Ngày xuất bản: 2023-10-23

Đánh giá một số tính chất vật lý và cơ học chủ yếu của gỗ Keo lai (Acacia hybrid) BV10 trồng tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An

Dương Văn Đoàn, Vũ Thị Thanh Hòa, Ngô Thị Hiền & Cao Văn Tư
Bản điện tử: 23 Oct 2023 | DOI: 10.52997/jad.2.05.2023
Tóm tắt | PDF (350.4K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá một số tính chất vật lý và cơ học chủ yếu của gỗ Keo lai BV10 bảy (7) tuổi trồng tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Các mẫu gỗ nhỏ theo tiêu chuẩn có kích thước 20 (Xuyên tâm) × 20 (Tiếp tuyến) × 320 (Dọc thớ) mm3 được cắt tại vị trí gần tâm và gần vỏ từ mỗi cây mẫu ở vị trí ngang ngực, sau đó được đặt trong phòng thí nghiệm tiêu chuẩn đến khi khối lượng đạt giá trị không đổi. Giá trị trung bình khối lượng thể tích (AD), vận tốc truyền sóng ứng suất (SWV), mô đun đàn hồi uốn tĩnh (MOE) và độ bền uốn tĩnh (MOR) lần lượt là 0,53 g/cm3, 4.241 m/s, 10,00 GPa, và 82,17 MPa. Phân tích thống kê chỉ ra rằng giá trị SWV và các tính chất gỗ ở vị trí gần vỏ luôn cao hơn các giá trị đó khi đo ở vị trí gần tâm. Công nghệ sóng ứng suất có thể được sử dụng để dự đoán MOE và MOR, tuy nhiên AD vẫn là một chỉ số đáng tin cậy hơn để dự đoán các tính chất cơ học khi chỉ ra hệ số tương quan rất cao với MOE và MOR lần lượt là 0,86 (P < 0,001) và 0,80 (P < 0,001).

Xây dựng các hàm sản lượng và phân tích biến động sản lượng gỗ của rừng Keo lai (Acacia hybrid) theo những lập địa khác nhau tại tỉnh Đồng Nai

Nguyễn Văn Thêm
Bản điện tử: 23 Oct 2023 | DOI: 10.52997/jad.3.05.2023
Tóm tắt | PDF (378.5K)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích sự biến đổi của sản sản lượng rừng Keo lai theo tuổi và những lập địa khác nhau. Đặc điểm của rừng Keo lai từ tuổi 2 đến 10 đã được thu thập từ 50 ô tiêu chuẩn với kích thước 500 m2. Lập địa của rừng Keo lai đã được đánh giá theo 5 cấp chỉ số lập địa từ I đến V. Các hàm chỉ số lập địa đã được xây dựng từ chiều cao của 50 cây ưu thế tại tuổi 10. Các hàm sản lượng ở mức cây bình quân đã được xây dựng từ chiều cao của 50 cây tại tuổi 10. Kết quả nghiên cứu cho thấy 5 chỉ số lập địa của rừng Keo lai từ I đến V tương ứng là 28, 25, 22, 19 và 16 m. Sản lượng của rừng Keo lai thay đổi rõ rệt theo tuổi và lập địa. Tuổi 2 là thời điểm đường kính và chiều cao của rừng Keo lai chuyển từ giai đoạn sinh trưởng nhanh sang giai đoạn sinh trưởng chậm. Tuổi 5 là thời điểm sản lượng gỗ của rừng Keo lai chuyển từ giai đoạn sinh trưởng nhanh sang giai đoạn sinh trưởng chậm. Năng suất gỗ trung bình hàng năm của rừng Keo lai 10 tuổi trên 5 chỉ số lập địa từ I đến V tương ứng là 38,8, 28,6, 20,2, 13,6 và 8,5 m3/ha. Tuổi thành thục số lượng của rừng Keo lai trên 5 cấp chỉ số lập địa là 9 năm.

Nghiên cứu phương pháp ủ bokashi, compost và đánh giá chất lượng phân bón hữu cơ trên cải bó xôi (Spinacia oleracea L.)

Nguyễn Thái Bình, Trần Dương Tiển, Nguyễn Thị Hồng Nghi, Phạm Quốc Trường, Diệp Trọng Phúc, Mai Thị Thảo & Nguyễn Thanh Bình
Bản điện tử: 23 Oct 2023 | DOI: 10.52997/jad.1.05.2023
Tóm tắt | PDF (349.5K)

Tóm tắt

Nguyên liệu thân lá bắp và rau cải xoong phối trộn theo bốn tỷ lệ 4:1, 3:1, 2:1, 1:2 (v/v) được ủ làm phân bón hữu cơ (PHC) trong thời gian 40 ngày bằng phương pháp compost (PP compost) và phương pháp bokashi (PP bokashi) nhằm (i) xác định tỷ lệ phối trộn phù hợp. Sản phẩm PHC dạng rắn (RComp) và dạng lỏng (LComp và LBoka) được phân tích lý hóa tính và (ii) đánh giá sơ bộ chất lượng phân bón trên cây cải bó xôi (Spinacia oleracea L.) trồng chậu. Thí nghiệm đơn yếu tố được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm bảy nghiệm thức (NT) và ba lần lặp lại. Các NT khác nhau về lượng, loại phân bón và nồng độ pha loãng. Phương pháp compost có giai đoạn ưa nhiệt (t > 40oC) kéo dài 15 ngày, hơn 03 lần so với PP bokashi. Theo đó, R Comp(2:1) có giá trị EC (electrical conductivity, 3,8 mS/cm) và hàm lượng chất hữu cơ cao 77,7%; thành phần dinh dưỡng đa lượng gồm 26,3 g Nts/kg, 13,6 g P2O5 hh/kg và 63,0 g K2O hh/kg; tổng số vi sinh vật hiếu khí trong mẫu LComp(2:1) đạt 2,5 × 107 CFU/mL. LBoka(1:2) có EC 19,8 mS/cm, hàm lượng dinh dưỡng Nts, P2O5 hh và K2O hh lần lượt là 0,35 g/kg; 0,09 g/kg và 9,93 g/kg; tổng axit humic và axit fulvic đạt 2.300 mg/kg. Kết quả bón thử nghiệm RComp ở mức 0,5 kg/m2 bón đơn hoặc bón kết hợp với hai loại dịch chiết LComp, LBoka pha loãng ở nồng độ chất rắn hòa tan 500 ppm đều cho hiệu quả như nhau và làm tăng chiều cao, số lá, cho năng suất rau thu hoạch từ 1.278,9 - 1.425,7 g/m2, khác biệt có ý nghĩa thống kê so với đối chứng không bón (526,8 g/m2).

Đánh giá hiệu quả nuôi Artemia sinh khối trong bể lót bạt tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trương Thị Thúy Hằng, Lâm Hoàng Lai & Võ Thị Thanh Bình
Bản điện tử: 23 Oct 2023 | DOI: 10.52997/jad.4.05.2023
Tóm tắt | PDF (203.5K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mật độ nuôi và phương thức thu hoạch thích hợp, và đánh giá hiệu quả kinh tế của các mật độ nuôi và phương thức thu hoạch sinh khối Artemia. Thí nghiệm gồm 8 nghiệm thức được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần lập lại của 2 mật độ thả (M1: 1.500 và M2: 2.000 cá thể/L) và 4 tần suất thu tỉa (T1: 1 ngày/lần - 10%, T3: 3 ngày/lần - 30%, T5: 5 ngày/lần - 50% và T14: 14 ngày thu 100%) lượng Artemia sinh khối trong bể nuôi. Kết quả nghiên cứu cho thấy kích thước trung bình của Artemia đực và con cái dao động từ 9,12 - 9,55 mm và 9,84 - 11,01 mm. Ở ngày thứ 14, tỷ lệ sống ở mật độ 1.500 cá thể/L chiếm 63,68 ± 2,50% cao hơn khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05) so với mật độ 2.000 cá thể/L (60,95 ± 1,39%). Sức sinh sản trung bình của Artemia cái dao động 70 - 72 phôi/con cái và có xu hướng tăng dần dao động từ 92 - 101 phôi/con cái vào ngày thứ 28. Tần suất thu hoạch ảnh hưởng đến thành phần, mật độ quần thể Artemia và năng suất sinh khối. Sau 29 ngày, nghiệm thức T3M1 cho năng suất cao nhất (3,33 ± 0,39 kg/m3) và lợi nhuận thu được tối ưu nhất với 225,53 ± 9,08 ngàn đồng/kg. Nghiệm thức ĐCM2 cho năng suất thấp nhất (1,22 ± 0,27 kg/m3) với lợi nhuận 78,04 ± 58,58 ngàn đồng/kg.

Cấu trúc, chức năng và tiềm năng ứng dụng của F18 trong phát triển vắc-xin

Vũ Hoàng Gia Uy, Lê Lê Thị Xuân Trang & Trần Văn Hiếu
Bản điện tử: 23 Oct 2023 | DOI: 10.52997/jad.5.05.2023
Tóm tắt | PDF (284.3K)

Tóm tắt

Tiêu chảy sau cai sữa là một trong những bệnh phổ biến nhất ở heo, ảnh hưởng đến heo trong hai tuần đầu sau cai sữa, gây thiệt hại kinh tế nặng nề. Nguyên nhân chính gây bệnh này là vi khuẩn Enterotoxigenic Escherichia coli (ETEC), đặc trưng bởi hai yếu tố gây bệnh: tiêm mao và độc tố ruột. Các tiêm mao được xem là yếu tố trung gian cho sự bám dính của vi khuẩn thông qua việc liên kết với thụ thể có ở ruột heo. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tiêm mao F4 và F18 chiếm tỉ lệ cao trong các loại tiêm mao ở ETEC, được phát hiện ở hầu hết các chủng ETEC được phân lập. Hiện nay, vắc-xin dạng uống đang là biện pháp phòng bệnh tiềm năng được sử dụng với khả năng tạo được IgA, kích thích hệ miễn dịch niêm mạc và đang được nhiều nhà nghiên cứu chú ý đến. Tuy nhiên, các vắc-xin chỉ hiệu quả đối với ETEC-F4 và kém hiệu quả đối với ETEC-F18; vì vậy, việc cần thêm nhiều nghiên cứu để nâng cao hiệu quả vắc-xin phòng bệnh ETEC-F18 là điều cần thiết trong tương lai. Trong tổng quan này, chúng tôi sẽ trình bày về cấu trúc, chức năng và các tiềm năng ứng dụng của F18 trong vắc-xin.

Ảnh hưởng của điều kiện nuôi cấy đến khả năng sinh trưởng và tích lũy lipid của vi tảo Scenedesmus obliquus

Thạch Thị Giang Hương, Trần Thị Hồng, Nguyễn Thị Vân Anh & Huỳnh Vĩnh Khang
Bản điện tử: 23 Oct 2023 | DOI: 10.52997/jad.6.05.2023
Tóm tắt | PDF (341.3K)

Tóm tắt

Hiện nay, vi tảo được xem là nguồn nguyên liệu đầy hứa hẹn để sản xuất nhiên liệu sinh học. Sự tích lũy lipid tùy thuộc vào từng loài vi tảo cũng như điều kiện nuôi cấy. Nghiên cứu này nhằm khảo sát ảnh hưởng của nitơ (N) và photpho (P) đến khả năng sinh trưởng và tích lũy lipid của vi tảo Scenedesmus obliquus. Mật độ vi tảo ghi nhận cao nhất là 38,0 ± 3,5 × 106 tế bào/mL sau 12 ngày nuôi cấy trong môi trường Bold’s Basal Medium (BBM) gốc và giảm rõ rệt khi nồng độ N giảm dần, với mật độ lần lượt là 1,4 ± 0,5 × 106; 21,5 ± 1,4 × 106; 25,7 ± 4,9 × 106; và 33,5 ± 1,2 × 106 tế bào/mL tương ứng với 0, 25, 50, và 75% N. Ngược lại, nồng độ P không có ảnh hưởng đáng kể đến sinh khối vi tảo ở tất cả các nghiệm thức. Nhìn chung, sự tích lũy lipid của S. obliquus tăng khi nồng độ N và P trong môi trường nuôi cấy giảm. Kết quả cho thấy hàm lượng lipid đạt cao nhất (184,1 ± 17,4 mg/g sinh khối khô) khi nuôi cấy vi tảo trong môi trường cạn kiệt N; trong khi đó, hàm lượng lipid chỉ đạt 80,0 ± 9,8 mg/g sinh khối khô khi cung cấp đầy đủ N. Tương tự, hàm lượng lipid cũng tăng gấp đôi khi vi tảo được nuôi cấy trong môi trường chỉ chứa 50% P so với môi trường BBM gốc. Nghiên cứu này chứng minh rằng điều chỉnh môi trường dinh dưỡng là một hướng đi hiệu quả để gia tăng sự tích lũy lipid của vi tảo S. obliquus.