1 đến 3%, và thời gian lên men từ 42 đến 48 giờ. Sử dụng bề mặt đáp ứng trong mô hình tối ưu bậc 2 để thể hiện sự ảnh hưởng của các yếu tố khảo sát đến độ cồn và điểm cảm quan. Điều kiện tối ưu để lên men sản phẩm đạt 5,1% (v/v) độ cồn được xác định bao gồm hàm lượng chất rắn hòa tan 19oBrix, tỉ lệ men 2% và thời gian lên men là 44 giờ. Giá trị mô hình tối ưu dự đoán phù hợp với các giá trị thực nghiệm.

Phân vùng tổn thương do biến đổi khi hậu đến các huyện ngoại thành của Thành Phố Hồ Chí Minh

Vũ Thùy Linh, Võ Huyền Làm, Hồ Minh Dũng & Nguyễn Kim Lợi
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.12.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm phân vùng tổn thương do biến đổi khí hậu tại các huyện ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh bằng cách tích hợp sử dụng phương pháp AHP và GIS. Đề tài sử dụng các số liệu thu thập được từ các Sở ban ngành, từ điều tra khảo sát trên địa bàn nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu nhằm đánh giá trọng số cho các yếu tố phơi nhiễm, mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng. Sau khi chồng lấp các bản đồ thành phần, kết quả đạt được cho thấy vùng nguy cơ tổn thương cao do biến đổi khí hậu trong huyện ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh vào năm 2025 chủ yếu là Bình Chánh, Nhà Bè và Hóc Môn với diện tích 35.865,57 ha (chiếm 22,84%). Phần tổn thương thấp và trung bình tập trung ở Củ Chi và Cần Giờ (diện tích tương ứng là 36.354,33 ha tương đương 23,16% và 84.762,27 ha tương đương 54%). Bên cạnh đó, nghiên cứu còn đề xuất các giải pháp nhằm tăng khả năng thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Khảo sát các cây cảnh có giá trị dược liệu tại một số vườn kiểng ở Thành phố Hồ Chí Minh và ứng dụng trong thiết kế sân vườn

Dương Thị Mỹ Tiên & Lê Thị Phúc
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.11.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Đề tài được tiến hành tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ tháng 9 năm 2016 đến tháng 6 năm 2018, với mục tiêu nhận dạng một số cây cảnh phổ biến có giá trị dược liệu.  Đề tài được thực hiện bằng phương pháp điều tra và khảo sát cây cảnh tại các vựa kiểng và vườn ươm, định danh cây đã điều tra, thống kê, phân tích dữ liệu và ứng dụng trong thiết kế sân vườn với các phương pháp đánh giá hiện trạng khu vườn, thể hiện ý tưởng thiết kế chi tiết bằng việc sử dụng các phần mềm thiết kế cảnh quan. Đề tài điều tra được 120 loài thuộc 69 họ thực vật có dược tính, ứng dụng thiết kế 2 trường hợp sân vườn, với hồ sơ thiết kế ý tưởng, đề xuất danh mục cây xanh, vật liệu, thiết bị sử dụng trong thiết kế, thuyết minh thiết kế chi tiết. Đồ án hoàn thành được các bản vẽ: mặt bằng phân khu chức năng, mặt bằng tổng thể, các mặt bằng cây xanh, mặt cắt, các chi tiết của sân vườn và phối cảnh tổng thể cũng như phối cảnh các phân khu, các tiểu cảnh làm điểm nhấn.

Ước tính giá trị kinh tế từ việc hấp thụ và lưu trữ cacbon của rừng khộp tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai

Nguyễn Thị Quỳnh Trang & Trần Thị Bích Phượng
Bản điện tử: 28 Oct 2019 | DOI: 10.52997/jad.10.05.2019
Tóm tắt | PDF (260.1K)

Tóm tắt

Rừng khộp là một trong những rừng có hệ sinh thái đặc trưng với nhiều loại động vật quí hiếm. Diện tích rừng khộp thuộc huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đang suy giảm do người dân khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Suy giảm rừng làm giảm khả năng hấp thụ CO2 góp phần làm gia tăng phát thải khí nhà kính vào môi trường, gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nghiên cứu được thực hiện trong 4 ô tiêu chuẩn sơ cấp (2.500 m2 = 50 x 50 m) tại rừng khộp, huyện Ia Pa với 5 ô thứ cấp (25 m2 = 5 x 5 m) được bố trí ở 4 góc và 1 ô ở trung tâm của mỗi ô tiêu chuẩn sơ cấp. Dựa vào mối tương quan giữa cacbon và các loài thực vật trên mặt đất, nghiên cứu đã tính được lượng CO2 tích lũy của rừng khộp là 105,6 tấn/ha, tương ứng với giá trị kinh tế trên thị trường là 12.299.760 VNĐ/ha. Như vậy, cần thiết nâng cao chất lượng rừng hướng tới quản lý bền vững hệ sinh thái rừng khộp, tạo cơ sở nâng cao giá trị kinh tế của rừng khộp dựa vào giá trị môi trường.