Ngày xuất bản: 2023-02-28

Mối quan hệ giữa kích cỡ cá cái với một số chỉ tiêu sinh sản, đường kính trứng và tăng trưởng cá bột của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Tạ Anh Thư & Dương Thúy Yên
Bản điện tử: 28 Feb 2023 | DOI: 10.52997/jad.4.01.2023
Tóm tắt | pdf (1.7M)

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm xác định mối quan hệ giữa khối lượng cá cái với một số chỉ tiêu sinh sản, thể tích noãn hoàng và chiều dài cá bột của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus). Cá tra thành thục được chọn từ bể tuần hoàn nuôi cá vỗ cá bố mẹ. Cá cái (n = 36) với khối lượng khác nhau (1,7 - 7,0 kg) được cho sinh sản nhân tạo với cùng nhóm cá đực. Kết quả cho thấy sức sinh sản thực tế (331.667 - 1.404.791 trứng/con) có mối quan hệ thuận (P < 0,01) nhưng sức sinh sản tương đối (73.849 - 255.214 trứng/kg cá cái) có mối tương quan nghịch với khối lượng cá cái (P < 0,01). Số cá cái cho sinh sản gồm 18 con và được phân chia thành 3 nhóm khối lượng (6 - 7 kg, n = 5; 5 - 5,5 kg, n = 8; và 3 - 4,8 kg, n = 5) để theo dõi một số chỉ tiêu sinh sản gồm đường kính trứng, tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ nở. Kết quả nghiên cứu cho thấy đường kính trứng (1.014 - 1.024 µm), tỉ lệ thụ tinh (65,78 - 79,00%) và tỉ lệ nở (42,73 - 57,27%) của ba nhóm cá khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P > 0,05). Cá bột của nhóm cá cái trung bình và lớn có xu hướng tăng trưởng về chiều dài nhanh hơn đàn con của nhóm cá cái nhỏ và sự khác biệt này có ý nghĩa ở thời điểm mới nở, 24 và 72 giờ sau khi nở (P < 0,05). Thể tích noãn hoàng khác biệt không có ý nghĩa giữa ba nhóm cá (P > 0,05), dao động từ 0,37 đến 0,41 mm3 khi cá mới nở, giảm 62,2 - 68,3% sau 36 giờ và 83,8 - 85,4% sau 48 giờ. Nhìn chung, cá cái có khối lượng từ 5 – 7 kg cho kết quả sức sinh sản thực tế và tăng trưởng của đàn con ở 5 ngày sau khi nở tốt hơn so với nhóm cá cái nhỏ.

Ứng dụng phương trình tương quan "lấp đầy" dữ liệu quan trắc chất lượng nước phục vụ đánh giá chất lượng và khả năng tự làm sạch của nước

Bùi Việt Hưng & Nguyễn Ngọc Diệp
Bản điện tử: 28 Feb 2023 | DOI: 10.52997/jad.5.01.2023
Tóm tắt | pdf (1.7M)

Tóm tắt

Trong công tác quản lý môi trường, quan trắc chất lượng nước được thực hiện liên tục nhằm cung cấp thông tin về hiện trạng chất lượng nước, phân bố và xu hướng diễn ra. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác quan trắc không diễn ra liên tục, gây gián đoạn / thiếu số liệu cho bộ dữ liệu quan trắc. Việc thiếu số liệu và không liên tục của bộ dữ liệu quan trắc gây ra sự không đồng nhất hoặc làm yếu tính đại diện của các kết quả phân tích / đánh giá về mức độ chất lượng hoặc khả năng tự làm sạch của nước. Phương trình đường cong thực nghiệm đa thức bậc cao (HoCEq) và phương trình hồi quy đa biến (MREq) là một số những phương pháp nội suy / mô phỏng thường được sử dụng do được tích hợp trong bộ công cụ phân tích văn phòng như excel hay SPSS (Statistical Product and Services Solutions) và chúng cho kết quả phù hợp. Trong nghiên cứu đánh giá chất lượng nước kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè (NLTN), TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM), HoCEq và MREq được áp dụng cho “lấp đầy” cho bộ dữ liệu quan trắc chất lượng nước giai đoạn 2012 - 2021 (nội suy giữa các vị trí và giữa các thời điểm quan trắc). Điều này đã giúp tăng hiệu quả việc phân tích / đánh giá và tăng tính đại diện của kết quả nghiên cứu với hệ số tương quan thích hợp (R2 trên 0,5), tương ứng mức tương quan chặt.

Ảnh hưởng của thời điểm ngập úng đến sinh trưởng, sinh lý và năng suất của giống lạc L14 (Arachis hypogaea)

Lê Thị Tuyết Châm & Vũ Ngọc Thắng
Bản điện tử: 28 Feb 2023 | DOI: 10.52997/jad.3.01.2023
Tóm tắt | pdf (1.7M)

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của thời điểm ngập úng đến một số chỉ tiêu sinh trưởng, sinh lý và năng suất của giống lạc L14 trong nhà lưới có mái che của Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội tại vụ Xuân 2020. Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên 2 yếu tố, bao gồm: yếu tố 1 là chế độ tưới bao gồm CT1 tưới bình thường và CT2 xử lý ngập nhân tạo trong 10 tuần và rút nước để trở lại độ ẩm đất ban đầu (70 - 80%); yếu tố 2 là thời điểm gây úng bao gồm xử lý ngập ở các giai đoạn cây con (khi cây có 3 lá), ra hoa rộ (25 ngày sau khi cây bắt đầu ra hoa), quả chắc (65 ngày sau khi cây bắt đầu ra hoa). Kết quả đã cho thấy ngập úng đều làm giảm cả chỉ tiêu sinh trưởng và sinh lý như chiều cao cây, chiều dài cành cấp 1, số lá/cây, khối lượng tươi và khả năng tích lũy chất khô, khả năng hình thành nốt sần, chỉ số đánh giá hàm lượng diệp lục trong lá SPAD (soil plant analysis development) và hiệu suất huỳnh quang diệp lục. Duy nhất chỉ tiêu độ rò rỉ ion tăng lên phản ánh mức độ stress ngập úng cây đang trải qua. Tuy nhiên, ngập ở giai đoạn cây con đã làm ảnh hưởng lớn đến số quả trên cây và tỷ lệ đậu quả, dẫn đến năng suất cá thể của giống L14 đã giảm 60,3% so với đối chứng. Trong khi đó, ngập ở giai đoạn ra hoa rộ và quả chắc gây ra sự suy giảm năng suất của giống lạc L14 tương đương nhau (∼31%). Như vậy, ngập úng ở giai đoạn cây con trong 10 tuần đã làm ảnh hưởng lớn nhất đến năng suất của giống lạc L14.

Ảnh hưởng của mật độ trồng đến sinh trưởng và năng suất của 3 giống ngô nếp tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh

Hồ Văn Tấn & Nguyễn Châu Niên
Bản điện tử: 28 Feb 2023 | DOI: 10.52997/jad.1.01.2023
Tóm tắt | pdf (1.7M)

Tóm tắt

Chọn tạo giống ngô nếp có năng suất cao, phẩm chất tốt và xác định mật độ trồng phù hợp để đưa vào sản xuất là công tác được các trung tâm, công ty giống quan tâm. Nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ trồng đến sinh trưởng và năng suất 3 giống ngô nếp đã được thực hiện từ tháng 04/2021 đến tháng 06/2021 tại Củ Chi, TP.HCM. Thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu lô phụ với 9 nghiệm thức, 3 lần lặp lại. Lô chính gồm 3 giống ngô nếp V068, V247, V659, lô phụ gồm 3 mật độ trồng 71.400 cây/ha (70 x 20 cm), 57.100 cây/ha (70 x 25 cm) và 47.600 cây/ha (70 x 30 cm). Kết quả cho thấy mật độ trồng 57.100 cây/ha phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của ba giống ngô thí nghiệm. Ở mật độ này, giống V068 cho NSTT 18,2 tấn/ha, tỷ lệ bắp loại 1 đạt 66,0% và tỷ suất lợi nhuận đạt 1,15. Trong khi, giống V247 cho NSTT 18,4 tấn/ha, tỷ lệ bắp loại 1 đạt 70,2% và tỷ suất lợi nhuận đạt 1,23. Giống V659 cho NSTT 18,4 tấn/ha, tỷ lệ bắp loại 1 đạt 71,8% và tỷ suất lợi nhuận đạt 1,28. 

Nghiên cứu sự chuyển hoá sinh lý, hóa sinh theo tuổi phát triển của quả hồng Nhân Hậu (Diospyros kaki L.f.) trồng tại Thanh Hóa

Lê Văn Trọng, Hà Thị Phương & Lò Thị Quyến
Bản điện tử: 28 Feb 2023 | DOI: 10.52997/jad.6.01.2023
Tóm tắt | pdf (1.7M)

Tóm tắt

Sự chuyển hóa sinh lý, hóa sinh theo tuổi phát triển của quả hồng từ khi hình thành đến khi quả chín được nghiên cứu trên giống hồng Nhân Hậu thu hái tại tỉnh Thanh Hóa. Nghiên cứu nhằm xác định thời điểm chín sinh lý của quả, làm cơ sở cho việc thu hái và bảo quản. Quả được thu thập vào các thời điểm 4, 8, 12, 15, 17, 19, 20, 21 & 23 tuần và được khảo sát về kích thước, hàm lượng sắc tố, hàm lượng đường khử, tinh bột, acid tổng số, vitamin C, pectin và tanin. Kết quả cho thấy quả hồng đạt kích thước gần như tối đa khi được 21 tuần (chiều dài 6,39 cm, đường kính 6,17 cm). Hàm lượng diệp lục a và b tăng dần từ khi quả mới hình thành đến 15 tuần (diệp lục a đạt 0,43 mg/100 g, diệp lục b đạt 0,61 mg/100 g), sau đó giảm nhanh đến khi quả chín, hàm lượng carotenoids tăng dần đến khi quả chín (đạt 0,81 mg/100 g ở 23 tuần). Hàm lượng tinh bột và acid tổng số tăng dần và đạt cực đại khi quả được 17 tuần (tinh bột đạt 7,61%, acid tổng số đạt 74,70 mg/100 g), sau đó giảm dần. Hàm lượng đường khử và vitamin C tăng lên trong suốt những giai đoạn đầu và đạt giá trị cao nhất ở thời điểm 21 tuần (đường khử đạt 14,11%, vitamin C đạt 46,54 mg/100 g), sau đó giảm xuống. Hàm lượng pectin và tanin tăng dần và đạt cực đại khi quả được 15 tuần (pectin đạt 4,04%, tanin đạt 2,02%), sau đó giảm dần cho đến khi quả chín. Kết quả nghiên cứu cho thấy quả hồng Nhân Hậu nên được thu hoạch ở độ chín sinh lý (21 tuần) để đảm bảo giá trị dinh dưỡng và chất lượng của quả trong quá trình bảo quản.

Ảnh hưởng của loại phân, lượng phân và số lần bón phân cho mía trên đất dốc Tây Nguyên

Phạm Văn Tùng, Đỗ Đức Hạnh, Trần Văn Sơn, Dương Công Thống, Nguyễn Thị Tân, Đỗ Văn Tường, Trần Bá Khoa, Vũ Văn Kiều, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Thị Hà Nhi & Phạm Thị Thu
Bản điện tử: 28 Feb 2023 | DOI: 10.52997/jad.2.01.2023
Tóm tắt | pdf (1.7M)

Tóm tắt

Khảo nghiệm các loại phân, lượng phân và số lần bón phân nhằm mục đích tìm ra loại phân, lượng phân và số lần bón phù hợp cho mía trên đất dốc được tiến hành trên đất dốc tại xã Kông Yang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai và xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Các khảo nghiệm cơ bản được bố trí kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ với 5 nghiệm thức, 3 lần nhắc lại, diện tích mỗi ô là 50 m2. Các khảo nghiệm được đánh giá trên 01 vụ mía tơ và 01 vụ mía gốc 1, từ tháng 01/2020 đến tháng 01/2022. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, trong điều kiện đất dốc, bón phân NPK tan có kiểm soát (18-8-22), với hàm lượng NPK bằng 70% so với đối chứng, cho năng suất mía đạt từ 80,6 - 92,7 tấn/ha, hàm lượng đường đạt từ 11,84 - 11,95 CCS (commercial cane sugar), năng suất mía quy 10 CCS đạt từ 96,0 - 110,8 tấn/ha, vượt 16,3 - 30,86% so với đối chứng và lợi nhuận tăng thêm so với đối chứng từ 3.416 - 12.351 ngàn đồng/ha.