Ngày xuất bản: 2021-10-29

Các phương pháp phát hiện bệnh Hoại tử gan tụy cấp (AHPND) và dạng đột biến (mutant-AHPND) trên tôm

Mai Hoàng Thùy Dung, Huỳnh Tuấn Bình, Nguyễn Phước Khải Hoàn & Trần Văn Hiếu
Bản điện tử: 29 Oct 2021 | DOI: 10.52997/jad.3.05.2021
Tóm tắt | PDF (13.1M)

Tóm tắt

Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) là mối đe dọa nghiêm trọng trên toàn cầu, đặc biệt đối với ngành nuôi tôm Việt Nam kể từ lần phát hiện đầu tiên tại Trung Quốc năm 2009. Bệnh này do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mang plasmid mã hóa cho cặp nhị độc tố ToxA và ToxB gây ra. Bệnh có tỷ lệ chết lên đến 100% sau 3 - 5 ngày kể từ khi nhiễm bệnh và lây lan nhanh giữa các vùng nuôi tôm. Năm 2017, một dạng đột biến của căn bệnh này có tên mutant-AHPND được ghi nhận với một đoạn transposon 1053 bp chèn vào gen toxA trong khi gen toxB không bị ảnh hưởng nhưng tỷ lệ chết vẫn lên đến 50% và bệnh vẫn lây lan nhanh chóng. Tùy theo mục đích và đối tượng khác nhau mà phương pháp phát hiện tương ứng sẽ lựa chọn. Việc hiểu rõ bản chất và ứng dụng cụ thể của từng phương pháp đóng vai trò rất cần thiết cho công tác phòng ngừa, xử lý dịch bệnh AHPND trên tôm nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người nuôi tôm. Bài tổng quan này tổng hợp các phương pháp phát hiện bệnh thông qua phát hiện gen (toxA và toxB) hay protein (độc tố ToxA và/hoặc ToxB) cũng như phương pháp phát hiện sớm dạng đột biến đang được ứng dụng hiện nay. Cuối cùng, một số biện pháp phát hiện tiềm năng khác cũng được thảo luận.

Thử nghiệm sinh sản nhân tạo và ương giống ngao móng tay chúa (Cultellus maximus Gmelin, 1791)

Nguyễn Thanh Hồng & Đinh Thế Nhân
Bản điện tử: 29 Oct 2021 | DOI: 10.52997/jad.5.05.2021
Tóm tắt | PDF (13.1M)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu khảo sát các chỉ tiêu sinh sản và thử nghiệm ương ngao móng tay chúa (Cultellus maximus) giai đoạn ấu trùng và giai đoạn giống với các khẩu phần thức ăn khác nhau. Kết quả cho thấy tỷ lệ tham gia sinh sản của ngao cái là 62,22 ± 3,85%, sức sinh sản thực tế 7,98 ± 0,67 triệu trứng/cá thể, sức sinh sản tương đối thực tế 48.081 ± 5.826 trứng/g cá thể cái, tỷ lệ thụ tinh 42,67 ± 4,47%, và tỷ lệ nở 44,19 ± 4,02%. Thí nghiệm 1 ương giai đoạn ấu trùng bằng các khẩu phần tảo khác nhau NT1.1: Nanochloropsis oculata + Isochrysis galbana; NT1.2: N. oculata + Chaetoceros muelleri; và NT1.3: N. oculata + Isochrysis galbana + C. Muelleri. Kết quả cho thấy NT1.3 cho tỷ lệ sống, tăng trưởng chiều dài và chiều rộng của ấu trùng tương ứng là 5,3 ± 0,91%; 1525,60 ± 48,90 μm và 918,20 ± 28,00 μm cao hơn có ý nghĩa thống kê (P < 0,05) so với NT1.1 và NT1.2. Thí nghiệm 2 ương giai đoạn giống bằng các khẩu phần thức ăn khác nhau: NT2.1: N. oculata + I. galbana + C. muelleri; NT2.2: sử dụng thức ăn tổng hợp (Lansy và Frippak); và NT2.3: kết hợp 50% NT2.1 + 50% NT2.2, kết quả cho thấy NT2.1 cho tỷ lệ sống, tăng trưởng chiều dài và chiều rộng của ấu trùng tương ứng là 11,83 ± 3,89%; 5,72 ± 0,61 mm và 3,31 ± 0,14 mm cao hơn có ý nghĩa thống kê (P < 0,05) so với NT2.2 và NT 2.3.

Ảnh hưởng của lipoprotein tỷ trọng thấp chiết xuất từ lòng đỏ trứng gà trong bảo quản lạnh (4℃ ) tinh dịch chó.

Nguyễn Tử Văn, Nguyễn Thị Phương Anh, Nguyễn Đức Huy, Hà Lê Gia Phúc & Đoàn Trần Vĩnh Khánh
Bản điện tử: 29 Oct 2021 | DOI: 10.52997/jad.2.05.2021
Tóm tắt | PDF (13.1M)

Tóm tắt

Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) chiết xuất từ lòng đỏ trứng gà đóng vai trò chính trong bảo quản tinh dịch chó, tuy nhiên tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của LDL trong bảo quản lạnh tinh dịch chó. Kết quả được đánh giá qua các chỉ tiêu gồm thời gian bảo quản, hoạt lực, sức sống tuyệt đối và tính nguyên vẹn của màng acrosome tại các mức hoạt lực 0,9; 0,5 và 0,3. Ba loại môi trường được sử dụng gồm môi trường căn bản + lòng đỏ trứng gà (EY), môi trường căn bản + LDL (LDL) và môi trường căn bản (C). Thời gian bảo quản tinh dịch chó trong ba loại môi trường từ khi bắt đầu theo dõi đến khi hoạt lực về 0,3 giảm dần theo thứ tự EY > LDL > C, tương ứng với 108 giờ, 60 giờ và 48 giờ. Sức sống tuyệt đối của tinh trùng còn khả năng thụ tinh (Sa5) trong các môi trường lần lượt là EY (768), LDL (423) và C (280), khác biệt rất có ý nghĩa với P < 0,001. Tỷ lệ tinh trùng sống - còn nguyên vẹn màng acrosome tại thời điểm hoạt lực = 0,9 trong môi trường LDL (59,31%) cao hơn trong EY (30,99%). Tuy nhiên, khi hoạt lực giảm từ  0,9 đến  0,5 thì tỷ lệ tinh trùng sống - còn màng acrosome ở cả môi trường EY và LDL đều giảm tương đương nhau (7,30% và 7,23% ), nhưng thời gian bảo quản của EY (84 giờ) lâu hơn so với LDL (48 giờ). Kết quả cho thấy môi trường EY có thời gian bảo tồn, sức sống tuyệt đối và duy trì tỷ lệ tinh trùng sống - còn màng acrosome tốt hơn môi trường LDL. Tuy nhiên, ngay sau pha chế, tỷ lệ tinh trùng sống - còn màng acrosome đã rất thấp. Do đó, khi bảo quản tinh dịch trong thời gian ngắn (dưới 48 giờ) thì sử dụng LDL sẽ cho kết quả tốt, với tỷ lệ tinh trùng sống - còn màng acrosome cao.

Đánh giá đáp ứng miễn dịch của đại thực bào trong các gia đình cá tra chọn giống (Pangasianodon hypophthalmus) kháng bệnh gan thận mủ

Trần Thị Phương Dung, Nguyễn Văn Sáng, Võ Hồng Phượng, Trần Hữu Phúc, Huỳnh Thị Trúc Quân & Nguyễn Hữu Thịnh
Bản điện tử: 29 Oct 2021 | DOI: 10.52997/jad.4.05.2021
Tóm tắt | PDF (13.1M)

Tóm tắt

Đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu của đại thực bào của hai nhóm gia đình cá tra chọn giống kháng bệnh gan thận mủ do Edwardsiella ictaluri cao (A) và thấp (B) được đánh giá trong nghiên cứu này. Cá được thu mẫu tại năm thời điểm sau cảm nhiễm với Edwardsiella ictaluri gồm ngay trước cảm nhiễm, 24, 48, 264 và 312 giờ sau cảm nhiễm (hpi). Tổng số mẫu phân tích số lượng trung tâm đại thực bào tại mô gan, thận và lách, hoạt lực và chỉ số thực bào của đại thực bào của thận trước là 372 bao gồm 192 mẫu của cá thuộc nhóm A và 180 mẫu thuộc nhóm B. Kết quả cho thấy: (1) số lượng trung tâm đại thực bào của cá nhóm A cao hơn nhóm B qua các giai đoạn cảm nhiễm và sự khác biệt có ý nghĩa tại 48hpi; (2) hoạt lực thực bào PA và chỉ số thực bào PI của cá nhóm A cao hơn nhóm B từ giai đoạn 48 đến 264hpi, riêng chỉ số thực bào PI nhóm A cao hơn nhóm B có ý nghĩa thống kê tại thời điểm 48hpi. Các kết quả của nghiên cứu này cho thấy sự khác biệt về đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu thông qua đại thực bào đã giúp nâng cao tỉ lệ sống và thời gian sống của gia đình kháng bệnh cao so với các gia đình kháng bệnh thấp sau khi cảm nhiễm với Edwardsiella ictaluri.

Sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn E.coli phân lập từ tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thương mại tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền

Truyện Nhã Định Huệ, Khưu Nhật Thành, Đỗ Thị Bảo Như & Trần Nguyễn Thanh Thư
Bản điện tử: 29 Oct 2021 | DOI: 10.52997/jad.6.05.2021
Tóm tắt | PDF (13.1M)

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm đánh giá tỷ lệ kháng kháng sinh, đa kháng kháng sinh của 60 chủng E. coli phân lập từ tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thương mại tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, TP. Hồ Chí Minh. Kết quả kiểm tra kháng sinh đồ của các chủng E. coli phân lập được cho thấy có tỷ lệ kháng cao với ampicillin (96,7%), streptomycin (70%), kanamycin (66,7%), nalidixic acid (60%), tetracyclines và trimethoprim/sulfamethoxazole (56,7%), đặc biệt ciprofloxacin (61,7%), chloramphenicol (43,3%). Tỷ lệ đa kháng từ 5 đến 10 loại kháng sinh là 55%, đặc biệt không có chủng nào nhạy cảm với cả 10 loại kháng sinh và có 4 chủng (chiếm 6,7%) kháng với tất cả các loại kháng sinh thử nghiệm.

Phân lập, tuyển chọn các dòng vi khuẩn sinh carotenoid từ môi trường biển và xác định điều kiện ly trích sắc tố

Lê Thị Hoàng Cúc, Lê Thị Mỹ Hoa, Trần Thùy Trang, Văn Thị Tường Vi, Nguyễn Vũ Phong & Biện Thị Lan Thanh
Bản điện tử: 29 Oct 2021 | DOI: 10.52997/jad.7.05.2021
Tóm tắt | PDF (13.1M)

Tóm tắt

Carotenoid là một nhóm sắc tố tự nhiên đang dần được quan tâm sản xuất nhờ có nhiều hoạt tính sinh học quan trọng và có tiềm năng lớn trong sản xuất như chi phí nguyên liệu thấp và dễ áp dụng ở quy mô lớn. Trong nghiên cứu này, nhằm hướng tới phát triển các sản phẩm carotenoid từ vi sinh vật, 14 chủng vi khuẩn sinh sắc tố vàng, đỏ và cam đã được phân lập từ 25 mẫu nước biển thu thập tại các vùng biển Tây Nam Bộ (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), Đông Nam Bộ (Vũng Tàu và Cần Giờ) và Duyên hải Nam Trung Bộ (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Các chủng phân lập được xác định thuộc 7 chi: Micrococcus, Kocuria, Microbacterium, Brevibacterium, Bacillus, Rhodococcus, Exiguobacterium với độ tương đồng trình tự gene 16S rRNA 96,7% - 100%. Dựa vào khả năng sinh carotenoid và độ hấp thu của sắc tố, 3 chủng Micrococcus sp. 64A3a (màu vàng), Exiguobacterium sp. YT09 (màu cam) và Rhodococcus enclensis strain RSA3 (màu đỏ) được tuyển chọn để khảo sát điều kiện ly trích sắc tố. Các sắc tố đỏ, cam và vàng từ các chủng tuyển chọn được lý trích với hiệu suất cao khi sử dụng dung môi là methanol ở nồng độ 100% với tỉ lệ 1 g tế bào vi khuẩn/ 10 mL methanol.

Khảo sát hiện trạng hệ thống chiếu sáng và thiết kế ánh sáng nghệ thuật cho 5 công viên trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Vương Thị Thủy, Dương Thị Mỹ Tiên, Võ Nguyễn Minh Nguyên, Đặng Thành Nghĩa, Nguyễn Tuấn Khanh & Hà Xuân Trường
Bản điện tử: 29 Oct 2021 | DOI: 10.52997/jad.8.05.2021
Tóm tắt | PDF (13.1M)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2020 tại 5 công viên trọng điểm ở Tp. Hồ Chí Minh. Khảo sát hệ thống chiếu sáng của các công viên trên gồm: loại bóng đèn, loại đèn, kiểu chiếu sáng và độ rọi ngang trung bình. Đề tài được thực hiện bằng một số phương pháp như: sử dụng bảng khảo sát được thiết kế sẵn, quan sát, đo đếm, phân tích, tổng hợp số liệu và đánh giá. Mỗi công viên chia theo khu vực: Cổng chính, cổng phụ, trục chính, đường nhánh, bồn hoa thảm cỏ, khu vực hoạt động ngoài để điều tra. Kết quả đã khảo sát 5 công viên sử dụng bóng LED và HQ Compact, loại đèn chùm được ưa chuộng, đa số công viên chỉ áp dụng kiểu chiếu sáng trực tiếp cung cấp ánh sáng toàn cảnh để nhìn rõ sự vật, tất cả các khu vực ở mỗi công viên đều không đạt độ rọi ngang trung bình theo quy định. Đề tài đã đề xuất thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho khu trung tâm của công viên, lấy ý tưởng từ lịch sử hình thành và phát triển của công viên. Kết quả nghiên cứu đóng góp vào việc cải tạo hệ thống chiếu sáng cho 5 công viên tại Thành phố  Hồ Chí Minh.

Tuyển chọn giống mía (Saccharum officianum L.) có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác tỉnh Bình Dương

Trần Văn Tuấn & Phạm Văn Hiền
Bản điện tử: 29 Oct 2021 | DOI: 10.52997/jad.1.05.2021
Tóm tắt | PDF (13.1M)

Tóm tắt

Đề tài nhằm chọn ra được giống mía đạt năng suất > 60  tấn/ha, chữ đường (CCS) > 11, để khuyến cáo đưa vào sản xuất tại tỉnh Bình Dương. Nghiên cứu được thực hiện tại xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2020. Thí nghiệm bố trí theo kiểu lô phụ (SPD) với 3 lần lặp và 2 yếu tố, lô chính với 2 mức độ là điều kiện có tưới và nhờ nước trời (không tưới), giống mía bố trí lô phụ với 10 giống là VN14-13-4, VN14-22-5, VN14-23-13, VN14-37-2, VN14-41-8, VN14-45-3, VN14-49-6, VN14-74-1, VN14-87-11, VN14-89-3 và đối chứng: giống VN84-4137 chống chịu khô hạn và giống KU60-1 mẫn cảm khô hạn. Kết quả ghi nhận: VN14-37-2, VN14-22-5, VN14-23-13, VN14-87-11 là 4 giống mía có triển vọng, phù hợp với điều kiện canh tác tỉnh Bình Dương. Năng suất thực thu của các giống mía này từ 69,67 đến 75,50 tấn/ha trong điều kiện có tưới và từ 55,50 đến 61,17 tấn/ha trong điều kiện nhờ nước trời, năng suất thực thu bình quân trên 62 tấn/ha, tương đương so với giống đối chứng VN84-4137. Chữ đường của các giống này trên 11,90 CCS, năng suất mía quy 10 CCS từ 86,83 đến 94,78 tấn/ha trong điều kiện có tưới và từ 66,10 đến 73,99 tấn/ha trong điều kiện nhờ nước trời, năng suất mía quy 10 CCS bình quân của chúng trên 76 tấn/ha, tương đương so với giống đối chứng VN84-4137.