Ngày xuất bản: 2023-04-30

Nghiên cứu đặc điểm bệnh lý lâm sàng của gà bị bệnh cầu trùng do Eimeria spp. ở liều gây nhiễm thấp

Hồ Thị Dung, Trần Thị Na, Trần Thị Thu Trang, Phạm Hoàng Sơn Hưng, Nguyễn Thị Thùy, Lê Đình Phùng & Nguyễn Thị Hoa
Bản điện tử: 30 Apr 2023 | DOI: 10.52997/jad.5.02.2023
Tóm tắt | pdf (3.2M)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu là xác định tỷ lệ nhiễm, triệu chứng và bệnh tích của gà bị bệnh cầu trùng khi gây bệnh liều thấp. Gà thí nghiệm (n = 40, 14 ngày tuổi, mã số MD02 của công ty Minh Dư) được phân ngẫu nhiên vào 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức được lặp lại 10 lần. Gà ở nghiệm thức 1, nghiệm thức 2 và nghiệm thức 3 được cho uống noãn nang cầu trùng với liều lượng lần lượt là 1, 10 & 300 noãn nang/con, nghiệm thức 4 là đối chứng cho uống phosphate-buffered saline. Gà ở mỗi nghiệm thức được nuôi cá thể. Phân gà được thu cá thể mỗi ngày sau khi gây bệnh để kiểm tra quá trình thải noãn nang. Gà bị nhiễm bệnh cầu trùng và có các triệu chứng, bệnh tích đặc trưng dù chỉ bị nhiễm 1 noãn nang. Tỷ lệ nhiễm mầm bệnh cầu trùng tăng dần khi tăng liều lượng gây bệnh, lần lượt là 40% (nghiệm thức 1), 70% (nghiệm thức 2) và 100% (nghiệm thức 3). Thời gian bài xuất noãn nang là từ 4 đến 10 ngày sau khi gây nhiễm. Số lượng noãn nang thu được tỷ lệ thuận với liều lượng gây nhiễm. Các triệu chứng được quan sát ở gà nhiễm bệnh với liều thấp bao gồm giảm ăn, ủ rủ, sã cánh, phân sáp, phân lỏng và có máu tươi. Kết quả mổ khảo sát cho thấy, bệnh tích chủ yếu được ghi nhận là xuất huyết manh tràng (75 - 100%) và ruột non (100%).

Khảo sát hệ vi sinh vật trong tử cung bò sữa sau sinh và môi trường chuồng nuôi bằng kỹ thuật PCR định lượng

Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Mỹ Nhân, Trần Thị Minh Tú & Võ Phong Vũ Anh Tuấn
Bản điện tử: 30 Apr 2023 | DOI: 10.52997/jad.4.02.2023
Tóm tắt | pdf (2.9M)

Tóm tắt

Với mục tiêu khảo sát hệ vi sinh vật tử cung bò sữa sau sinh và môi trường chuồng nuôi bằng kỹ thuật PCR định lượng và đánh giá mối tương quan giữa hệ vi sinh vật tử cung với môi trường chăn nuôi. Nghiên cứu được thực hiện tại tại 2 mùa trong năm là mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2017 và mùa đông từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018 tại Trang trại bò sữa Holstein, Viện nghiên cứu chăn nuôi Okayama, Nhật Bản. Tổng số 116 mẫu, bao gồm 68 mẫu dịch tử cung và mẫu phân được lấy từ 9 con bò vào mùa hè và 8 con bò trong mùa đông ở 2 giai đoạn 1 và 2 tháng sau sinh. Và 48 mẫu môi trường chuồng nuôi gồm mẫu không khí, nền chuồng, thức ăn và nước thu thập tại 6 thời điểm xuyên suốt trong mỗi mùa. Kết quả qPCR khảo sát hệ vi sinh vật tử cung và phân của bò sữa sau sinh ở 1 và 2 tháng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05), trong mùa hè nhận thấy tổng vi khuẩn ở 2 tháng sau sinh cao hơn giai đoạn 1 tháng sau sinh, trong khi đó tổng vi khuẩn này là như nhau trong mùa đông (P > 0,05). Bacteroidetes và Firmicutes trong tử cung và phân không có sự khác biệt trên những con bò sau sinh 1 và 2 tháng trong cả 2 mùa khảo sát (P > 0,05). Bacteroidetes, Firmicutes và tổng vi khuẩn có mật độ cao nhất trong nền chuồng so với thức ăn, không khí và nước uống trong chuồng nuôi (P < 0,05). Hệ vi sinh vật Bacteroidetes, Firmicutes và tổng vi khuẩn trong tử cung tương quan gần với hệ vi sinh hiện diện trong nền chuồng ở mùa hè, tuy nhiên lại tương quan xa và nghịch với hệ vi sinh vật từ các nguồn trong môi trường chuồng nuôi ở mùa đông, đặc biệt là hệ vi sinh vật trong phân.

Nghiên cứu trích ly flavonoid từ cây cỏ lào (Chromolaena odorata) định hướng làm gel hỗ trợ - sát khuẩn vết thương

Trần Thị Bích Nhung, Phan Quang Linh, Nguyễn Ngọc Như Ý, Nguyễn Công Minh & Vũ Thùy Anh
Bản điện tử: 30 Apr 2023 | DOI: 10.52997/jad.6.02.2023
Tóm tắt | pdf (4.2M)

Tóm tắt

Cây cỏ lào (Chromolaena odorata) là thực vật phổ biến của Việt Nam chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học. Nghiên cứu sử dụng ethanol làm dung môi để trích ly flavonoid, nhóm hợp chất tự nhiên giàu hoạt tính sinh học, từ cây cỏ lào. Các thông số khảo sát của nghiên cứu bao gồm tỉ lệ nguyên liệu/dung môi, nhiệt độ và thời gian chiết. Hàm lượng flavonoid cao nhất thu được khi sử dụng ethanol có nồng độ 70% với tỉ lệ nguyên liệu/dung môi là 1:200 g/mL, nhiệt độ chiết 50oC và thời gian 2 giờ. Bên cạnh đó, tiềm năng kháng khuẩn của dịch trích và gel (bổ sung dịch trích) đã được khảo sát và kết quả chỉ ra tiềm năng kháng khuẩn của sản phẩm trên 3 chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, Salmonella và Escherichia coli. Nghiên cứu này cho thấy loài thực vật hoang dã này có thể là nguồn cung cấp kháng khuẩn tự nhiên tốt.

Đánh giá tình hình chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Phạm Hữu Tỵ & Lê Thị Kim Ngân
Bản điện tử: 30 Apr 2023 | DOI: 10.52997/jad.1.02.2023
Tóm tắt | pdf (3.7M)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá được thực trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại Thành phố Bà Rịa và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác chuyển nhượng QSDĐ. Nghiên cứu này đã thu thập số liệu thứ cấp, phỏng vấn người sử dụng đất, cán bộ chuyên môn, cá nhân và tổ chức tham gia kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố Bà Rịa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ đã tăng mạnh trong giai đoạn 2016 - 2019, thủ tục hành chính về chuyển nhượng QSDĐ đã được cải thiện về chất lượng và thái độ phục vụ. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất như: giải quyết hồ sơ chậm, cấp chứng nhận chậm, dịch vụ công chưa tốt, phải di chuyển nhiều lần để hoàn tất thủ tục, thông tin công khai còn hạn chế và mang tính hình thức, tình trạng nhũng nhiễu, quy định tài chính đất đai và hồ sơ pháp lý thửa đất phức tạp gây khó khăn cho người sử dụng đất.

Điều tra hiện trạng và diễn biến bệnh đen xơ trên cây mít Thái (Artocarpus heterophyllus Lam.) tại tỉnh Tiền Giang

Võ Thị Ngọc Hà
Bản điện tử: 30 Apr 2023 | DOI: 10.52997/jad.2.02.2023
Tóm tắt | pdf (5.1M)

Tóm tắt

Tiền Giang là địa phương có diện tích trồng mít Thái lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích 13.141,09 ha. Bệnh đen xơ trên mít Thái xuất hiện nhiều và gây thiệt hại lớn cho người trồng, song các thông tin về bệnh còn nhiều hạn chế. Trong nghiên cứu này, chúng tôi thực hiện điều tra hiện trang bệnh đen xơ trên mít Thái tại tỉnh Tiền Giang thông qua phỏng vấn trực tiếp các nông hộ và đánh giá diễn biến bệnh đen xơ trên mít Thái trong hai mùa chính của năm. Bệnh đen xơ trên mít Thái xuất hiện ở tất cả vùng trồng tại Tiền Giang cả hai mùa mưa và mùa khô, gây hại với tỷ lệ bệnh trung bình tại các huyện được điều tra từ 5,29% đến 10,19% vào mùa khô và từ 25,43% đến 33,05% vào mùa mưa, tỷ lệ bệnh vào mùa mưa cao hơn mùa khô. Một số hộ nông dân cho rằng bệnh đen xơ trên mít Thái có thể được nhận dạng qua triệu chứng bên ngoài ở màu sắc và hình dạng cuống trái, mầu trái, hình dạng trái và gai, và được khẳng định bằng kết quả điều tra diễn biến bệnh trong năm. Phun thuốc và tuyển chọn trái sớm trong giai đoạn nuôi trái có thể hạn chế sự gây hại của bệnh. Theo diễn biến, bệnh đen xơ mít Thái xuất hiện từ lúc đậu trái đến thu hoạch, với tỷ lệ bệnh đạt cao nhất 55,56% vào mùa khô và 88,89% vào mùa mưa vào giai đoạn 20 ngày sau đậu trái. 

Ảnh hưởng giá thể và giống đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng hoa cát tường [Eustoma grandiflorum (Raf.) Shinners] trồng chậu tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Quốc Thanh & Lê Thị Hồng Ngọc
Bản điện tử: 30 Apr 2023 | DOI: 10.52997/jad.3.02.2023
Tóm tắt | pdf (3.9M)

Tóm tắt

Các giống hoa cát tường được biết có sự đa dạng về màu sắc, kích thước và hình dạng hoa đặc biệt là sự phát triển các giống hoa cát tường trồng chậu có khả năng chống chịu nhiệt. Đề tài được thực hiện nhằm xác định thành phần giá thể thích hợp cho một số giống hoa cát tường sinh trưởng và phát triển tốt với điều kiện trồng chậu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thí nghiệm hai yếu tố được bố trí kiểu lô phụ với bốn lần lặp lại, yếu tố A (lô chính) là ba giống Rosita Pink Picotee, Rosita Jade và Rosita Pure White và yếu tố B (lô phụ) là ba loại giá thể 40% mụn dừa + 60% tro trấu, 40% mụn dừa + 40% tro trấu + 20% phân trùn và 40% mụn dừa + 40% tro trấu + 20% phân bò. Kết quả cho thấy giống hoa cát tường khác nhau tác động có ý nghĩa thống kê đến khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng hoa. Giống Rosita Jade trồng trên giá thể 40% mụn dừa + 40% tro trấu + 20% phân bò có chiều cao cây cao nhất (43,6 cm) và số cặp lá nhiều nhất (43,5 cặp lá/cây). Bên cạnh đó, giá thể 40% mụn dừa + 40% tro trấu + 20% phân trùn hoặc 40% mụn dừa + 40% tro trấu + 20% phân bò giúp cây hoa cát tường sinh trưởng tốt, năng suất và chất lượng hoa cao hơn so với giá thể 40% mụn dừa + 60% tro trấu. Tuy nhiên, sự tương tác giữa yếu tố giống và giá thể ảnh hưởng khác biệt không có ý nghĩa thống kê đến số cành, đường kính thân, số nụ, số hoa, đường kính hoa và độ bền hoa.