Ngày xuất bản: 2021-04-29

Điều kiện vệ sinh của môi trường chế biến và mật số vi sinh vật trên cá Tra (Pangasius hypophthalmus): Công đoạn chỉnh hình

Tong Thi Anh Ngoc, Nguyễn Cẩm Tú, Nhan Thị Mỹ Hằng & Huỳnh Ngọc Thanh Tâm
Bản điện tử: 29 Apr 2021 | DOI: 10.52997/jad.6.02.2021
Tóm tắt | PDF (376.3K)

Tóm tắt

Trong quá trình chế biến cá Tra phi lê đông lạnh, mật số vi sinh vật phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và điều kiện chế biến và do đó có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của thành phẩm. Chỉnh hình được xem là công đoạn có nguy cơ cao lây nhiễm trong quy trình chế biến. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá và so sánh mật số vi sinh vật tại công đoạn chỉnh hình ở bốn nhà máy chế biến cá Tra phi lê đông lạnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mẫu cá chỉnh hình và môi trường chế biến (các bề mặt tiếp xúc như găng tay công nhân và dụng cụ chế biến) được đánh giá các chỉ tiêu vi sinh vật bao gồm: vi sinh vật tổng số hiếu khí, Coliforms, E. coli và Staphylococci dương tính coagulase (Staphylococci coa+). Kết quả cho thấy mật số vi sinh vật tổng số hiếu khí trên cá chỉnh hình ở bốn nhà máy A, B, C và D lần lượt là 7,1 ± 0,4; 7,5 ± 0,7; 6,7 ± 1,1 và 6,0 ± 0,4 log CFU/g. Mật số Coliforms, E. coli và Staphylococci coa+ trên cá chỉnh hình tại các nhà máy tương ứng dao động từ 4,0 - 5,1; 2,1 - 3,7 và 1,8 - 4,2 log CFU/g. Nghiên cứu thấy rằng cần có phương pháp bảo quản phù hợp cá bán thành phẩm trong suốt quá trình chế biến. Thực hành vệ sinh và sản xuất tốt cần được thực hiện hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ nhiễm chéo cho cá bán thành phẩm.

Thực trạng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) trên tôm nuôi và kết quả phân lập chủng vi khuẩn gây bệnh ở một số tỉnh Tây Nam Bộ

Mai Hoàng Thùy Dung, Huỳnh Tuấn Bình, Nguyễn Thị Minh Hòa, Nguyễn Phước Khải Hoàn, Nguyễn Thanh Toàn, Trần Thị Hương Liên, Tiền Hải Lý, Nguyễn Đình Xuyên, Trần Linh Thước & Trần Văn Hiếu
Bản điện tử: 29 Apr 2021 | DOI: 10.52997/jad.5.02.2021
Tóm tắt | PDF (3.4M)

Tóm tắt

Hội chứng chết sớm/hoại tử gan tụy cấp (EMS/AHPND) là bệnh trên tôm được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc năm 2009. Sau đó, bệnh lây lan nhanh chóng ra các nước lân cận và hiện đã có mặt tại hầu hết các vùng sản xuất tôm chính trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bệnh gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành tôm toàn cầu và cho đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Để nắm rõ thực trạng bệnh AHPND từ đó đưa ra các biện pháp phát hiện và phòng ngừa hiệu quả thì chúng tôi đã thu thập dữ liệu thực tế ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long để phân tích cũng như thu thập mẫu tôm để phân lập chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh. Nghiên cứu từ năm 2014 - 2018 ở bốn tỉnh Bến Tre, Long An, Bạc Liêu, Kiên Giang cho thấy diện tích thiệt hại của AHPND dao động trong khoảng 2,0 - 57,2% tổng diện tích nuôi tôm. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân lập được 10 chủng dương tính với AHPND thông qua nuôi cấy và PCR. Kết quả giải trình tự đại diện ba chủng LA1, LA5, và LA8 cho thấy có độ tương đồng 100% với chủng gây bệnh XN89 đã được công bố trước đây. Các chủng phân lập này sẽ được sử dụng để tạo bộ sưu tập chủng gây bệnh nhằm nghiên cứu sâu hơn cơ chế và nguồn gốc bệnh thông qua giải trình tự toàn bộ bộ gen.

Khảo sát khả năng sinh bacteriocin của vi khuẩn lactic phân lập trên nem chua Thủ Đức

Võ Ngọc Chi, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Đinh Anh Khoa, Phan Bích Tuyền, Hoàng Diễm Hằng, Lê Thị Thủy, & Kha Chấn Tuyền
Bản điện tử: 29 Apr 2021 | DOI: 10.52997/jad.8.02.2021
Tóm tắt | PDF (3.4M)

Tóm tắt

Mục đích của nghiên cứu là tuyển chọn được các chủng vi khuẩn lactic có khả năng sinh bacteriocin được phân lập trên nem chua tại Thủ Đức. Kết quả cho thấy có 2 trong số 8 chủng vi khuẩn lactic được phân lập, có khả năng sinh bacteriocin là Pediococcus pentosaceus trên nem chua Bà Chín lên men ngày thứ 3 và Weissella paramesenteroides trên nem chua Diễm lên men ngày thứ 5. Hoạt tính kháng khuẩn của chủng Pediococcus pentosaceus và chủng Weissella paramesenteroides được phát hiện bằng phương pháp khuếch tán thạch đều cho thấy hoạt tính đối kháng với cả 4 chủng vi sinh vật chỉ thị là Escherichia coli ATCC 25922, Salmonella enterica serova Typhimurium ATCC 13076, Staphylococcus aureus ATCC 6538 và Bacillus cereus ATCC 25924. Bacteriocin của chủng Pediococcus pen- tosaceus có khả năng kháng khuẩn tốt với đường kính vòng vô khuẩn tạo ra trung bình từ 12,20 - 16,07 mm. Đối với bacteri- ocin của chủng Weissella paramesenteroides chỉ cho thấy hoạt tính ức chế sự phát triển của các chủng vi sinh vật chỉ thị với đường kính vòng ức chế trung bình từ 9,75 - 15,27 mm. Tóm lại có thể ứng dụng 2 chủng vi khuẩn lactic này trong việc tạo ra các chế phẩm bacteriocin sinh học thay thế các chất bảo quản hóa học kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm thực phẩm.

Tối ưu hoá điều kiện trích ly flavonoids từ lá diếp cá

Vũ Thùy Anh, Phan Minh Phụng, Nguyễn Thị Diễm Phúc, Nguyễn Hữu Phúc Nguyễn Hữu Phúc & Võ Thị Tường Vi
Bản điện tử: 30 Apr 2021 | DOI: 10.52997/jad.7.02.2021
Tóm tắt | PDF (679.3K)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm sử dụng enzyme cellulase trong quá trình trích ly flavonoids từ lá diếp cá (Houttuynia cordata Thumb) và tối ưu hóa các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất trích ly. Các thông số được khảo sát bao gồm: nồng độ enzyme (25 - 100➭g/mL), nhiệt độ (30 - 50oC), thời gian (30 - 120 phút) và tỉ lệ giữa nguyên liệu: enzyme (1:15 - 1:30 g/mL). Điều kiện trích ly flavonoids được tối ưu điều với thiết kế kiểu CCD (Central Composite Design) bằng phương pháp bề mặt đáp ứng, sử dụng phần mềm JMP Pro 13. Kết quả nghiên cứu đã xác định được điều kiện tối ưu trích ly flavonoids từ lá diếp cá, bao gồm nồng độ enzyme (78,0 ➭g/mL), nhiệt độ (41oC), thời gian (90 phút) và tỉ lệ nguyên liệu: enzyme (1:26 g/mL). Với điều kiện trích ly tối ưu này, hàm lượng flavonoid đạt được là 24,04 ± 0,05 mg/g, vật chất khô.

Đánh giá khả năng kết hợp riêng của 8 dòng khổ qua (Momordica charantia L. ) thế hệ I6

Tô Thị Thùy Trinh, Hoàng Đắc Hiệt, Lê Thị Thu Mận, Trần Văn Lâm, Nguyễn Thị Bích Phượng, Huỳnh Quang Tuấn, Thái Thị Bích & Võ Thái Dân
Bản điện tử: 29 Apr 2021 | DOI: 10.52997/jad.3.02.2021
Tóm tắt | PDF (3.4M)

Tóm tắt

Đánh giá khả năng kết hợp riêng của 8 dòng khổ qua (Momordica charantia L.) thế hệ I6 được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao trong thời gian từ tháng 09/2019 đến tháng 12/2019. Mục tiêu là chọn tổ hợp lai ưu tú bằng phương pháp lai diallen phục vụ lai tạo giống F1. Kết quả đánh giá khả năng phối hợp riêng dựa trên tính trạng năng suất của 28 tổ hợp lai bằng phương pháp lai diallen của 8 dòng khổ qua thế hệ I6 (Q16, Q65, Q80, Q86, Q75, Q06, Q81 và Q87), chọn được 04 tổ hợp lai triển vọng có ưu thế lai cao vượt giống đối chứng từ 10% trở lên phục vụ công tác sản xuất gồm Q65/Q80, Q86/Q75, Q06/Q81 và Q81/Q87) và ít bị nhiễm bệnh hại. Đặc điểm quả và năng suất của bốn tổ hợp lai được chọn: chiều dài quả từ 16,0 - 17,6 cm; đường kính quả từ 6,2 - 6,8 cm; khối lượng quả trung bình dao động từ 132,2 - 151,7 g/quả và năng suất trung bình đạt 4,1 đến 4,3 tấn/1000 m2.

Sự phân bố và hiện diện của nấm rễ nội cộng sinh (Vesicular Arbuscular Mycorrhyza) trong vùng đất trồng bưởi Da Xanh tại Bà Rịa Vũng Tàu

Thái Nguyễn Diễm Hương, Nguyễn Thị Mỹ Linh & Phạm Thị Thùy Dương
Bản điện tử: 29 Apr 2021 | DOI: 10.52997/jad.2.02.2021
Tóm tắt | PDF (3.4M)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định sự phân bố và hiện diện của nấm nội cộng sinh VAM (Versicular Arbuscular Mycorrhiza) trong vùng đất quanh rễ và rễ bưởi Da Xanh tại Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu. Các mẫu đất và rễ được thu thập trên các vườn bưởi 6 - 7 năm tuổi, trồng trên 2 nền đất phổ biến tại địa phương, ở 2 tầng đất 0 - 20 cm và 20 - 40 cm, tại 2/3 tán và mép tán. Kết quả cho thấy nấm VAM hiện diện trên nền đất đỏ bazan với mật số bào tử cao hơn trong đất đen, tập trung chủ yếu ở tầng đất mặt (0 - 20 cm) và ở mép tán. Chi Glomus và Acaulospora là 2 chi chiếm ưu thế với tỉ lệ dao động lần lượt trong khoảng từ 53,18 ± 2,59% đến 58,54 ± 0,46% và 23,68 ± 2,96% đến 29,33 ± 0,64%. Càng tăng độ sâu tầng đất, mật số bào tử nấm VAM càng giảm, thành phần các chi nấm cộng sinh cũng thay đổi. Tỉ lệ rễ có sự cộng sinh dao động từ 56,20 ± 3,11% đến 62,00 ± 3,37%, cao nhất trên đất đỏ.

Ảnh hưởng của hai hệ thống thủy canh lên chất lượng nước và phát triển của cá lóc và cải xanh trong mô hình aquaponic

Nguyễn Phúc Cẩm Tú, Nguyễn Ngọc Hà, Thái Thị Thanh Thủy, Trần Triệu Phong & Nguyễn Như Trí
Bản điện tử: 29 Apr 2021 | DOI: 10.52997/jad.4.02.2021
Tóm tắt | PDF (427.1K)

Tóm tắt

Mô hình aquaponic là sự kết hợp giữa nuôi thủy sản tuần hoàn và trồng rau thủy canh. Mô hình aquaponic có ba phương pháp thủy canh được dùng phổ biến: sử dụng lớp giá thể (GTS), màng dinh dưỡng (NFT) và canh tác nước sâu - bè nổi (bè nổi - BN). Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của hai hệ thống thủy canh BN và GTS lên các thông số chất lượng nước, tăng trưởng của cá và phát triển của cây trong mô hình aquaponic nuôi cá lóc đen (Channa striata) kết hợp với trồng cải xanh (Brassica juncea). Cá lóc được thả nuôi với mật độ 40 con/75 lít nước và tiến hành nuôi trong 167 ngày. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu theo dõi hằng ngày như nhiệt độ, pH và ôxy hòa tan ở hai hệ thống như nhau và tương đối ổn định; trong khi chỉ tiêu EC ở nghiệm thức GTS cao hơn so với hệ thống BN. Tương tự, hàm lượng của các thông số theo dõi hàng tuần (amôn, nitrít, nitrát, phốtpho tổng và độ kiềm) ở nghiệm thức GTS cao hơn so với nghiệm thức BN. Trọng lượng trung bình của cá lóc cuối thí nghiệm, tăng trưởng tuyệt đối và tương đối và tỷ lệ sống ở hệ thống GTS cao hơn, nhưng FCR thấp hơn so với hệ thống BN. Trái lại, năng suất rau thu hoạch ở hệ thống BN cao hơn rất đáng kể so với hệ thống GTS. Nhìn chung, mô hình aquaponic BN có hiệu quả cao hơn mô hình aquaponic GTS.

Đánh giá khả năng phối hợp riêng về năng suất và độ brix của bảy dòng dưa lưới (Cucumis melo L.) thế hệ thứ sáu (I6)

Huỳnh Quang Tuấn, Hoàng Đắc Hiệt, Tô Thị Thùy Trinh, Trần Văn Lâm, Lê Thị Thu Mận & Võ Thái Dân
Bản điện tử: 29 Apr 2021 | DOI: 10.52997/jad.1.02.2021
Tóm tắt | PDF (3.4M)

Tóm tắt

Mục tiêu là chọn các dòng dưa lưới có khả năng kết hợp riêng cao và các tổ hợp lai dưa lưới ưu tú phục vụ lai tạo giống F1. Thí nhiệm đơn yếu tố, được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 29 nghiệm thức (21 tổ hợp lai, 1 giống đối chứng (giống lai TL3) và 7 dòng dưa lưới I6) và 3 lần lặp lại. Đánh giá khả năng phối hợp riêng dựa trên tính trạng năng suất và độ brix của 7 dòng dưa lưới tự phối I6 (H5.6, H32.6, H34.6, H41.6, H53.6, H58.6, H77.6) bằng phương pháp lai luân giao (mô hình Griffing 4) được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, chọn được 04 tổ hợp lai (THL) triển vọng có khả năng phối hợp riêng và ưu thế lai cao vượt giống đối chứng, phục vụ công tác sản xuất gồm THL H41.6 x H58.6, H53.6 x H77.6, H32.6 x H41.6 và H53.6 x H58.6. Ngoài khả năng có ưu thế lai và cho năng suất cao hơn giống đối chứng 10%, bốn THL này còn thể hiện các đặc điểm hình thái như quả tròn, lưới đều và ít nhiễm sâu bệnh.