Ngày xuất bản: 2022-08-31

Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng thực phẩm thuỷ sản có truy xuất nguồn gốc của người tiêu dùng Việt Nam: trường hợp điển hình tại TP. Hồ Chí Minh

Mai Đăng Tiến, Cao Huyền My & Tạ Ngọc Thơm
Bản điện tử: 31 Aug 2022 | DOI: 10.52997/jad.4.04.2022
Tóm tắt | pdf (452.1K)

Tóm tắt

Ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm đã và đang gây ra vấn đề nghiêm trọng làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam và thực phẩm truy xuất nguồn gốc là một giải pháp tiềm năng cho vấn đề này. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng thực phẩm thủy sản truy xuất nguồn gốc và mức độ tác động của từng yếu tố dựa trên mô hình “lý thuyết hành vi có kế hoạch” (TPB) lên người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu dựa trên khảo sát 200 người tiêu dùng đã cho thấy ý định tiêu dùng của khách hàng đối với sản phẩm thủy sản truy xuất nguồn gốc được hình thành chủ yếu dựa trên thái độ của họ, trong khi các chuẩn mực chủ quan như ý kiến từ gia đình, bạn bè, các chuyên gia,. . . lại tác động gián tiếp đến ý định thông qua thái độ. Nghiên cứu cũng cho thấy mặc dù ý định là tiền đề cho hành vi tiêu dùng thủy sản truy xuất nguồn gốc, nhận thức kiểm soát hành vi lại là động lực lớn hơn quyết định hành vi tiêu dùng thật sự.

Khảo sát thành phần hóa học và nhân giống in vitro từ củ tam thất nam (Kaempferia rotunda L.)

Phạm Thị Trưng, Phan Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Quyên, Tôn Trang Ánh, Nguyễn Vũ Phong, & Trần Thị Lệ Minh
Bản điện tử: 31 Aug 2022 | DOI: 10.52997/jad.5.04.2022
Tóm tắt | pdf (164.2K)

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm khảo sát thành phần hoạt chất trong củ tam thất nam và xây dựng được quy trình nhân giống cây tam thất nam in vitro. Kết quả phân tích thành phần hóa học từ củ tam thất nam trên máy GC-MS thu được các hợp chất bao gồm 25 chất: alpha-pinene (4,48%), camphene (20,85%), pentadecane (15,47%), camphor (10,15%), alpha terpinolene (1,01%), bornyl acetate (5,65%), alpha-selinene (2,32%)  gamma-curcumene (3,22%, heptadecane (3,80%), alpha-cedrene (3,64%), alpha-amorphene (4,92%), alpha-curcumine (2,68%), benzyl-benzoate (7,56%), eucalypyol (1,01%) và một số hợp chất quan trọng khác. Môi trường MS bổ sung BA 2 mg/L và Kinetin 0,2 mg/L phù hợp để nhân chồi, đạt 4,67 chồi/mẫu. Môi trường MS 1/2 bổ sung NAA 0,5 mg/L thích hợp tạo rễ và tạo cây in vitro hoàn chỉnh, chiều cao chồi đạt 12,05 cm và số rễ 14,56 rễ/mẫu. Cây tam thất nam in vitro được đem trồng ngoài vườn ươm với tỷ lệ sống 100%.

Vai trò của canxi và con đường vận chuyển hấp thu canxi trong cơ thể người

Mã Bích Như, & Võ Chí Bảo
Bản điện tử: 31 Aug 2022 | DOI: 10.52997/jad.8.04.2022
Tóm tắt | pdf (250.6K)

Tóm tắt

Canxi là khoáng đa lượng chiếm tỷ lệ cao trong cơ thể con người. Canxi đóng nhiều vai trò chức năng trong cơ thể. Do đó, canxi đã trở thành mối quan tâm xã hội. Trong bài tổng quan này, chúng tôi giới thiệu về canxi như vai trò, tương tác của canxi xảy ra trong tế bào, giới thiệu về một số loại thực phẩm giàu canxi. Trong cơ thể người, quá trình hấp thu canxi được diễn ra dọc theo chiều dài của ruột non theo bốn con đường chính bao gồm: con đường có chất mang calbindin, con đường paracellular, con đường có thụ thể 1,25(OH)2 - vitamin D surface receptor (transcaltachia) và con đường túi vận chuyển.

Đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp vùng bán khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Ngô Minh Thụy, Lê Mộng Triết, Nguyễn Kim Lợi & Lương Tấn Quang
Bản điện tử: 31 Aug 2022 | DOI: 10.52997/jad.7.04.2022
Tóm tắt | pdf (296.8K)

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả các loại hình sử dụng đất nông nghiệp cho vùng bán khô hạn làm cơ sở đề xuất sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn có vai trò quan trọng đối với tỉnh Ninh Thuận. Trên cơ sở kết quả điều tra nông hộ (450 hộ), đề tài đã đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên 03 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Tổng hợp tính hiệu quả của các loại hình sử dụng đất đã chọn ra được loại hình sử dụng đất cây ăn trái, ngô - đậu xanh, cỏ chăn nuôi có điều kiện phát triển bền vững so với các loại hình sử dụng đất khác. Trên cơ cở đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đề tài đề xuất định hướng sử dụng đất nông nghiệp và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp cho vùng bán khô hạn của tỉnh Ninh Thuận là giảm 2.116 ha diện tích đất lúa 1 vụ để chuyển sang trồng ngô, đậu xanh; chuyển đổi 698 ha diện tích đất trồng lúa 2 vụ sang ngô - đậu xanh, 1 vụ lúa - 1 vụ ngô, tăng thêm diện tích đất trồng cây ăn trái (táo và nho) diện tích 337 ha, diện tích đất trồng cỏ cũng được đề xuất tăng để phục vụ chăn nuôi.

Tối ưu hóa phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

Ngô Minh Thụy, Lê Mộng Triết & Nguyễn Kim Lợi
Bản điện tử: 31 Aug 2022 | DOI: 10.52997/jad.6.04.2022
Tóm tắt | pdf (337.5K)

Tóm tắt

Tối ưu hóa phương án sử dụng đất nông nghiệp để phù hợp với điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường đặc biệt thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Trong bài báo này, chúng tôi đề xuất phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng tối ưu theo các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường trên cơ sở sử dụng mô hình quy hoạch tuyến tính đa mục tiêu và công nghệ GIS. Mô hình quy hoạch tuyến tính đa mục tiêu hỗ trợ xác định cơ cấu sử dụng đất tối ưu và công nghệ GIS sẽ hỗ trợ nhà quy hoạch trong bố trí không gian sử dụng đất. Nghiên cứu này được thực hiện trên địa bàn huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, kết quả đạt được có ý nghĩa thực tiễn cao và có thể mở rộng quy mô nghiên cứu cho toàn tỉnh Ninh Thuận và các địa phương khác có điều kiện tương tự.

Ảnh hưởng của nồng độ phun dung dịch hữu cơ bón lá đến sinh trưởng, năng suất và hiệu quả kinh tế của cây mồng tơi và cải canh

Nguyễn Thị Loan
Bản điện tử: 31 Aug 2022 | DOI: 10.52997/jad.2.04.2022
Tóm tắt | pdf (308.1K)

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm xác định nồng độ phun dung dịch hữu cơ bón lá Batraixanh Greco 01S thích hợp cho sản xuất rau mồng tơi và rau cải canh trong vụ Xuân Hè tại Gia Lâm, Hà Nội. Hai thí nghiệm trên cây mồng tơi và cải canh được bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên trên đồng ruộng với 05 nghiệm thức tương ứng 5 nồng độ phun dung dịch bón lá: 0 - 2 - 3 - 4 - 5 mL/L/lần phun, với 3 lần lặp lại. Lượng dung dịch pha loãng phun cho 1 lần là 1 L/m2 ; số lần phun cho cây mồng tơi và cải canh lần lượt là 4 và 2. Kết quả cho thấy việc sử dụng dung dịch hữu cơ bón lá cho cây mồng tơi và cải canh làm tăng rõ rệt sinh trưởng và năng suất của hai loại rau này. Phun 3 - 5 mL/L/lần phun trên cây mồng tơi cho năng suất đạt cao nhất từ 15,38 - 16,70 tấn/ha; trong khi đó, phun 3 mL/L/lần phun cho cây cải canh có năng suất cao nhất (14,67 tấn/ha). Tỷ suất lợi nhuận đạt cao nhất ở cả 2 cây mồng tơi và cải canh được phun 3 mL/L/lần phun lần lượt là 1,24 và 1,59.

Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến sinh trưởng và phẩm chất của cây sen thơm (Plectranthus hadiensis var. tomentosus (Benth. ex E. Mey.) Codd) trồng chậu tại thành phố Hồ Chí Minh

Lý Trí Hiệp, Lê Thị Mỹ Hạnh, Hồ Ngọc Như Tiền, Lê Nhựt Tiến, & Phạm Thị Thùy Dương
Bản điện tử: 31 Aug 2022 | DOI: 10.52997/jad.1.04.2022
Tóm tắt | pdf (336.3K)

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định liều lượng phân đạm, kali thích hợp để cây sen thơm sinh trưởng tốt, đạt phẩm chất cao và mang lại hiệu quả kinh tế. Thí nghiệm được tiến hành từ tháng 04 đến tháng 06 năm 2021 tại trại thực nghiệm Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với ba lần lặp lại. Yếu tố thứ nhất gồm 3 liều lượng phân đạm (0,50; 1,00 (đối chứng) và 2,00 g N/chậu), yếu tố thứ hai gồm 4 liều lượng phân kali (0,25; 0,50; 1,00 (đối chứng) và 2,00 g K2O/chậu). Kết quả thí nghiệm cho thấy, cây sen thơm được bón lượng đạm và kali là 0,50 g N/chậu và 1,00 g K2O/chậu cho kết quả tốt nhất về chiều cao cây (16,65 cm), đường kính thân (5,45 mm), số cành cấp 1 (10,09 cành/cây), đường kính tán (20,13 cm), số lá (201,04 lá/cây), chiều dài và chiều rộng lá (35,06 và 24,13 mm), độ bền (40,00 ngày), tỷ lệ chậu đạt thương phẩm (94,67%). Tổng thu là 29.933 nghìn đồng/1000 chậu đạt tỷ suất lợi nhuận cao nhất (1,32 lần) mang lại hiệu quả kinh tế cao tại thời điểm 60 ngày sau trồng.

Ảnh hưởng của loại và liều lượng phân kali đến sự sinh trưởng và năng suất giống tỏi Phan Rang (Allium sativum L.)

Trần Văn Khang, Huỳnh Đạt, Bùi Minh Trí, Phan Hải Văn, & Phạm Văn Hiền
Bản điện tử: 31 Aug 2022 | DOI: 10.52997/jad.3.04.2022
Tóm tắt | pdf (174.3K)

Tóm tắt

Nghiên cứu “Ảnh hưởng của loại và liều lượng kali đến sự sinh trưởng và năng suất giống tỏi Phan Rang (Allium sativum L.)” đã được thực hiện tại Trại thực nghiệm khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định được loại và liều lượng phân kali phù hợp cho sự sinh trưởng và đạt năng suất cao đối với giống tỏi Phan Rang. Thí nghiệm 2 yếu tố, bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 8 nghiệm thức, 3 lần lặp lại, với yếu tố A là 2 loại phân kali thương phẩm (KCl, K2SO4) và yếu tố B là 4 liều lượng phân kali (110 kg/ha, 140 kg/ha, 170 kg/ha, 200 kg/ha). Kết quả đã ghi nhận cây tỏi được bón 200 kg K2SO4/ha gia tăng chiều cao cây đạt 51,8 cm. Đường kính củ (24,7 mm), số tép/củ (12,3), khối lượng củ (4,83 g) và tỉ lệ khô/tươi (92%) và năng suất củ là 1,36 kg/100 chậu đạt cao nhất ở cây tỏi được bón 200 kg K2SO4/ha.